| Hotline: 0983.970.780

Những người thích "khổ" vì dân: Những cây đa… Cụ Lạc

Thứ Năm 07/08/2014 , 08:20 (GMT+7)

Cụ Lạc, tên của một cụ già, đã trở thành danh từ chung để chỉ 30 cây đa lớn tại làng Mát, xã Nhân La (huyện Kim Động, Hưng Yên)./ Ông trưởng thôn… lạ đời

Đơn giản vì cụ Lạc là người trồng và chăm sóc chúng trong suốt 30 năm qua.

Trồng đa không công

Trưa hè oi ả. Nắng bỏng rát, mồ hôi túa như vã nước. Thế mà ở làng Mát, già, trẻ, trai, gái chẳng muốn trú nắng trong nhà; chẳng thích quạt điện, điều hoà phả gió. Dưới mỗi gốc đa tỏa bóng râm như những chiếc ô khổng lồ ven đường làng, từng tốp người quây quần chuyện trò rôm rả.

Những gốc đa to bằng hai vòng tay người ôm hiện hữu từng con ngõ, lan khắp các xứ Đồng Sâu, Đồng Son, Bờ Ngái, Đường Chảy, Đường Găng, Cánh Dủng, Cánh Đỗi…, và đứng sừng sững trước cổng nghĩa trang như những lực sĩ khổng lồ trấn giữ khu đất thiêng.

“Cha đẻ” của những “chiếc ô thực vật” ấy là cụ Bùi Văn Lạc (90 tuổi). Tuy bị lãng tai nhưng trí nhớ của cụ vẫn tốt, miệng kể chuyện sang sảng.

Hơn 40 năm làm công nhân nhà máy thuộc da Thụy Khuê (Hà Nội), đến năm 1980, cụ Lạc mới về làng Mát sống quãng đời còn lại. Thời ấy, vợ chồng cụ vẫn sống trong căn nhà gianh đắp đất, bám đồng ruộng kiếm gạo ăn qua ngày.

Cụ Lạc kể: Cày cấy lúa mùa nắng cháy lưng, lúc nóng quá, chỉ còn cách múc nước mương vẩy lên người cho hạ nhiệt. Giá như có cái cây to mà ngồi nghỉ ngươi dưới gốc mươi phút thì tốt biết bao.

Mấy chục năm trước, làng Mát có bốn cây đa cổ thụ. Một cây ở Đống Đọi, hai cây ở đồng Âm Hồn và một cây ở Mả Chết. Cây nào tuổi cũng mấy trăm năm. Thời nhỏ, tôi cùng đám bạn thường trèo hái những quả đa chín để ăn hoặc bẻ lá gấp hình con trâu. Qua thời gian, từng cây đa chết dần chết mòn, chỉ còn duy nhất cây ở Đống Đọi sống, nhưng nhiều chạc đã bị mục rỗng. Làng vắng bóng đa như mất đi hồn vía thôn quê.

Nghĩ thế, cụ Lạc nảy ý định trồng cây ở khắp các đường làng và cánh đồng trong thôn để sau này bà con có chỗ trú nắng. Nếu đời mình không kịp hưởng thì đời con, cháu của mình hưởng. Những lúc rảnh rỗi, cụ lấy dao chặt những cành đa to như cổ chân về giâm xuống lề đường làng hoặc nền đất cao ở các cánh đồng.

Trồng cây khó một, chăm cây khó mười. Những ngày đầu, cành đa chưa mọc rễ, cụ Lạc ngày hai lượt xách xô nước tưới cho đất đủ độ ẩm. Đến khi rễ bén đất và mọc lá, cụ lại lo đám trẻ con vặt lá bẻ cành; lo trâu húc đổ.

10-42-26_nh-1
Gốc đa ở đầu làng Mát là nơi các cụ già thường xuyên tụ họp

Năm nay, cụ Lạc đã bước sang tuổi đại thọ, chân tay đã run rẩy, không thể hằng ngày chăm nom những cây đa được. Cụ gọi đứa cháu đích tôn là Bùi Văn Vông đến rồi trao lại quyền quản lý, chăm sóc  cây đa. Chính Chủ tịch xã Nguyễn Văn Thạo là người làm chứng toàn bộ sự việc.

Để tạo “áo giáp” cho cây, cụ mua tre về đóng cọc xung quanh rồi đan phên quây thành vòng tròn. Những thửa ruộng lúa của gia đình chẳng có đủ phân để bón, cụ Lạc vẫn lấy tiền lương công nhân về hưu để mua lân, đạm rắc vào những gốc đa.

Tài sản vô giá

Trước đây, cụ Lý (vợ cụ Lạc) hay bảo: Đang lúc đói kém thế này, chẳng ai đi làm cái chuyện giời ơi đất hỡi như ông. Cụ Lạc đáp lại: Bây giờ bà chưa thấy giá trị. Nhưng vài chục năm nữa nó là tài sản vô giá của cả làng.

Theo năm tháng, thân đa vươn mình lớn dậy. Nhiều cây trồng sát bờ mương không đủ đất để hút dinh dưỡng, cụ Lạc lại cởi áo, cầm xẻng xúc bùn lên gần gốc, phơi vài ngày cho khô sau đó đóng cọc và cạp thêm đất.

Đến nay, cây đa to nhất do cụ Lạc trồng nằm ở khu nghĩa trang nhân dân gần đền Đống Đọi (cách cây đa cổ thụ đã chết 500 m) đã trên 30 năm tuổi, hai vòng tay người lớn ôm không xuể. Tôi phải lùi vị trí bấm máy ảnh cách đó 30 m nhưng vẫn không lấy trọn tán cây vào khuôn hình. Cây nhỏ nhất cũng 12 năm, to gấp đôi cây nhãn cổ thụ.

Ở miền Bắc vào mùa hè, cứ độ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều là nắng gay gắt, say nắng là chuyện thường tình. Nhiều người dân đi làm đồng bảo: “Nếu không có cây đa Cụ Lạc thì chết chắc”.

Ngày ngày, gốc đa trước cổng nghĩa trang liệt sĩ xã Nhân La do cụ Lạc trồng là điểm hẹn của ông Nguyễn Văn Phán (77 tuổi) và những người bạn cao niên trong thôn Mát. Ông Phán bảo: “Ngồi ở đây gió đồng nội thổi vù vù, bạt cả hơi nóng đi, chẳng cần quạt điện quạt đủng gì cả”.

Mọc ở đất công cộng nhưng người dân trong thôn Mát đều biết chủ nhân của những cây đa là cụ Lạc. Ông Nguyễn Văn Thạo, Chủ tịch UBND xã Nhân La, chia sẻ: Mấy năm trước, xã mở rộng tuyến đường liên thôn và cứng hoá bê tông nhưng vướng một số gốc đa của cụ Lạc. Cán bộ xã phải đến tận nhà cụ xin phép chuyển gốc cây ấy nhích sang vài mét. Những cây đa gần ao, kênh đã được cấp kinh phí xây bậc thang để bà con đi làm đồng về có thể vừa hóng mát vừa rửa chân tay, giặt quần áo. Nhiều gia đình vác cả cối đá ra gốc đa rồi đặt úp xuống làm ghế ngồi.

Bóng mát của cây đa Cụ Lạc giờ đây đã trở thành một trong những tụ điểm văn hoá của làng. Đó là nơi tụ họp của bà con không chỉ mỗi khi làng vào đám mà cả những ngày mùa hối hả.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm