| Hotline: 0983.970.780

Những phận đời nhọc nhằn mưu sinh ở chợ đêm Hòa Cường

Chủ Nhật 26/11/2017 , 14:16 (GMT+7)

Họ chỉ là những cánh cò lặn lội giữa đêm, cật lực mưu sinh dưới màn đêm sương gió. Họ bất chấp nguy hiểm, chẳng ngại mưa gió, chỉ ước ao sẽ có thêm manh quần tấm áo cho những đứa con ở nhà, mong thêm tiền mua viên thuốc cho cha mẹ già.

Phong phanh áo mỏng đêm buốt giá

Chợ đầu mối Hòa Cường là nơi phân phối số lượng lớn các mặt hàng nông sản phục vụ cho Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Khoảng 1h sáng hằng ngày chợ đã tấp nập, nhộn nhịp kẻ mua người bán. Khi những chiếc xe tải lớn chở hàng hóa cao ngất ngưởng trong nam, ngoài bắc đổ về thì một tốp khoảng vài chục người cửu vạn cả nam lẫn nữ rất khẩn trương, tất bật chạy đến nhấc từng thùng hàng xếp lên xe rồi oằn mình, ghì chặt càng xe kéo đi đến các sạp trong chợ.

10-40-01_1
Vội vã đẩy xe để quay lại với chuyến hàng tiếp theo

Mỗi chuyến, các nữ cửu vạn phải đi đoạn đường khoảng từ 200-500m. Dáng vẻ ai cũng gấp gáp, chạy ngược, chạy xuôi bất kể hàng nặng hay nhẹ, họ cố gắng đi thật nhanh về đích để còn quay lại với chuyến hàng tiếp theo.

Tôi gặp họ, lẫn giữa những người mua kẻ bán tấp nập tại khu chợ Hòa Cường. Giữa đêm lạnh vẫn thấy thấp thoáng những người phụ nữ tha hương miệt mài trong vòng xoáy mưu sinh của mình. Những người phụ nữ ở các tỉnh, các nơi đổ về, người gần cũng có, xa cũng có, có người ngay ở nội thành, Hòa Vang, nhưng cũng có những chị em ở Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi… đi làm. Công việc của họ bắt đầu từ 9 giờ tối cho đến 8 giờ sáng hôm sau. Có nguời thì tranh thủ chỉ làm đến 2, 3 giờ đêm. Có người thì miệt mài, làm cho đến tận sáng. Ấy thế mà, có những người, về ngủ một giấc “qua loa”, rồi ban ngày họ lại tranh thủ làm thêm những việc khác.

Trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, chị Nguyễn Thị Hằng (41 tuổi, quê Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) lau vội những giọt mồ hôi đang chảy ròng trên khuôn mặt khắc khổ cười xởi lởi. Mặc dù có thân hình nhỏ nhắn, gầy gò nhưng chị làm việc không khác gì một người đàn ông vạm vỡ, sức lực. Chị thường làm từ 9h tối đến 6h sáng không ngơi không nghỉ. Chỉ với đồ nghề là một chiếc đòn gánh cùng hai sợi dây thừng, chị đã vật lộn với cuộc mưu sinh trong nhiều năm vừa qua. Làm phận đàn bà, cũng vì miếng cơm manh áo nên mới phải đi làm xa. Nhiều lúc nhớ chồng con và lo lắng nhà cửa và dành dụm được ít tiền, chị mới dám bắt xe về. Về đến nhà được hai, ba tiếng để nấu cho chồng bữa cơm, xem đứa con học bài rồi chị lại bắt xe đi cho kịp giờ làm.

10-40-01_2
Khó nhọc kéo chiếc xe đầy hàng

Những ngày thường thị kiếm được 200, đếm 300 nghìn. Còn ngày tuần là những ngày giáp mùng 1, và 15 âm lịch hàng tháng chị kiếm được khá hơn, khoảng 400 nghìn một đêm. Chị bảo chừng ấy cũng chẳng bõ bèn gì, bởi để kiếm được tiền, chị và các đồng nghiệp phải căng mình cả đêm để làm việc. Đấy là chưa kể đến sự cạnh tranh của các đồng nghiệp là nam giới, bởi họ nhanh hơn, khỏe hơn nên chủ hàng chuộng hơn, và tiền công của họ cũng cao hơn so với các chị.

