| Hotline: 0983.970.780

Những nông dân khoái... VietGAP

Thứ Năm 18/11/2010 , 10:34 (GMT+7)

“CẢ NHÀ KHỎE NHỜ GAP”

Từ khi bắt đầu áp dụng GAP vào sản xuất thanh long, vườn thanh long rộng 8.000 m2 của gia đình ông Lê Đắc Vinh ở ấp Mỹ Xuân (xã Dương Xuân Hội- Châu Thành, Long An) trở nên thông thoáng và sạch sẽ hẳn so với trước đây. Đi khắp khu vườn của ông, chúng tôi không hề ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu, không thấy bất cứ một vỏ chai thuốc, vỏ bao phân nào nằm lăn lóc dưới các gốc thanh long, ngay cả những thứ rác rưởi thông thường cũng không thấy nốt. Cả khu vườn cứ như vừa được quét dọn tinh tươm vậy.

Mãi tới một góc vườn, chúng tôi mới bắt gặp một hũ sành đựng toàn vỏ chai thuốc trừ sâu. Ông Vinh bảo: “Đã làm thanh long GAP thì không cho phép mình vứt vỏ chai thuốc tùm lum trong vườn như ngày trước nữa, mà phải thu dọn vào một chỗ”. Nói rồi, ông Vinh chỉ cho chúng tôi xem cái nhà xí tự hoại trông rất sạch sẽ. Ông cười bảo: “Ngày trước, nhà tui theo thói quen của ông bà, làm nhà xí đi thẳng xuống ao. Từ khi đi học GAP, biết làm như vậy rất mất vệ sinh, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người trong gia đình, vừa không tốt cho sản phẩm của mình, nên tui bỏ tiền ra làm ngay cái nhà xí tự hoại này”.

 Rồi ông Vinh lại giới thiệu tiếp về cái kho nhỏ dùng để chứa phân bón, nhà chứa thanh long thu hoạch… Tất cả đều chỉ được xây dựng sau khi ông đã lĩnh hội những tiêu chuẩn về GAP. Ông Vinh tâm sự: “Từ khi làm thanh long GAP, cả gia đình khoẻ hẳn ra vì không còn phải chung sống với mùi thuốc trừ sâu như trước nữa”. Không chỉ nhà ông Vinh, ở Dương Xuân Hội giờ đây đã có tới 40 hộ ứng dụng tiêu chuẩn GAP vào trồng thanh long. Nhờ đó, môi trường của xã đã được cải thiện đáng kể.

Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành phấn khởi nói: “Từ khi làm lúa GAP, môi trường đồng ruộng đã trở nên trong lành, không còn nồng nặc mùi thuốc sâu như trước. Sức khỏe của nông dân chúng tôi nhờ vậy đã tốt hẳn lên”.
Tới xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy- Tiền Giang), nơi đã ứng dụng GlobalGAP vào sản xuất lúa từ mấy năm qua, chúng tôi cũng cảm nhận ngay được sự trong lành của môi trường, từ đồng ruộng tới từng căn nhà. Trên cánh đồng, hầu như không bắt gặp một vỏ chai thuốc trừ sâu, một vỏ bao phân bón nào, bởi sau khi sử dụng xong, nông dân đã có ý thức thu gom về một chỗ. Nhờ nông dân không còn sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu tràn lan trên ruộng lúa như trước, nên một điều rất đáng mừng là sau một thời gian dài vắng bóng, giờ đây, cua, cá đồng đã xuất hiện trở lại khá nhiều trên các ruộng lúa.

CÙNG LÀM GAP

Theo TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đến nay ở các tỉnh Nam bộ như Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Long An và Tây Ninh đã có nhiều mô hình sản xuất lúa theo GAP được chứng nhận và nhiều mô hình đang trong giai đoạn hoàn tất. Trong đó, mô hình tại Tây Ninh có diện tích lên tới trên 500 ha. Ở Tiền Giang, diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã đạt trên 100 ha…

Từ hiệu quả thực tế của các mô hình sản xuất lúa theo GAP so với sản xuất lúa thông thường, bắt đầu từ vụ đông xuân 2010-2011, Bộ NN-PTNT sẽ đẩy mạnh định hướng sản xuất lúa theo VietGAP ở tất cả các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam bộ, trên cơ sở ứng dụng IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý nước, bón phân cân đối ... Theo đó, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh, TP triển khai tập huấn cho nông dân việc ghi chép sổ tay sản xuất lúa, xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu nông dân ghi chép sổ tay sản xuất trong từng vụ, từng năm. Phấn đấu trong năm 2011, sẽ có 20% nông dân ĐBSCL ghi chép sổ tay sản xuất lúa, tới năm 2012 là 30%…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng trong thời gian đầu, nông dân làm theo hướng GAP sẽ rất tốn kém, do đó cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ít nhất là trong 5 năm đầu.

Việc ghi chép sổ tay sản xuất lúa sẽ giúp cho việc truy nguyên sản phẩm lúa gạo sau này được thực hiện một cách dễ dàng, bởi qua đó, người ta có thể biết được hạt gạo ấy có nguồn gốc từ vùng sản xuất nào, do nông dân nào làm ra, ngày giờ chăm bón cây lúa ra sao…TS Phạm Văn Dư cho rằng, ngoài cái được về sản phẩm an toàn, sản xuất lúa theo VietGAP sẽ mang tới cho nông dân một cái lợi rất lớn nữa là về môi trường.

Bởi khi đã làm VietGAP, nông dân bắt buộc phải làm nhà xí tự hoại, phải có chỗ để thu gom vỏ chai, vỏ bao thuốc trừ sâu, phân bón mà không được vứt lung tung ra ruộng, vườn như trước nữa. Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu cũng phải theo một quy trình chặt chẽ, không tràn lan như trước. Thực tế cho thấy hiện nay, trong sản xuất lúa cũng như các loại cây trồng khác, có những hoá chất cấm vẫn đang được nông dân sử dụng mà quản lý Nhà nước không thể nào kiểm soát hết được. Nhưng nếu áp dụng VietGAP vào sản xuất, tình trạng này hoàn toàn có thể được loại bỏ...

 Chính vì thế, việc đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng VietGAP ở tất cả các tỉnh, TP thuộc ĐBSCL cũng là để góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở khu vực này, nhất là ở tiêu chí về môi trường. Tuy nhiên, việc sản xuất theo hướng VietGAP còn tồn tại những khó khăn không nhỏ. Theo ông Phạm Văn Dư, người trồng lúa nhìn chung còn nghèo, không phải hộ nào cũng có khả năng xây dựng hố xí tự hoại hay làm một số công trình phụ khác theo tiêu chuẩn GAP, do đó, Nhà nước cũng cần phải có những chính sách hỗ trợ cho nông dân.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất