| Hotline: 0983.970.780

Những người không có Tết: Đường về quê hương sao mà xa, mà khó?

Thứ Năm 28/01/2021 , 11:59 (GMT+7)

Cứ đến cuối năm, những công nhân xa nhà lại quay cuồng với câu hỏi “Tiền đâu về quê ăn tết?”. Năm nay, câu hỏi ấy còn khó trả lời hơn vạn lần.

Làm lụng quanh năm nhưng với đồng lương còm cõi, các gia đình công nhân không thể tích lũy để về quê ăn Tết. 

Làm lụng quanh năm nhưng với đồng lương còm cõi, các gia đình công nhân không thể tích lũy để về quê ăn Tết. 

Với công nhân xa nhà, ước mong của họ là năm hết tết đến được về quê, sum họp cùng gia đình. Đó chẳng phải là điều rất đỗi bình thường, rất nhỏ sao? Nhưng trên thực tế, với rất nhiều công nhân, ước mong ấy lại chẳng phải dễ dàng gì. Năm nay, lại càng khó hơn…

Tôi đến KP3, P.Hiệp Thành, Q.12, nơi tập trung khá nhiều khu nhà trọ công nhân Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Q.12. Trong khi phần lớn các gia đình đã kết thúc bữa tối từ lâu, nhưng những cánh cửa nhà trọ công nhân vẫn đóng im ỉm. Chị Huyền, chủ nhà trọ công nhân trên đường HT06, cho biết: “Phải từ 8 giờ trở đi họ mới về. Hồi đầu năm, nhiều công ty không có việc, công nhân làm cầm chừng. Hiện tại một số công ty họ bắt đầu có đơn hàng nhiều hơn nên tăng ca liên tục. Toàn làm 12 tiếng thôi”.

Nguyễn Thị Thuyên: 'Mấy năm rồi chưa về quê, Nhớ bố mẹ lắm, mà không có tiền về'. Ảnh: Phúc Lập. 

Nguyễn Thị Thuyên: "Mấy năm rồi chưa về quê, Nhớ bố mẹ lắm, mà không có tiền về". Ảnh: Phúc Lập. 

Dạo bộ, ngó nghiêng một hồi lâu tôi mới thấy một căn phòng trọ sáng đèn. Người phụ nữ đang lui cui chuẩn bị bữa tối tên Nguyễn Thị Thuyên, 45 tuổi, quê Hải Dương, công nhân công ty Kimono Việt Nam, Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Q.12. Vợ chồng chị Thuyên có 2 con, con gái lớn học lớp 8, con trai nhỏ học lớp 3.

Nghe tôi hỏi công việc, thu nhập, chị Thuyên cho biết: “Tôi làm công nhân từ năm 1998 đến giờ, nhưng không có một đồng tích luỹ nào. Có lẽ suốt đời ở nhà trọ thôi anh ạ”. Tôi hỏi thu nhập hàng tháng, chị cho biết: “Vì sản phẩm 100% làm bằng tay, nên còn phụ thuộc tay nghề, làm giỏi thì ăn nhiều”. Tôi hỏi: “Thế chị làm giỏi không?”. Chị cười: “Em làm trung bình. Tháng được 7-8 triệu. Làm giỏi tháng cũng kiếm hơn chục triệu. Nhưng phổ biến là 5-6 triệu/tháng. Còn dở thì tháng chỉ được 4-5 triệu”.

Cậu con trai út của vợ chồng chị Thuyên thường xuyên lủi thủi 1 mình. Đến gần 10 giờ đêm, khi có mặt cả bố lẫn mẹ thì cậu đã mở mắt không lên. Ảnh: Phúc Lập.

Cậu con trai út của vợ chồng chị Thuyên thường xuyên lủi thủi 1 mình. Đến gần 10 giờ đêm, khi có mặt cả bố lẫn mẹ thì cậu đã mở mắt không lên. Ảnh: Phúc Lập.

