| Hotline: 0983.970.780

Những người không có tết: Tan tành giấc mộng đoàn viên

Thứ Năm 04/02/2021 , 11:00 (GMT+7)

Mười chín, tháng Chạp những năm trước các phiên chợ đã tấp nập kẻ bán, người mua nhưng năm nay chợ vắng như “chùa Bà Đanh”, gần như chẳng mấy ai nhắc đến tết.

Tết ngồi nhớ vọng quê hương

Nhiều năm nay, “Tết đoàn viên”, “Tết sum vầy”… là những cụm từ xa xỉ đối với Nguyễn Văn T., ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Giấc mộng xuất ngoại nhen nhóm trong T. sau khi anh học xong Cao đẳng Giao thông vận tải mà không xin được việc làm.

Đã 5 năm anh T. đón tết xa nhà. Ảnh: Thanh Nga.

Đã 5 năm anh T. đón tết xa nhà. Ảnh: Thanh Nga.

Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, kinh tế quanh năm “thắt lưng buộc bụng”, T. hiểu hơi ai hết gánh nặng từ những món nợ bố mẹ vay mượn nuôi anh ăn học trong 3 năm ngồi trên ghế giảng đường. Anh đánh liều xin bố mẹ vay thêm ngân hàng hơn 200 triệu đồng làm thủ tục đi du học Nhật Bản. Một mình bươn chải nơi đất khách quê người, dù nhớ nhà, dù buồn, thậm chí có những lúc phải vay mượn từng đồng tiền ăn, sinh hoạt phí nhưng T. chưa một lần kêu ca.

Anh chia sẻ, môi trường sống, con người ở Nhật rất văn minh, lý tưởng nhưng với mức thu nhập từ công việc làm thêm, dù có chắt bóp, tằn tiện cũng chỉ đủ trang trải tiền học phí và sinh hoạt phí, món nợ bố mẹ vay mượn cho anh xuất ngoại vẫn phải trả lãi hàng tháng. Cuối năm 2018, sau khi hoàn thành chương trình học, anh xin chuyển sang visa xuất khẩu lao động (XKLĐ), kể từ đó, món nợ ngân hàng ở quê được thu hẹp dần.

“Đầu năm 2020 tôi trả hết nợ ngân hàng, bắt đầu tích góp tiền để về quê ăn tết nhưng bây giờ giấc mộng đoàn viên tan tành vì dịch Covid-19. 5 năm qua đón tết xa nhà nên tôi thèm cảm giác ngồi bên mâm cơm gia đình vô cùng”, qua điện thoại anh T. nói.

Gần 5 năm xuất ngoại, anh T. mới về nước được 1 lần khi mẹ anh bạo bệnh. Ảnh: Thanh Nga.

Gần 5 năm xuất ngoại, anh T. mới về nước được 1 lần khi mẹ anh bạo bệnh. Ảnh: Thanh Nga.

Theo anh T., kể từ ngày đặt chân sang nước Nhật đến nay anh mới về quê một lần, đó là khi mẹ anh bước vào giai đoạn cuối căn bệnh ung thư não. Sau khi về chăm sóc mẹ được một tháng, anh quay lại Nhật làm việc 20 ngày thì người thân báo sang mẹ anh qua đời. Không thể về nước chịu tang mẹ, anh xác định tháng 10 âm lịch năm 2020 về giỗ đầu của mẹ nhưng đại dịch Covid-19 khiến anh một lần nữa nhỡ hẹn thắp nén tâm nhang lên bàn thờ thân sinh.

Tiếp tục nuôi hi vọng mua được vé về quê ăn tết, ngoài “săn” vé các hãng hàng không thương mại, anh còn đăng ký kế hoạch về nước của mình và người yêu lên đại sứ quán Việt Nam tại Nhật bản. Kết quả, sau 2 tháng chờ đợi, chỉ có người yêu của anh nằm trong diện ưu tiên được mua vé từ máy bay đại sứ quán bố trí.

“Nhận được email thông báo của đại sứ quán tôi vội vàng liên hệ hãng VietJet nhưng họ thông báo đã hết vé, rất may Vietnam eirlines vừa mở bán thì tôi “săn” được 1 vé cho người yêu. Chứng kiến cảnh hàng nghìn người Việt xách theo va ly đứng trước sân bay tìm cơ hội mua vé về nước đón tết và tránh dịch Covid-19 tôi cũng rưng rưng nước mắt, xót xa cho thân phận những người làm ăn xa xứ”, anh Nguyễn Văn T. trải lòng.

Khó khăn lắm anh T. mới 'săn' được vé cho người yêu về quê ăn tết, với giá vé đắt hơn 2 lần so với bình thường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khó khăn lắm anh T. mới "săn" được vé cho người yêu về quê ăn tết, với giá vé đắt hơn 2 lần so với bình thường. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

5 năm qua, ở “xứ sở hoa anh đào” anh T. và những lao động người Việt tại đây vẫn tổ chức đón tết cổ truyền dân tộc nhưng niềm vui không thể trọn vẹn vì thiếu vắng người thân trong gia đình, thiếu không khí rộn rã của các nghi lễ đẹp như: Lễ du xuân, khai ấn, khai bút, khai hạ…

Lại nhỡ hẹn với con...

Trường hợp anh Nguyễn Tiến Hà (SN 1988), thôn Phú Lợi, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh cũng vừa tròn mười năm sống trên đất khách quê người.

Xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh năm nay rất ít lao động làm việc ở nước ngoài về quê đón tết. Ảnh: Thanh Nga. 

Xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh năm nay rất ít lao động làm việc ở nước ngoài về quê đón tết. Ảnh: Thanh Nga. 

Chị Hoàng Thị Mai Phương, vợ anh Hà kể, năm 2011 anh Hà xuất ngoại sang Hàn Quốc làm công nhân công ty sản xuất kính cường lực. Kết thúc 5 năm hợp đồng, anh tiếp tục gia hạn thêm 5 năm. Thời gian đầu vì tích góp tiền để trả nợ nên anh Hà không có điều kiện về nước, giai đoạn sau, năm nào anh cũng cắt phép về thăm gia đình vào dịp hè. Tháng 7/2020 vừa qua, hợp đồng lao động của anh Hà hết hạn. Anh đã liên hệ bằng mọi cách mua vé máy bay về nước nước nhưng đều bất lực. Mấy tháng nay anh phải đến đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc gia hạn visa để tiếp tục ở lại “xứ sở kim chi” hợp pháp.

“Khi anh ấy nói năm nay sẽ ăn tết ở nhà, mẹ con tôi vui lắm. Đùng một cái dịch Covid-19 bùng phát, mọi dự định của chúng tôi tan thành bọt biển. Bây giờ mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, các con cứ hỏi khi nào bố về, tôi và anh ấy chỉ biết động viên con “bao giờ mua được vé bố sẽ về””, chị Phương đượm buồn khi nhắc đến chồng.

Cách nhà anh Hà không xa, 4 mẹ con chị Trần Thị Tình (SN 1990) ngồi thẫn thờ trong ngôi nhà 2 tầng khang trang ngóng tin chồng, bố đặt mua vé về quê ăn tết.

Anh Quý lỡ hẹn sum vầy dịp tết với mẹ con chị Tình vì dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Quý lỡ hẹn sum vầy dịp tết với mẹ con chị Tình vì dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Hồng Văn Quý (SN 1989), chồng chị Tình cũng đi XKLĐ Hàn Quốc 10 năm nay. Tháng 8/2020 anh hết hạn hợp đồng lao động, lên kế hoạch về nước thăm người bố bị tai biến, bại liệt hơn một năm nay; đồng thời đón tết cổ truyền dân tộc cùng gia đình. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh khiến anh lỡ hẹn sum vầy bên vợ con.

Chị Tình bảo, những năm trước anh Quý thường cắt phép về nước đúng dịp tết nên không khí rất đầm ấm. Năm nay dù có tiền cũng không mua được vé để về. Bây giờ đã qua rằm tháng Chạp rồi nên có mua được vé anh Quý cũng không thể kịp về đón tết cùng vợ con.

Theo trưởng thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú Hoàng Minh Luyến, toàn thôn có gần 200 người đi XKLĐ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, một số nước châu Phi… Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có lao động nào về quê ăn tết. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động ở các nước; số khác có tiền nhưng vì các hãng hàng không ngừng bay nên không mua được vé.

“Những năm trước thường từ 10 – 26/12 âm lịch trong thôn có khoảng 20 – 30 lao động đi xuất khẩu về quê ăn tết, đến khoảng 6 – 16/1 âm lịch quay lại các nước làm việc. Tuy nhiên, năm nay ngoài việc giá vé máy bay cao, khó mua, người lao động về nước phải cách ly 2 chiều mất 28 ngày, gần hết kỳ nghỉ phép nên không có công dân nào về”, ông Luyến chia sẻ.

Gần 11.000 công dân của huyện Kỳ Anh đi XKLĐ chủ yếu tập trung ở các xã vùng biển như Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Xuân... Năm nay, lượng lao động về tết toàn huyện đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Thanh Nga.

Gần 11.000 công dân của huyện Kỳ Anh đi XKLĐ chủ yếu tập trung ở các xã vùng biển như Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Xuân... Năm nay, lượng lao động về tết toàn huyện đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Thanh Nga.

Đồng thời, cho biết thêm, trước đây, lương bình quân của lao động đi xuất khẩu giao động từ 20 – 40 triệu đồng/người/tháng, thậm chí nhiều thuyền trưởng đánh bắt xa bờ tiền lương lên đến cả trăm triệu đồng/tháng nên tết đến thôn xóm huy động đóng góp cho các phong trào mừng thọ, hoạt động văn nghệ, thể thao, trao quà cho hoàn cảnh khó khăn… những gia đình này rất quan tâm, ủng hộ số tiền lớn. Năm nay, tác động của dịch Covid-19 khiến nguồn thu ngoại hối của người dân giảm sâu nên chắc chắn huy động đóng góp của thôn cũng khó khăn hơn, đặc biệt, lao động về nước ít nên niềm vui sum họp ngày tết của các gia đình cũng không trọn vẹn.

Ông Võ Xuân Bằng, quyền Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh chia sẻ: Từ nhiều năm nay, nguồn ngoại hối từ XKLĐ đem lại đã đóng góp rất lớn vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế ở địa phương. Hiện toàn huyện có gần 11.000 lao động, chủ yếu tập trung ở các xã vùng biển như Kỳ Phú, Kỳ Khanh, Kỳ Xuân, Kỳ Giang, Kỳ Đồng, Kỳ Văn…, xuất ngoại sang các thị trường chính như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan.

Những năm trước, lao động về quê đón tết cổ truyền lên đến hàng trăm người nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết lao động ở các nước phát triển không về, số còn lại đi các nước gần như Lào, Thái Lan cũng chỉ có khoảng 30/493 lao động đăng ký về nước dịp tết.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm