| Hotline: 0983.970.780

Nhùng nhằng rùa tai đỏ: Bộ buộc tiêu hủy, DN xin... cấp đông

Thứ Sáu 01/10/2010 , 09:17 (GMT+7)

Theo hạn định, ngày 30/9 là hạn chót phải xử lí dứt điểm bằng cách tiêu hủy trên 18 nghìn con rùa tai đỏ mà Caseamex nhập về. Tuy nhiên, phía DN không những bất hợp tác trong việc tiêu hủy mà còn lèo lá bằng cách xin giết thịt để... cấp đông. Chuyện nghe cứ như đùa.

Theo hạn định, hôm qua (30/9) là hạn chót phải xử lí dứt điểm bằng cách tiêu hủy trên 18 nghìn con rùa tai đỏ (RTĐ) mà Cty CP XNK Thủy sản Cần Thơ  (Caseamex) nhập về. Tuy nhiên, phía DN không những bất hợp tác trong việc tiêu hủy mà còn lèo lá bằng cách xin giết thịt để...cấp đông. Chuyện nghe cứ như đùa. 

Công văn hỏa tốc mới nhất (số 3152) của Bộ NN-PTNT hối thúc các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải kiên quyết trong vụ tiêu hủy đàn RTĐ; đồng thời bác đơn của Caseamex về việc xin gia hạn thời gian tiêu hủy đến ngày 5/10/2010 để Caseamex tái xuất sang nước thứ ba là Trung Quốc (NNVN số ra hôm qua-30/9). Theo hạn định, chậm nhất đến 30/9, Caseamex phải thực hiện tiêu hủy toàn bộ đàn RTĐ trên 18 nghìn con này.

Theo dõi sự kiện nóng hổi này, một nhóm nhà báo đã có mặt từ sáng hôm qua tại khu vực nuôi nhốt RTĐ. Song hoàn toàn thất vọng, nhân viên của Caseamex không cho người lạ đến gần khu vực có 3 ao đang thả rùa. Đứng từ xa, chúng tôi trông thấy khu nuôi giữ rùa xung quanh được rào bằng lưới B40. Thử tìm hố đào mà phía Caseamex trước đó cho biết là để chôn rùa sau khi đã tiêu hủy, chúng tôi chỉ thấy có 2 hố nhỏ. Mỗi hố sâu chừng 2m, rộng khoảng 5x10m.

Cũng trong buổi sáng 30/9, Đoàn giám sát của các cơ quan liên ngành tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ, do ông Liêu Cẩm Hiền, PGĐ Sở NN-PTNT Vĩnh Long làm trưởng đoàn đã đến khu vực nuôi giữ đàn RTĐ của Caseamex để giám sát việc tiêu hủy. Tuy nhiên cả đoàn đành chấp nhận bó tay khi lãnh đạo Caseamex không có mặt mà chỉ cử ông Vương Quang Khanh, Trưởng phòng Thị trường làm việc với đoàn. Các thành viên trong đoàn cho biết, họ cảm nhận rõ thái độ cố tình trì hoãn việc tiêu hủy của Caseamex.

Mãi đến 15 giờ cùng ngày, phía Caseamex mới đưa ra yêu cầu không tiêu hủy 30 tấn RTĐ như phương án trước đó mà xin được xử lý bằng cách giết thịt và đông lạnh. Trước thái độ ngoan cố của phía DN, ông Liêu Cẩm Hiền và đoàn giám sát tiến hành lập biên bản đồng thời trong ngày hôm nay (1/10), sẽ làm tờ trình báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Long về việc này. Theo đó, nếu UBND tỉnh Vĩnh Long bác yêu cầu của Caseamex, Sở NN-PTNT Vĩnh Long sẽ tham mưu UBND tỉnh ra quyết định cưỡng chế tiêu hủy.

RTĐ xuất xứ từ thung lũng Mississippi, Bắc Mỹ, tên khoa học là Trachemys Scripta, thuộc bộ Testudines, họ Emydidae. Loài sinh vật này mới sinh dài khoảng 2cm, khi trưởng thành đạt 15 - 25cm. RTĐ sinh sản mạnh, có thể sống 50 - 70 năm và được xếp hạng 1 trong số 206 động vật xâm hại môi trường toàn cầu.

Câu chuyện “nhập rùa” quả là ly kỳ, khởi sự từ ngày 3 và 4/4/2010, Caseamex nhập từ Mỹ về 40 tấn RTĐ với 23.088 con. Sau quá trình vận chuyển, lạ môi trường mới và tới khi đưa vào trại nuôi giữ đến ngày 9/7/2010 số rùa chết hao hụt khoảng 10 tấn. Hiện nay đàn rùa còn 18.778 con. Theo giấy phép nhập khẩu số RTĐ trên mục đích là chế biến thực phẩm. Nhưng chỉ vì buôn bán không được buộc phải nuôi nhốt, các cơ quan truyền thông phát hiện nên RTĐ trở thành mối họa treo lơ lửng.

Một cán bộ Cty Caseamex thuật lại, lúc đầu thăm dò có nhiều nhà hàng ở TP HCM, Cần Thơ ngỏ ý đặt mua, chế biến thực phẩm. So với giống rùa đen bản địa đang có giá đắt khoảng 300.000 đ/kg thì RTĐ với giá nhập về (khoảng 6,5 USD/kg) cộng thêm chi phí, giá bán ra khoảng 150.000đ/kg là có khả năng tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên sau đó có những thông tin bất lợi như đây là giống rùa ăn tạp, hung dữ; thịt RTĐ có mầm bệnh thương hàn; rồi với khả năng sống dai và dễ thích nghi môi trường mới, trong khi ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt nên một khi RTĐ phát tán ra môi trường sẽ khó đối phó...đã làm phá ản kế hoạch tiêu thụ số rùa này. 

Có ý kiến tỏ vẻ cảm thông cho DN và cho rằng DN lần lữa, tiêu hủy cũng chỉ vì tiếc của. Nhiều ý kiến khác lại bày tỏ bất bình trước việc trì hoãn, ngoan cố của phía DN.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.