Chị Võ Thị Thơm là một trong những nữ cửu vạn làm việc lâu năm trong chợ Hòa Cường chia sẻ: “Làm nghề này phải có một sức khỏe dẻo dai mới bám trụ được. Ở đây chúng tôi làm chẳng biết ngày nghỉ là gì, có sức khỏe ngày nào thì phải tranh thủ kiếm tiền ngày đó. Làm nghề cửu vạn kéo xe này nhìn cô nào cũng hốc hác, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Họ cứ bạ đâu ngủ đấy, tranh thủ lúc không có hàng thì vào mái hiên chợ để chợp mắt tí lấy lại sức. Lúc trước ở chợ này nữ cửu vạn cũng đông lắm, nhưng nhiều cô vì kéo hàng nặng lâu ngày bị chấn thương, rạn xương nên họ nghỉ dần. Cái nghề này là thế vắt kiệt sức đổi lấy đồng tiền, rồi cuối cùng lại mua bệnh tật vào người.”

10-40-01_3
Những chuyến hàng cuối cùng vào rạng sáng


Niềm hy vọng dưới màn đêm

Dừng lại nghỉ sau gánh hàng nặng oằn vai, bà Phan Thị Mì (quê Quảng Ngãi) lẽ ra đã ở cái tuổi an nhàn, con cháu đề huề, nhưng bà vẫn phải oằn mình vật lộn trong cuộc sống mưu sinh. Chồng bà thì bệnh nặng, mất khả năng lao động, tiền thuốc men hàng tháng làm không đủ để trả. Bà cũng sinh được hai người con trai, cả hai đã lập gia đình những cũng còn thiếu thốn khó khăn nhiều lắm.

10-40-01_5
Nhiều nữ phu cửu vạn lao động nặng nhọc để mưu sinh

“Mình lớn tuổi hơn nên cũng yếu, thường thì làm chậm hơn và có ít người thuê hơn. Nhưng được đồng nào hay đồng ấy. Còn sức thì còn làm, đỡ phiền đến con cháu, sau này già yếu thì mới dám cậy nhờ chúng nó!”. Vừa nói, bà vừa rút trong túi ra đếm được 60 nghìn khoe thành quả của một đêm. Nụ cười rạng rỡ, ánh mắt trân trọng những đồng tiền mà bà đã tốn mất bao nhiêu công sức để làm ra. Bà trầm ngâm nhìn vào chuyến xe vừa chạy qua, bà bảo bà cũng nhớ quê và lo lắng cho nhà cửa ở quê lắm. Lo cho chồng không biết ốm đau thế nào, thuốc men, ăn uống có đầy đủ hay không. Lo cho con không biết sinh sống ra sao, bà Mì chốt lại như thế rồi lại chạy đi.

Bên cạnh những hiểm nguy rình rập, bên cạnh những nhọc nhằn khốn khó ấy, những người phụ nữ này vẫn có một niềm tin để hy vọng, đó là gia đình nhỏ bé của mình, là những đứa con với tương lai rạng người. Chị Hằng chia sẻ, chị đã có hai người con, con trai lớn của chị năm nay đang học lớp 12. Còn chồng chị ở nhà làm thợ xây. Cuộc sống kinh tế khó khăn, khi phải nuôi hai con đi học, mong ước có thể để con học trường đại học, sau này có một việc làm ổn định, không phải vất vả như vợ chồng chị, vậy nên chị luôn cố gắng làm việc không ngừng.

Chính những đồng tiền chắt chiu từ những chuyến gồng gánh kia đã nuôi biết bao người con khôn lớn, đứa vào đại học, đứa thành tài, đứa lập nghiệp, đứa dựng vợ gả chồng. Nhờ đó mà họ càng nâng niu, trân trọng giá trị của cuộc sống hơn.

10-40-01_4
Chị Hằng với đôi gánh hàng nặng trĩu

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm