| Hotline: 0983.970.780

Những người giữ rừng ở Cần Giờ

Thứ Sáu 30/12/2011 , 10:15 (GMT+7)

Ít ai biết, để những cánh rừng mãi mãi màu xanh, bao thế hệ con người đã phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu của mình để giữ chúng.

Men theo đường Rừng Sác (Cần Giờ, TPHCM) những ngày này, dưới ánh nắng ấm áp mùa xuân là màu xanh bất tận của rừng đước, rừng bần. Nhưng ít ai biết, để những cánh rừng mãi mãi màu xanh, bao thế hệ con người đã phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu của mình để giữ chúng.

Nữ “chiến sĩ” nơi rừng thẳm

Nằm sâu trong khu rừng đước mênh mông với con đường đất nhỏ độc đạo rộng chừng 1m giữa xunh quanh là sình lầy, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Thạnh, 48 tuổi, tiểu khu 10C, tuềnh toàng nằm lọt thỏm giữa bao la màu xanh của cây và nước. Thấy tôi, chị Thạnh niềm nở: “Lâu lắm rồi mới có khách ghé thăm, hơn hai năm rồi phải!”. Tôi bồi hồi hỏi: “Chị sống ở đây với ai?” thì chị Thạnh cười: “Trước kia là cả gia đình. Nhưng từ hồi mấy đứa con lên Sài Gòn lập nghiệp, giờ chỉ còn hai vợ chồng”.

Chị Thạnh trong căn nhà tuềnh toàng

Ngồi bên chiếc bàn nhựa đã sờn màu, chị tâm sự: Cách đây khoảng 20 năm, chị cùng chồng và hai đứa con nhỏ bồng bế nhau bỏ làng vào rừng sống. Hồi ấy, nhà chị nhận trông 40 mẫu rừng, tiền trợ cấp chỉ hơn 700.000 đồng/năm, cuộc sống khó khăn bộn bề. Những đêm mưa, anh Tư, chồng chị đi tuần, mấy mẹ con ở nhà cứ thấp thỏm không yên. Rừng thiêng, nước độc với bao nhiêu là nguy hiểm khôn lường. Nào là lâm tặc, cá sấu, rắn rít, gió mưa… Có đêm, mờ sáng chị chưa ngủ được, chỉ biết khóc vì anh Tư chưa về. Tuy nhiên, riết dần cũng quen. Giờ đây, rừng với chị như ruột thịt, là một phần của cuộc đời, của năm tháng còn trẻ. Nay, mấy đứa con ở thành phố bảo đón cha mẹ lên ở với chúng cho đỡ cơ cực mà không sao dứt khỏi rừng đi được. Những địa danh như sông Tranh, sông Vàm Sát, Lý Nhơn, Cần Thạnh… đã trở thành máu thịt mất rồi.

Nhớ lại những kỷ niệm đi tuần đêm, chị kể: Có bận, đang chống thuyền đoạn gần ngã ba sông Lòng Tàu thì trời mưa. Mưa rừng, trời tối rất nhanh, biết về nhà cũng không kịp, chị đành neo thuyền lại một gốc đước to đợi sáng hôm sau mới về. Thân nữ một mình, giữa màn mưa dày đặc của đất trời với tiếng côn trùng kêu réo nỉ non làm chị rùng mình chực khóc. Rồi chị như bừng tỉnh vì có tiếng cá sấu quẫy mạnh vào mạn thuyền. Chiếc thuyền gỗ rung mạnh theo những cú lắc kinh người của con mãnh thú đã ngửi thấy mùi mồi ưa thích. Nhưng hình như ông trời có mắt, biết thương những người con ở rừng nên mọi chuyện cũng qua, sáng hôm sau về nhà, cả gia đình ôm nhau mừng mừng tủi tủi.

Với diện tích gần 37.000 ha, giáp ranh với các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, rừng ngập mặn Cần Giờ hiện nay không chỉ là lá phổi xanh của thành phố Hồ Chí Minh mà còn là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, cần được bảo quản ở mức cao nhất. Hiện, rừng được chia làm 24 tiểu khu, giao cho gần 150 hộ dân ở các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Long Hòa trong huyện kết hợp với bộ đội, biên phòng để giữ gìn và bảo vệ nhằm duy trì hệ sinh thái tự nhiên với 157 loài thực vật, 63 loài phiêu sinh thực vật, 130 loài tảo, 100 loài động vật đáy không xương sống, 120 loài cá, 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 19 loài có vú, 145 loài chim.

Trả ơn cây đước, cây bần

Sau giải phóng, nhận thấy rừng ngập mặn bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, chính quyền và nhân dân địa phương đã bắt đầu công cuộc tái thiết và bảo vệ rừng. Nói thì dễ nhưng công việc lại vô cùng khó khăn và vất vả. Thế là, hàng chục hộ dân đã xung phong đi “tòng quân” vào khôi phục rừng. Với họ, ngày ấy vào rừng sinh sống không phải vì số tiền phụ cấp mà vì họ thấy mình như mắc nợ với rừng. Họ muốn trả ơn những cây đước, cây bần khi đã oằn mình chịu hàng ngàn tấn bom của kẻ thù thay cho người dân nơi đây. Dần dà, số người tham gia giữ rừng ngày một đông. Có lẽ, màu xanh của những cánh rừng Sác bất tận mãi mãi trường tồn chính là nhờ tình yêu đơn giản, bình dị của những người dân cần cù, lam lũ này.

Rời nhà chị Thạnh, chúng tôi đi xuồng men theo một nhánh của sông Đồng Tranh đến nhà ông Trần Văn Hưng ở tiểu khu 7. Đón tiếp chúng tôi, ông Hưng vui mừng bảo, các chú lại đến nghiên cứu về rừng à. Thấy hai chúng tôi nhìn nhau ngơ ngác chưa hiểu, ông Hưng tiếp luôn. Thỉnh thoảng, có nhiều đoàn sinh viên, học sinh gì đó về đây nghiên cứu rừng, cả người nước ngoài nữa. Họ hỏi tôi về những cây cối xung quanh đây. Rồi ghi chép, viết cả chữ lên cây đánh dấu, nói để bảo tồn. Bao năm, tôi ở đây có mất mát gì đâu mà phải đánh dấu. Ông cười, rồi chỉ cho chúng tôi xem những cây Gõ Nước đặc trưng quý hiếm ngay ở quanh nhà.

Cũng như nhà chị Thạnh, gia đình ông Hưng nhận trông coi 60 mẫu rừng, mỗi năm được tiền công là 7 triệu đồng. Vậy nhưng, cuộc sống ở nơi đây vẫn khó khăn vô cùng. Nhìn vào vật dụng trong gia đình ông Hưng là chúng tôi hiểu. Chỉ một cái võng, một cái bàn và hai cái ghế nhựa. Bên kia, một cái bàn thờ gia tiên nho nhỏ có treo ảnh Bác và lá cờ tổ quốc. Trong bếp, ngoài mấy cái nồi là một cái lò dã chiến với vài thanh củi đang cháy dở. Có lẽ, cái radio dùng để nghe FM trong hơn hai chục năm đi tuần rừng là tài sản đáng giá nhất của ông.

Rừng Cần Giờ không chỉ là “lá phổi” mà còn kiêm cả chức năng “quả thận” của thành phố vì khả năng làm sạch nước thải của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai trước khi đổ ra biển Đông.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất