| Hotline: 0983.970.780

Những phận đời buồn

Thứ Năm 20/08/2015 , 07:49 (GMT+7)

Họ là những phụ nữ thần kinh không bình thường, nhưng lại vẫn có con bình thường như nhiều phụ nữ khác. 

Có điều là sau khi sinh con, họ không hề nhận biết đó là đứa con do mình rứt ruột đẻ ra, bỏ chúng sống lay lắt, thậm chí bán lấy tiền như một món hàng.

Bán con

Về huyện Hoài Ân (Bình Định) trong mùa nắng nóng, nhưng gặp phải cơn mưa to bất thường nên đường về thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây có nhiều đoạn bị lầy lội rất khó đi.

Nhà của những người chúng tôi cần gặp thì nằm heo hút ở những vùng sâu, may nhờ có chị Cao Thị Oanh, cán bộ phụ nữ thôn Phú Hữu 2 dẫn đường chứ không thì chúng tôi không thể thực hiện được bài viết này.

Điểm ghé đầu tiên là nhà bà Ung Thị T. (53 tuổi) ở xóm 5, thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây. Căn nhà cấp bốn dưới mức xập xệ, trống huơ trống hoác, lạc lõng trong góc nhà là chiếc giường cũ kỹ.

Chị Cao Thị Oanh cho biết, ở thôn này ai cũng biết hoàn cảnh éo le của gia đình bà T. Bản thân bà T. cũng có dấu hiệu không bình thường về thần kinh nên hồi trẻ, bà sinh ra 2 người con nhưng không biết cha chúng là ai.

Do vậy, chúng đều mang họ mẹ. Đứa lớn là con gái, Ung Thị N., nay đã 34 tuổi; người em là Ung Hòa T. Cả 2 người con cũng có biểu hiện không bình thường.

Sau khi sinh con, bà Ung Thị T. bỏ quê vào Sài Gòn phụ việc nhà, để 2 đứa con ở nhà với bà ngoại. Chị Ung Thị N. vốn đã khờ khạo, lại gặp một số trai làng vô nhân tính nên đến cả người bệnh tật cũng không buông tha để thỏa mãn dục vọng.

Sau những lần bị lừa tình, chị N. sinh một lèo 4 đứa con. Đứa đầu tiên bị hư thai, đến khi mang bầu đứa thứ 2, hàng xóm đưa chị xuống bệnh viện khám thì bác sĩ cho biết chị bị nhiễm chất độc da cam, trước đó đã 1 lần bị hư thai nên lần này không thể phá bỏ, phải sinh.

Đứa con này được đặt tên Ung Văn H., nay đã được 12 tuổi, cũng tâm thần như mẹ. Do bị nhiễm chất độc da cam nên chị N. không thể đặt vòng tránh thai, đến năm 2010 chị lại sinh đứa con thứ 3.

Sau khi sinh ra, đứa con này được bán cho 1 gia đình hiếm muộn tại địa phương lấy 4 chỉ vàng. Đến năm 2014, chị N. lại tiếp tục sinh đứa con thứ tư.

Chị Cao Thị Oanh kể: “Khi mới sinh đứa con thứ tư, nằm bên cạnh con, chị N. nói tỉnh bơ: “Sao người ta không đến ẵm nó đi để tui về cho rồi, nằm hoài ở đây mệt quá!”.

Sau đó, có người mai mối chị N. bán đứa trẻ này co 1 gia đình Việt kiều Thái Lan với giá 50 triệu đồng. Số tiền này được bỏ vào ngân hàng, tiền lãi được bà Ung Thị T. rút ra hằng tháng làm tiền dưỡng già và nuôi đứa con trai cũng bệnh tật đang ở với mình.

13-48-23_2
Bà Ung Thị T. sống tuổi già buồn bã vì những đứa con tâm thần còn ở với bà bỏ đi suốt ngày

Nói về con gái, bà T. cho biết: “Đẻ xong đứa con thứ tư nó vào Sài Gòn phụ việc nhà rồi!”. Chúng tôi ngạc nhiên: “Chị ấy bệnh như vậy làm sao đi xa làm việc được?”. Bà mẹ nói ngay: “Nó tỉnh không chứ bệnh hoạn gì đâu”.

Im lặng một chặp như để nghĩ ngợi, rồi bà T. nói tiếp: “Nói nó tỉnh chứ nói nó bệnh người ta bắt mất!”.

Con dại cái mang

Ở làng bên cạnh, đội 7 thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây có một hoàn cảnh khác cũng éo le không kém. 

Đó là bà Trần Thị H. nay đã ngoài 60 tuổi vẫn phải nai lưng ra làm ruộng kiếm gạo, khi rảnh lên rừng hái lá giang kiếm tiền mua mắm cho 5 miệng ăn trong gia đình.

Bà H. có 4 người con thì 3 người biểu hiện bệnh tâm thần, chỉ 1 người thoát bi cảnh của gia đình. Người con gái lớn của bà H. là Trần Thị D. nay đã 37 tuổi, trót lỡ có đứa con năm nay lên 8 tuổi, nhưng do có dấu hiệu tâm thần giống mẹ nên không thể đến trường.

Đáng thương nhất là cảnh đời đứa con gái thứ của bà H., chị Trần Thị M. Chị M. vốn cũng có dấu hiệu bệnh tâm thần, cách đây khoảng 6 năm lại có tình cảm rồi kết hôn với chàng trai cùng xã là anh N.L, anh này còn mắc bệnh tâm thần nặng hơn.

Theo lời bà H., dù cho gia đình luôn lo ngại về hạnh phúc gia đình của đứa con gái nhưng vì thương con nên đành chấp nhận đám cưới.

Thế rồi, cặp vợ chồng này sinh được đứa con đầu lòng là cháu N.T.T (5 tuổi), oái ăm thay, cháu T. cũng mắc chứng bệnh khờ khạo không đến lớp được như những bạn bè cùng trang lứa.

Bà H. nghẹn ngào bộc bạch: “Lúc lên cơn là thằng chồng nó đánh đập dữ lắm, lúc con gái mang thai, tôi phải mang về nhà để sinh. Rồi bệnh tình thằng L. ngày càng nặng nên phải đưa vô Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn.

13-48-23_3
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Trần Thị H. vẫn phải lên rừng hái lá giang về bán kiếm tiền mua mắm nuôi cháu

Con gái tôi đi nơi khác làm ăn gửi cháu T. lại cho tôi nuôi, lâu lâu mẹ nó về thăm”.

Chúng tôi muốn tiếp xúc, trò chuyện với cháu T., nhưng thuyết phục mãi cháu vẫn không chịu rời khỏi cái góc nhà tối om.

Cô con gái út của bà H. tên Trần Thị H. là người bị bệnh nặng nhất trong 3 chị em. H. thường cáu gắt khi có điều gì không vừa ý. Khi tỉnh táo, H. cũng lên núi hái lá giang phụ giúp mẹ.

Chợ thì đến chiều mới họp, nhưng mới giữa trưa H. đã giục mẹ hối hả mang lá giang về đi bán chứ không kịp bữa chợ.

Bà Trần Thị H. thở dài: “May còn đứa con gái thứ 3 khôn lanh, nó học được cái nghề, có gia đình riêng và thỉnh thoảng phụ giúp mẹ chút ít để nuôi các chị và các cháu.

Mỗi tháng, gia đình tôi cũng được hưởng khoản trợ cấp hộ nghèo. Con dại cái mang, chỉ mong chúng nó đừng lỡ dại thêm lần nữa, kẻo khổ con, khổ cả cháu”.

“Hiện nay, địa phương đã vận động được 16 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi, cha mẹ mắc bệnh tâm thần… vào Làng trẻ em SOS. Khi vào trung tâm thì các cháu được tiếp cận với điều kiện sống tốt hơn, địa phương thì đỡ được gánh nặng xã hội và gia đình cũng yên tâm về tương lai của các em”, bà Nương cho hay.

Theo chị Cao Thị Oanh, ở hai thôn Phú Hữu 1 và Phú Hữu 2 có đến 4, 5 trường hợp phụ nữ không bình thường có con ngoài ý muốn. Đa phần, gia cảnh của họ đều khó khăn và những người xâm hại họ thì không rõ danh tính.

Theo bà Lê Thị Ái Nương, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, cuộc sống của những đứa trẻ có cha hoặc mẹ, bị tâm thần thường rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Để minh chứng cho điều vừa nói, bà Nương kể về cháu T.N.T là con của bà T.T.P (69 tuổi) ở thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, người mắc bệnh tâm thần.

Trong khi cháu T. tận tình chăm sóc mẹ thì bà P. có những hành động bất thường như đổ tro vào cơm; hoặc có lúc làm những chuyện hại cả con mình trong vô thức như cháu T. đang ngủ thì bị bà P. bóp mũi, hoặc nhấn con vào lu nước. Vì vậy, gần 3 năm nay em T. đã được vận động vào Làng trẻ em SOS Quy Nhơn.

“Hằng năm, huyện giải quyết và hỗ trợ kịp thời cho bà mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong huyện. Trường hợp trẻ em có cha mẹ bị bệnh tâm thần, hoàn cảnh khó khăn được địa phương lập hồ sơ đưa vào làng trẻ SOS Quy Nhơn.

Đối với những trường hợp bà mẹ không bình thường mang thai ngoài ý muốn, hoàn cảnh khó khăn thì địa phương phải có hồ sơ gửi lên phòng để chúng tôi căn cứ vào đó mà giải quyết”, bà Nương cho biết.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.