Tôi hỏi: “Chị có hay về tết không?”. Chị Thuyên: “Ít về lắm anh ạ”. “Vậy chắc là không nhớ bố mẹ?”, tôi ướm hỏi. Chị cười buồn: “Nhớ chứ anh. Bố mẹ cả 2 bên đều đã đã lớn tuổi, muốn về thăm ông bà lắm. Chỉ tại điều kiện không cho phép thôi. Mỗi lần về là phải về 2 quê, quê ngoại ở Hải Dương, quê nội ở Thái Bình, tốn kém nhiều, phải để dành cả 2 năm mới đủ. Đó là khi cả 2 vợ chồng cùng có công việc đều đều, chứ nếu 1 trong 2 thất nghiệp, hay công việc bấp bênh thì chịu. Vợ chồng em thu nhập khoảng 15 triệu/tháng, mà chi phí lo cho 2 con ăn học, rồi tiền thuê nhà. Nếu không ốm đau, đám cưới đám tiệc thì đủ. Sợ nhất là dịp cuối năm, cưới xin nhiều. Hoàn cảnh vậy nên chỉ khi nào có việc quan trọng lắm mới dám về”. “Năm nay chắc là không về được rồi?”, tôi hỏi tiếp. “Dạ đúng rồi anh. Bình thường đã ít dám về rồi. Năm nay khó khăn hơn. Từ đầu năm đến giờ, việc không nhiều nên thu nhập giảm. Chồng em làm tài xế cho tư nhân, năm nay thu nhập cũng không ổn định, lâu lâu lại không có việc, ổng phải làm “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy”.

“Năm nay công ty có thưởng Tết không?”, tôi hỏi. “Mọi năm thì Tết công ty cho được 3 triệu, mà năm nay thì chưa biết thế nào”, Chị Thuyên đáp.

Căn phòng trọ thứ 2 tôi ghé là nơi sinh sống của chị Hoàng Thu Thảo, và chồng là anh Hề Thanh Tuấn, 41 tuổi. So với gia đình chị Thuyên, cuộc giống của gia đình chị Thảo vất vả gấp nhiều lần. Căn phòng trọ của vợ chồng chị Thảo chắc chỉ chừng 10m2, nếu trải tấm nệm ra sàn thì không còn chỗ để len chân. Vậy nhưng tiền thuê 1 tháng cũng 1,4 triệu đồng, chưa tính chi phí điện nước.

Lúc tôi đến, chị Hoàng Thu Thảo đang ngồi may khẩu trang, đứa con trai nhỏ hơn 1 tuổi ngồi cùng ghế may, ngay bên cạnh mẹ. Ảnh: Phúc Lập.

Lúc tôi đến, chị Hoàng Thu Thảo đang ngồi may khẩu trang, đứa con trai nhỏ hơn 1 tuổi ngồi cùng ghế may, ngay bên cạnh mẹ. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Bản, hàng xóm của chị Thảo, cho biết: “Hoàn cảnh cô Thảo vất vả hơn nhiều người khác ở đây. Tôi nghe kể, lúc còn bé, Thảo bị sốt phát ban, không chữa trị kịp thời nên một bên mắt hư luôn. Trước Thảo làm công nhân may, mà tự nhiên công ty cho nghỉ ngang, giờ về may khẩu trang gia công, thu nhập bấp bênh lắm. 2 đứa con, đứa lớn 4 tuổi phải gửi về quê nhờ ông bà nuôi. Được cái cô này nuôi con rất khéo, cả 2 đứa đều ngoan, khỏe mạnh”.

Thảo tâm sự, chị từng là công nhân công ty may Nobland ở Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Q.12 hơn chục năm. Nhưng sau khi sinh cháu thứ 2, hết thời kỳ thai sản, chị quay lại công ty làm việc thì bị cắt hợp đồng. Lý do công ty đưa ra là do khó khăn, nên giảm lao động. Cuộc sống càng thêm khó khăn chồng chất.

“Lúc còn làm công nhân lương khá không?”, tôi hỏi. Thảo đáp: “Em làm 12-13 năm mà đến khi nghỉ làm, lương cũng chỉ được 4-5 triệu/tháng. Nhưng dù sao cũng ổn định, Còn bây giờ thu nhập bữa đực bữa cái. Chồng em đi làm thợ hồ, tháng 4-5 triệu, mà cũng không phải có việc thường xuyên. Em ở nhà may gia công khẩu trang, mỗi cái được 1.200 đồng. Nhiều hôm phải làm thâu đêm để kịp giao hàng. Khó khăn quá nên vừa rồi tụi em phải gửi cháu lớn về quê nội ở An Giang nhờ ông bà chăm. Ông bà nội cũng lớn tuổi, không đi làm, không có nguồn thu nhập nào ổn định, mà thấy tụi em khó khăn, ông bà tội nghiệp nên cũng ráng phụ. Có tiền mỗi tháng em gửi về 1 triệu phụ ông bà, mà tháng có tháng không”.

“Quê ở An Giang thì cũng không xa lắm, về chắc không tốn nhiều. Tết có định về thăm ông bà, thăm con không?”, tôi hỏi. Thảo rơm rớm nước mắt, đáp: “Biết là gần, em cũng nhớ con, thèm cảm giác ôm nó vào lòng lắm, ngày nào cũng gọi điện thoại nói chuyện, xong lại khóc. Nhưng tiền đâu về? Về xong lên lấy gì ăn?”.

Chị Hoàng Thị Thảo: 'Cuộc sống khó khăn quá, nên nhớ con chỉ biết gọi điện thoại nghe tiếng con chút rồi khóc, chứ không dám về'. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Hoàng Thị Thảo: "Cuộc sống khó khăn quá, nên nhớ con chỉ biết gọi điện thoại nghe tiếng con chút rồi khóc, chứ không dám về". Ảnh: Phúc Lập.

Rời nhà chị Thảo khi đã gần 21 giờ, những nhà trọ công nhân khác ở xung quanh đã sáng đèn. Họ đang tất bật chuẩn bị bữa tối. Chị Lê Thùy Trang, năm nay 40 tuổi, quê Bình Định, công nhân khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, vừa hâm lại niêu cá kho mặn trên chiếc bếp ga mini trong căn phòng trọ chật trội, vừa tâm sự: “Vợ chồng em có 3 cháu, 2 cháu lớn đứa học lớp 8, đứa học lớp 5 ở ngoài quê ấy. Ở quê đi học rẻ hơn, với lại nhờ vả ông bà được. Chứ ở đây, ngày nào vợ chồng em cũng 8-9 giờ tối mới về, làm sao lo được cho các cháu. Đi làm về mệt lắm, nhưng đêm đến, nằm xuống lại nghĩ đến con, nhớ. 3 năm rồi tụi em chưa về thăm con, thăm ông bà. Kế hoạch là tết này về, nhưng chẳng ai ngờ. Mấy ngày trước, con gái lớn gọi, hỏi tết này bố mẹ có về không, tôi nói con tình hình khó khăn, chắc không về được, nó nghe vậy không nói gì, nhưng chắc là nó khóc. Tôi nói chuyện với con xong, cũng chỉ biết ngồi khóc”.

Chị Lê Thùy Trang: 'Ban ngày bận rộn thì quên, đêm về nằm nhớ con lại khóc'. Ảnh: Phúc Lập. 

Chị Lê Thùy Trang: "Ban ngày bận rộn thì quên, đêm về nằm nhớ con lại khóc". Ảnh: Phúc Lập. 

Chị Trang cho biết, chị có thâm niên gần 20 năm làm công nhân, nhưng lương tháng cũng chỉ 7-8 triệu. Bình thường mỗi năm công ty cho 1 tháng lương cơ bản ăn tết, nhưng năm nay đến giờ chưa nghe công ty nói gì, không biết có không. Còn chồng chị ban đầu làm thợ điện trong công ty, nhưng thu nhập quá thấp nên cách đây vài năm, anh xin nghỉ, ra ngoài làm cho tiệm điện lạnh tư nhân. “Anh ấy làm ngoài thu nhập có khá hơn công nhân chút, lại chủ động thời gian hơn. Nhưng cũng phải tằn tiện lắm mới đủ chi phí cho 3 người, và dành dụm mỗi tháng vài triệu gửi về quê phụ ông bà chăm nuôi 2 cháu”.

Theo chân tôi đi hết một buổi tối gặp công nhân, trước khi chia tay, chị Bản cảm thán một câu: “Công nhân là lực lượng nòng cốt, quyết định sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Nhiều người cống hiến cả đời cho doanh nghiệp, nhưng đổi lại là một cuộc sống ăn bữa trước lo bữa sau. Thấy buồn, xót xa cho họ”. 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.