| Hotline: 0983.970.780

Những người làm nên “Huyền thoại một vùng đất”

Thứ Năm 21/06/2012 , 22:18 (GMT+7)

Cuộc đời làm báo đã tạo cơ hội cho Nguyễn Mạnh Thường đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, mỗi người có một số phận riêng, nhưng đến đâu anh cũng phát hiện ra cái mới, sự đổi thay...

Tôi vốn là dân văn nghệ, trước khi “sang ngang” làm nghề báo tôi đã có vài cái truyện ngắn được giải ở một số tạp chí.

Ngỡ mình suốt đời gắn bó với nghiệp văn, như một định mệnh không thể cưỡng nổi, tháng 8/1993 trong một chuyến đi công tác tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) chứng kiến cảnh người ta xẻ thịt những cánh rừng pơ mu rồi phù phép cho hàng trăm, hàng ngàn mét khối gỗ để xuất khẩu. Ngứa mắt những chuyện đó, tôi viết phóng sự “Yên Bái đã phá xong rừng pơ mu chưa?”. Bài phóng sự đặt ra nhiều câu hỏi về những kẻ phá rừng là ai nằm trong bộ máy Nhà nước. Lúc đó tôi quá ngây thơ khi chạm vào lợi ích của một số người, nay gọi là “lợi ích nhóm”. Bài viết gửi chưa về tới tới toà soạn báo NNVN mà tôi đã bị đánh tơi bời, phải gọi điện xuống gặp Trịnh Bá Ninh khi đó đang là Thư ký toà soạn xin không đăng để tôi được yên.

Mặc dù bài viết không đăng, nhưng theo lệnh của kẻ có tên trong “lợi ích nhóm” đang giữ cương vị lãnh đạo cao trong chính quyền tỉnh Yên Bái chỉ đạo Tổ chức Chính quyền (nay là Sở Nội vụ) giảm biên chế tôi. Từ một cán bộ biên tập văn xuôi ở Hội Văn nghệ tôi bị điều xuống làm bảo vệ. Trước khi về Báo NNVN tôi phải chạy vòng qua Báo Lào Cai, suốt đời tôi xin được cảm ơn nhà báo Hồ Xuân Đoan, Lê Nam Sơn, Trịnh Bá Ninh đã giúp tôi trong khi hoạn nạn.

Về Báo NNVN tôi biết đến Nguyễn Mạnh Thường, hoá ra Nguyễn Mạnh Thường cũng là dân viết văn từ Báo Phú Yên mới chuyển về Báo NNVN đầu quân tại Văn phòng Miền trung Tây Nguyên. Một người ở Tây Bắc, một người ở miền Trung - Tây Nguyên chưa một lần gặp nhau nhưng đọc những bài phóng sự của anh tươi rói cuộc sống mới tôi có cảm nhận anh là người chịu đi, đất Tây Nguyên mênh mông dường như không nơi nào anh không đặt chân tới.

Không giống như nhiều người viết khác đi tìm cái tiêu cực hay cái lạ để hấp dẫn bạn đọc, Nguyễn Mạnh Thường đi tìm cái mới trong những con người mới đã lập nên những kỳ tích trong cuộc chinh phục Tây Nguyên và mảnh đất miền Trung dằng dặc nắng gió. Đấy cũng là sự lạ, sự lạ về những con người vô cùng bình dị, họ là anh nông dân thứ thiệt như Đậu Dương Trần Nguyễn đã chinh phục vùng đất sỏi đá Khánh Sơn để xây dựng trang trại cà phê, cam, sầu riêng… cho thu nhập mỗi năm 250-300 triệu đồng; đấy là Mai Viết Phẩm một kỹ sư trẻ đã bỏ TP Hồ Chí Minh lên vùng núi Lâm Đồng để trồng một giống cam quý ruột đỏ nhập từ Úc về Việt Nam, một giống cam “tứ mùa” với năng suất 40-50 tấn/ha thì quả là sự lạ về những con người rất lạ đó; đấy là chàng thanh niên xung phong Phan Sỹ Bình người đất Hà Nam đã cùng với 29 cán bộ của nông trường Đồng Giao tìm đất xây dựng vùng kinh tế mới trên vùng biên giới Chư Prông tỉnh Gia Lai. Từ một thanh niên xung phong “chân đất” Phan Sĩ Bình phấn đấu trở thành Tổng giám đốc Cty Cao su Chư Prông, với sự đóng góp sức lực và trí tuệ Phan Sỹ Bình đã cùng đồng đội của mình biến một vùng đất heo hút, gian khó nhất Tây Nguyên trở thành vùng đất trù phú bạt ngàn rừng cao su với gần 10.000 ha.

Dưới tán rừng cao su ấy, đã làm đổi thay những con người như Kpuh Khuốt, một nông dân còn rất trẻ mới ngoài 30 tuổi trở thành tỷ phú, Kpăh Bem, Siu Hương, Rơman Bli…từ những phụ nữ Tây Nguyên nói tiếng kinh chưa sõi trở thành những thợ cạo mủ cao su tài ba bằng “đôi bàn tay vàng”… Huyền thoại một vùng đất là thế, một vùng đất gian khó nhọc nhằn đã biến những con người “chân đất” như: Kpuh Khuốt, Rơ Châm H’Ler, Kpăh Bem, Siu Hương, Rơman Bli…trở thành những kiện tướng, những chủ nhân mới trên vùng đất Tây Nguyên hôm nay. Nói khác đi, chính những nhân vật mà Nguyễn Mạnh Thường đã khắc hoạ trong tập bút ký đã tạo dựng nên "Huyền thoại một vùng đất" (*) do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2012.

Cuộc đời làm báo đã tạo cơ hội cho Nguyễn Mạnh Thường đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, mỗi người có một số phận riêng, nhưng đến đâu anh cũng phát hiện ra cái mới, sự đổi thay của một vùng đất, đổi thay số phận của mỗi con người. Từ Rơman Bli, Kpuh Khuốt, Đậu Dương Trần Nguyễn đến Tổng giám đốc Cty Cao su Chư Prông Phan Sỹ Bình, Chủ tịch HĐQT TCty Khánh Việt Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng giám đốc TCty Khánh Việt Nguyễn Thị Tường Anh... hiện lên trong tập "Huyền thoại một vùng đất", tập sách thứ 7 của anh đẹp một cách bình dị. Xin được trích câu của nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã nhận xét về những nhân vật trong tập bút ký: “Họ là những con người luôn sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, luôn sống đầy tình nghĩa với tình yêu say đắm”. Phải, chính họ những con người bình dị ấy đã tạo nên "Huyền thoại vùng đất" mà Nguyễn Mạnh Thường vừa cho ra mắt bạn đọc trong tháng 6/2012.

(*): (Nhân đọc “Huyền thoại một vùng đất” của Nguyễn Mạnh Thường)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất