| Hotline: 0983.970.780

Những ông trùm… tro trấu

Thứ Hai 24/05/2010 , 13:15 (GMT+7)

"Bác đừng tưởng tro trấu là thứ vứt đi nhé. Tiền đống cả đấy. Cái nghề của em nó bụi bặm, mạt hạng nhưng nuôi mấy cháu ăn học, xây nhà dựng cửa, ngay cả con ô tô này cũng được mua từ buôn tro đấy..." - người đàn ông ra dáng doanh nhân hồ hởi.

Tro chất đống chuẩn bị được vận chuyển
"Bác đừng tưởng tro trấu là thứ vứt đi nhé. Tiền đống cả đấy. Cái nghề của em nó bụi bặm, mạt hạng nhưng nuôi mấy cháu ăn học, xây nhà dựng cửa, ngay cả con ô tô này cũng được mua từ buôn tro đấy...

Mua của người chán bán cho người thèm

Trong một chuyến xe khách liên tỉnh, người đàn ông ăn vận đồ âu, chiếc điện thoại liên tục rung lên trên tay; khi thì anh gọi bốc hàng, xuất hàng, lúc lại điều quân tới đại lý… ra dáng một doanh nhân lắm lắm. Tò mò tôi mới hỏi anh làm nghề gì, vị doanh nhân đó cười cười: “Có nói bác cũng chẳng tin đâu. Nghề của em là đi buôn thứ ai cũng nghĩ là vứt đi, là bèo bọt nhất: tro. Chúng em mua của người chán, bán cho người thèm mà”.

Ở những vùng quê ven biển Nam Định, Thái Bình vài năm gần đây, xuất hiện một số ông trùm tro trấu như thế. Trùm tro Ninh Văn Hàn ở xã Trực Đạo (Trực Ninh, Nam Định) vốn chính tông chân đất. Từ năm 1999 anh mới sắm chiếc công nông chủ yếu chạy chở tro thuê cho ông trùm Hải, trùm Hồng cùng huyện. Chạy thuê, cước phí thấp, thu nhập chẳng bao lăm nhưng dần dà học lỏm được những ngóc ngách trong nghề, anh Hàn tính bài chơi cả gốc, lẫn ngọn. Vùng quê anh vốn đất tốt nên hễ bón nhiều tro là lốp lúa nên nông dân chẳng biết làm gì với thứ phế phẩm nông nghiệp ấy.

Cái phận bèo bọt, rẻ rúng của tro trấu ấy đã thay đổi hoàn toàn khi xuất hiện những người đi đong tro. Như trùm Hàn có 4 đại lý chuyên mua tro ở trong huyện. “Một năm có 2 vụ tro là vụ chiêm và mùa. Vụ chiêm mưa lắm nên đốt được ít, gặt xong dân lại vội mùa vụ nên phải đưa nước vào ruộng ngay cho kịp thời khiến rơm rạ ướt, khó đốt, năng suất không cao. Vụ mùa từ tháng 10-12, cuối năm, ngày rộng tháng dài, thời tiết khô hanh chính vụ tro chủ yếu. Cứ mỗi vụ mùa, tôi đi giao 6-7 vạn bao cho các đại lý rồi thu mua dần. Phải lợi dụng sân bãi của họ để hàng chứ cả núi tro như vậy, một chỗ đâu có chứa được. Một tháng tôi giao chừng 10 xe tro, mỗi xe xếp cỡ 550 bao, xếp cao khi nào bằng khung thùng thì thôi”.

Nơi thu mua của mặt hàng đặc biệt này của anh Hàn là nông dân vùng cây cảnh, rau màu ở Thường Tín, hoa ở Mê Linh (Hà Nội), vùng cây cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên). Lúc đi anh giao tro về tận dụng xe rỗng, chở cám, ngô nên mỗi chuyến trừ tất chi phí là có lãi bạc triệu. Vùng ruộng chân trũng ở Trực Ninh đến chân vàn ở Hải Hậu, những triền đất phù sa mới tốt tươi ven biển, cây lúa cắm xuống, cứ gọi là mọc bời bời, đốt rất lợi tro. Mỗi xã ở đây ít thì có 1-2, nhiều có 5-7 chân rết của những ông trùm tro trấu cài cắm, nhất là ở làng nào gần những cánh đồng lớn, thuận tiện đường xá, nông dân đem hàng đến dễ dàng.

