| Hotline: 0983.970.780

Những người... khác người

Thứ Hai 14/01/2013 , 09:38 (GMT+7)

Có tộc người đàn ông mặc váy hoa mới nam tính, tộc người khác lại ăn bằng cách dùng tay bốc. Với họ, đó là văn hóa truyền thống. Nhưng cũng có những sự lạ khác về một dòng họ, một gia tộc có thể gọi là “dị nhân” khi mỗi bàn tay, chân của họ chỉ có 4 ngón hoặc… 24 ngón!

Có tộc người đàn ông mặc váy hoa mới nam tính, tộc người khác lại ăn bằng cách dùng tay bốc. Với họ, đó là văn hóa truyền thống. Nhưng cũng có những sự lạ khác về một dòng họ, một gia tộc có thể gọi là “dị nhân” khi mỗi bàn tay, chân của họ chỉ có 4 ngón hoặc… 24 ngón!

Độc đáo váy nam

 

 

Về những làng Chăm ở khu vực An Phú (An Giang), thấy những người đàn ông từ trẻ đến già đều mặc váy hoa sặc sỡ, đã thấy lạ nhưng khi tiếp xúc với họ, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, người Chăm cũng có một nền văn hóa lạ, độc đáo và rất lâu đời.

VÁY LÀ NIỀM TỰ HÀO

Từ thị xã Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên, theo tỉnh lộ 956 khoảng hơn 20 cây số đến thị trấn An Phú (huyện An Phú), đi thêm hơn 10 cây số nữa, tôi đến Búng Bình Thiên, còn có tên dân gian là Hồ Nước Trời. Hồ nước ngọt này không chỉ lớn nhất miền Tây mà còn gắn với bao huyền thoại, nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu, nằm giữa ba xã Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội của huyện An Phú, tỉnh An Giang…).


Búng Bình Thiên đẹp như tranh vẽ. (trong ảnh: Bè cá của người Chăm trên 
Hồ nước Trời)

Đây là nơi sinh sống của làng người Chăm Islam…với bản sắc văn hóa độc đáo từ hàng trăm năm trước. Những thánh đường Hồi giáo với mái vòm tròn đầu vuốt nhọn, cửa hình chữ U ngược, cột hình khối lăng trụ có tháp bầu tròn nhiều mặt, những ngôi nhà sàn nằm san sát. Trên con đường rợp bóng cây, thỉnh thoảng lại gặp những cụ già đi lễ, những cô gái Chăm trong trang phục truyền thống, đầu trùm kín khăn…


Dù đang ở nhà hay ra ngoài đường, phụ nữ Chăm luôn kín đáo với khăn choàng đầu

Anh bạn thổ địa dẫn đường đưa chúng tôi đến gặp ông Cả làng Masa Lê trong thánh đường Hồi giáo An Phú nép bên bờ hồ. Anh bảo: “Đến đây phải đến chào hỏi người đứng đầu về tinh thần của họ trước, sau đó muốn đi đâu thì đi. Mà ổng là người biết nhiều nhất, chỉ cần gặp ổng là đủ”. Gặp ông Cả Masa Lê, thái độ niềm nở của ông đã khiến chúng tôi quên ngay lời “cảnh báo” của người bạn ở Sài Gòn rằng không dễ tiếp xúc với người Chăm, nhất là khi mình xưng danh phóng viên.

Hỏi về chiếc váy của đàn ông Chăm, ông Cả bảo: Người đàn ông Chăm mặc váy không chỉ là bình thường như chiếc quần của đàn ông người Kinh, trái lại, váy còn là niềm tự hào cùa đàn ông Chăm nữa. Váy càng sặc sỡ càng được ưa chuộng. Chỉ cần nhìn hoa văn, màu sắc chiếc váy trên người, có thể đoán tương đối chính xác độ tuổi của người đàn ông đó, có gia đình hay chưa. Chiếc váy của đàn ông Chăm, từ chọn vải đến dệt, đều do bàn tay người phụ nữ trong gia đình làm.

Tôi quan sát thấy những chiếc váy của đàn ông Chăm đều khá rộng và dài đến gần gót chân. Nhưng, vẫn “nghi ngờ” rằng nó có vẻ bất tiện nên hỏi ông Cả: “Mặc váy có ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp cũng như lao động hằng ngày hay không”? Ông Cả cười, bảo: “Mặc từ nhỏ nên cũng bình thường như các anh mặc quần thôi. Chỉ có những người đàn ông đi làm ăn xa, bắt buộc phải mặc quần, khi về quê mặc lại váy thì thấy bất tiện ban đầu thôi”.



Với đàn ông Chăm, váy là niềm tự hào, thể hiện nam tính

Để chứng minh, ông Cả chỉ ra sân thánh đường, ở đó có gần chục cậu bé người Chăm đang đá bóng. Chúng chạy thoăn thoắt trong bộ váy rộng thùng thình. “Chúng tôi mặc váy, nhưng vẫn làm tất cả mọi việc mà bất cứ người đàn ông bình thường nào khác vẫn làm như lái xe, đi thả lưới, làm ruộng…”, ông Cả nói thêm.

TỤC “VỚT TIỀN”

Ở vùng An Phú, An Giang, có 12 làng người Chăm sống dọc sông Tiền, sông Hậu. Trong đó có đến 5 làng nằm xung quanh Búng Bình Thiên như làng Chăm Lama, làng Châu Phong, Vĩnh Tường, Bún Lớn… Và, những cư dân người Chăm theo dòng Islam này vẫn sống theo giáo luật rất riêng biệt, đặc trưng và có phần khắt khe.

“Mặc dù cuộc sống của người Chăm còn nhiều khó khăn nhưng ở đây không bao giờ có các tệ nạn xã hội như bài bạc, đánh nhau, đá gà, cá độ hay buôn lậu hàng hóa qua biên giới. Lớp trẻ người Chăm cũng rất ít bị ảnh hưởng bởi các thói hư tật xấu như game, hút thuốc, rượu chè bê tha… Mọi người sống hòa thuận cùng nhau và luôn luôn tuân thủ theo những giáo luật chặt chẽ của đạo Hồi. Có lẽ, do sinh sống bên một hồ nước trong lành, bình yên như Búng Bình Thiên mà con người nơi đây bao đời vẫn hiền hòa, hồn hậu như chưa từng có những cơn bão văn hóa lai căng tràn qua”, ông Cả nói.


Thánh đường Islam, nơi linh thiêng nhất của người Chăm

Đến nay, người Chăm vùng An Giang này vẫn theo mẫu hệ, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do người phụ nữ quyết định. Chính vì thế, khi lấy vợ, đàn ông Chăm phải về nhà vợ (ở rể) chứ không rước dâu về nhà. Dù phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình nhưng hai vợ chồng lại rất công bằng trong việc điều hành cuộc sống gia đình, thời hậu hôn nhân. Chính vì thế, từ bao đời nay vẫn tồn tại tục “vớt tiền”, dưới sự chứng kiến của ông Cả, để xác định vai trò đứng đầu gia đình giữa 2 vợ chồng.

Tục này được tiến hành ngay đêm đầu tiên, trước khi động phòng của đôi vợ chồng mới cưới bằng cách dùng xô nước, bên trong thả những đồng tiền xu. Khi ông Cả ra hiệu, hai vợ chồng mới bắt đầu vớt tiền trong xô nước ra. Trong thời gian một khắc (1/4 giờ), ai mò được nhiều đồng tiền hơn thì người đó sẽ có quyền “lãnh đạo gia đình”, được giữ tiền và sở hữu những tài sản sau này của hai vợ chồng làm ra. Đây là một phong tục khá kỳ lạ và có lẽ, chỉ tồn tại trong cộng đồng người Chăm ở An Giang.

“Quanh Búng Bình Thiên có đến bốn dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh, Hoa, Khơme và Chăm. Trong đó cộng đồng người Chăm vẫn có những nét văn hóa riêng, độc đáo nhất và họ vẫn giữ được. Hiện nay, huyện An Phú đã quy hoạch, đầu tư xây dựng Búng Bình Thiên thành một khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí (diện tích khoảng 140 ha). Đây sẽ là điểm du lịch thú vị từ những nét văn hóa, độc đáo, phong phú của 4 dân tộc”, bà Phan Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch - Đầu tư tỉnh An Giang.

Hiện nay, tuy phụ nữ người Chăm ở An Giang không dùng loại khăn trùm kín như phụ nữ ở các nước Trung Đông nhưng họ vẫn có một chiếc khăn quấn nửa đầu phía sau và trùm xuống kín cổ. Ngoài ra, ở cộng đồng người Chăm, chỉ có những học sinh nam là được đi học kiến thức và giáo lý, còn phụ nữ chỉ đến lớp khi còn nhỏ để học chữ, đến khi thành thiếu nữ, họ phải ở nhà học thêu thùa, may vá. Con gái khoảng 11, 12 tuổi đã được bà, mẹ hoặc chị gái truyền nghề dệt. Tiếng tăm những sản phẩm dệt của người Chăm ở An Giang từ lâu đã bay ra ngoài biên giới.

Một nét riêng, lạ nữa, đó là trong gia đình người Chăm, đàn ông chịu trách nhiệm thực hiện các món ăn. Bữa ăn hằng ngày của họ rất ít thịt, nếu có cũng chỉ một loại là thịt bò, và phải do chính tay họ làm thịt con vật đó chứ không mua ở chợ. Những người đàn ông luôn phải nấu ăn nên những cậu con trai không được học cách nấu ăn từ mẹ hay chị của mình trong gia đình mà học điều đó từ thầy giáo, hoặc từ ông Cả.

Hoàng hôn buông xuống, dưới mặt hồ phẳng lặng, bóng những thánh đường cao vút hình củ tỏi của người Chăm in hình trong huyền ảo, liêu trai. Văng vẳng đâu đó giọng hát ngọt ngào của thiếu nữ Chăm…lãng mạn đến nao lòng.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Bình luận mới nhất