Trùm Mai Văn Hải ở xã Trực Tuấn (Trực Ninh, Nam Định) thời cao điểm có tới 3 xe ô tô để chuyên đi chở tro, xuất cỡ 15-20 chuyến hàng mỗi tháng. Ông Hải cũng là người khai sinh ra nghề buôn tro ở vùng này. Ông bảo, cây trồng, nhất là hoa nếu bón đạm, cắt lên bờ buổi sáng, buổi chiều héo quắt nên muốn giữ bền nhất định phải bón tro. Tro rất nhẹ nhưng cồng kềnh, nếu ngấm nước nặng chẳng khác gì xi - măng nên khi thu mua phải thật khô. Những người đong tro, gặp khi mưa lớn bất ngờ, không kịp che đậy chỉ còn cách gạt nước mắt mà đổ đi trồng chuối, trồng rau muống cho vườn nhà mà thôi. “Mùa sẵn tro, giá rẻ lãi ít nhưng đại lý gọi mình vẫn phải nhận chứ không lấy mất bạn hàng, đến mùa khan, chẳng ai còn bán cho mình”. Cứ chuyến tro đi, chuyến hàng về đều đều để tận dụng xe cộ, nhiên liệu. Ông Hải còn xây cả một cái kho để trữ tro phòng lúc ế hoặc găm hàng chờ giá.

Nhảy giá chẳng khác... vàng

Ông trùm Khải bên đống tro dự trữ khổng lồ
Ông trùm Trần Quang Khải ở xã Trực Đạo cũng xuất thân từ anh cổ cày, vai bừa. Bước chân vào nghiệp tro trấu của anh Khải cũng là sự tình cờ. Cách đây hơn mười năm, trong một lần giỗ chạp, mấy người họ hàng ở Hưng Yên lên bàn: “Trên này nhiều người trồng cam canh, quýt cảnh rất cần mua tro, hay là anh đi buôn tro đi”. Nghe đến đây, nghĩ là có người xúc phạm mình, Khải buông đũa bát, nóng mặt sửng cồ: “Ai lại đi buôn tro? Chú định lỡm anh đấy phỏng?”. Người em họ phải mồm năm, miệng mười thanh minh mãi, anh Khải mới xuôi xuôi, dẹp cái xấu hổ cố hữu của anh trai làng, quyết một phan đi thử xem có ngẩng mặt được với thiên hạ không. Lúc đầu anh mua tro của các đại lý rồi giao hàng cho đối tác. Việc nhàn tênh nhưng mỏng lãi nên sau này anh phải đi từng làng, sục vào từng xóm để gầy từng đại lý của riêng mình. Đại lý cũng là những nông dân đặc sệt.

Ai nghe đến cái nghề đong tro hết sức lạ lẫm cũng giãy nảy cả lên. Phần vì xấu hổ, phần vì chẳng biết mua bán thế nào, lờ lãi ra sao. Anh Khải phải ngọt nhạt một hai rằng: “Nhà em đưa vỏ bao, ứng trước tiền, các bác chỉ việc mua tro của dân, đóng đầy bao, không lép, mỗi bao là được vài trăm đồng lãi ngon ơ lại chẳng phải mạo hiểm tí gì”. Nghe bùi tai, dần dần số lượng đại lý của anh Khải tăng dần lên, không chỉ mở rộng ở Trực Ninh còn trải ra cả sang mạn huyện Xuân Trường.

Nguồn hàng xuất đi xa nhất là tỉnh Hoà Bình, vừa vừa có vùng hoa Tây Tựu (Hà Nội), cây cảnh Hưng Yên. “Các bác bên ngoài chẳng biết đấy thôi chứ ngành của em, giá lên xuống chẳng kém gì… vàng. Lúc khan, đầu dưới không có hàng, đầu trên giục giã, giá vọt lên tới 11.000đ/bao, trong khi mua vào chỉ khoảng 7.000đ. Trừ tất cả công cán bốc vác, tiền phần trăm đại lý, tiền vỏ bao, tiền vận chuyển cũng được trên 1.000đ/vỏ bao. Một vụ tro mùa em làm cỡ 50.000 bao, còn lại cứ túc tắc hàng tháng gom tro bếp cũng được 1.500-2.000 bao. Tính ra cả năm không dưới 70-80.000 bao (mỗi bao tro lèn chặt nặng 7-8kg). “Nếu chỉ trông vài vào sào ruộng thì 4 đứa con tôi chết đói mất. Nhờ có buôn tro mà tôi được thế này. Nếu đường mà thuận tiện ô tô vào thì tôi đã mua xe từ lâu rồi đấy!”.

Chính vì giá tro vài năm gần đây tăng tốc nên ở những làng quê mới lắm sự lạ xảy ra. Hết mùa, xưa rơm rạ thường để trên cánh đồng nhưng giờ để thế là chỉ một đêm, có kẻ “đốt hộ”, hót sạch đem bán ngay. Ngay cả những cây rơm để xa nhà, không khéo cũng có kẻ dùng xe bò chở đi bằng hết.

Nhà trùm Khải không có xe tải như trùm Hàn, trùm Hải. Để không bị “bóp chết” một cách tức tưởi trên thương trường, không còn cách nào anh phải cạnh tranh bằng nguồn hàng thật chất lượng. Trùm Khải không giấu diếm bí kíp trong nghề: “Tro cũng có dăm bảy đường tro. Tro trấu khác, tro rơm khác, tro rạ cũng khác. Vốc một nắm lên là em phán đoán được ngay tro gì, có giá không. Tro rơm giá trị nhất vì mịn lại có màu xanh như lân. Tro rạ cũng màu xanh nhưng “cánh” to, thô hơn. Tro trấu có màu trắng, “cánh” sạn, chất lượng kém, chỉ là của đáng vứt đi, bán chẳng ai mua. Đại lý hay dùng thủ thuật đảo trộn các loại tro với nhau nhưng làm sao qua mặt nổi mắt em?”.

Nghề buôn tro ăn thua bởi thời tiết. Nắng thì không sao nhưng mưa cái là khóc dở, mếu dở ngay. Lúc đi hàng khi nào cũng phải kè kè hai ba lớp bạt nhưng có lúc đang bốc lên xe vẫn bị “dính chưởng” mưa rào, chạy không kịp, ướt như thường. Đợt rồi mấy trăm bao tro ẩm khi mang xuống Hưng Yên đổ hàng, họ chê, anh Khải phải vào từng chủ vườn, gạ bán từng bao một với giá lỗ đến ½ mới trôi. Hay cách đây quãng mươi ngày, xe hàng của anh xuống phà Mễ Sở sang Hưng Yên bỗng dưng mất phanh, cả xe lẫn người trôi tòm xuống sông Hồng, nhận chìm trên 800 bao tro. Chủ hàng cuống cuồng trên bờ chạy gọi cấp cứu, anh xế bơi ra khỏi ca bin, thoát chết trong ngang tấc, mặt cắt không còn hột máu. Khi chiếc xe tải được cẩu lên, trọng lượng của xe đang khoảng 5 tấn tro, ngấm nước thành trên 20 tấn, không thể xê dịch nổi, phải bán đổ, bán tháo. Lỗ lãi cưa đôi, nhà xe chịu lỗ 5 triệu, chủ hàng chịu 5 triệu.

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phú Thọ thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng do mưa dông

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi hàng trăm ha lúa, ngô, chuối, rau màu... bị đổ ngã và không thể phục hồi.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dòng người nghìn nghịt dự lễ khai trương du lịch biển Hà Tĩnh

Hà Tĩnh Hàng nghìn người dân đã đổ về biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên ngắm màn pháo hoa mãn nhãn, rực rỡ trong lễ khai trương du lịch biển Hà Tĩnh 2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm