| Hotline: 0983.970.780

Những phong tục cưới hỏi độc đáo ở các nước trên thế giới

Thứ Hai 03/12/2018 , 13:05 (GMT+7)

La Soupe - “ăn súp thừa trong bô” là một truyền thống đám cưới hài hước ở Pháp. Sau tiệc cưới, trong khi cô dâu, chú rể dìu nhau đến phòng tân hôn thì những người ở lại dọn dẹp bữa tiệc sẽ đổ hết tất cả thức ăn, bánh ngọt, giấy ăn thừa...

Nhổ nước bọt lên cô dâu

Các cô gái thuộc tộc người Massai ở Kenya lấy chồng khi mới 13-16 tuổi và không có quyền lựa chọn ý trung nhân bởi theo quan niệm, chỉ bố mẹ họ mới biết được ai sẽ là người phù hợp để con mình chung sống. Đám cưới được sắp xếp mà không cần có ý kiến của cô dâu hay thậm chí cả mẹ cô dâu. Một tuần trước ngày trọng đại, gia đình hai bên sẽ tổ chức gặp mặt và thống nhất số bò mà nhà trai cần giao nộp để đổi lấy vợ.

15-31-25_1
Cô dâu Kenya trong đám cưới. (Ảnh: Blogspot)

Vào ngày cưới, cô dâu phải đeo một chiếc vòng cổ lớn, sặc sỡ, bị cạo đầu và bôi dầu hỏa lên trên. Cha của cô dâu cầu mong phước lành bằng cách nhổ nước bọt lên đầu và ngực của con gái. Nhổ nước bọt thường bị xem là hành động sỉ nhục nhưng với người Massai, đây lại là cách mang tới may mắn và giàu sang.

Cô dâu sau đó rời đi cùng chú rể và không được quay đầu nhìn lại. Để xua đi những điều xui rủi, các phụ nữ trong gia đình chồng sẽ sỉ nhục cô dâu khi cô bước vào ngôi nhà mới. Cô sẽ ở trong ngôi nhà này trong 2 ngày tiếp theo mà không có chồng và để mẹ chồng cạo đầu. Đôi nam nữ sau đó mới được tuyên bố chính thức trở thành vợ chồng.
 

Trộm giày của chú rể

Một trong những điểm độc đáo của các đám cưới ở Ấn Độ chính là những trò chơi khăm truyền thống. Ngày cưới được xem là dịp trọng đại không chỉ với cô dâu, chú rể mà còn cả đại gia đình, những người rất tích cực tham gia vào toàn bộ quá trình chuẩn bị cho sự kiện này cũng như trò chơi khăm.

Trò chơi khăm không thể thiếu trong các đám cưới Ấn Độ là Joota Chupai, trong đó các chị em gái và bạn bè thân thiết của cô dâu trộm giày của chú rể.

Khi bước vào khu vực làm lễ, chú rể sẽ cởi giày ra. Ngay lập tức các cô gái lớn tuổi nhất nhưng chưa kết hôn của phía nhà gái sẽ lấy trộm đôi giày và chạy đi.

Cuộc chiến giữa hai bên bắt đầu, trong đó phía nhà trai cố giành lại giày, còn phía nhà gái tìm mọi cách bảo vệ chiến lợi phẩm. Nếu thành công, họ sẽ ra điều kiện cho chú rể phải giao nạp một khoản tiền nhỏ để lấy lại giày.

Các cô gái của nhà cô dâu thường dùng nhiều mưu mẹo để trộm được giày của chú rể trong nháy mắt. Cách dễ nhất là hối lộ cho chủ hôn để ông tổ chức một nghi lễ giả trước nghi lễ chính thức, buộc chú rể phải cởi giày.

Họ cũng có thể cử một người họ hàng xa mà gia đình chú rể không biết mặt đi trộm giày để dễ bề hành động mà không gây chú ý. Họ thậm chí thuyết phục mẹ của cô dâu tham gia nhóm lấy giày và một khi mẹ vợ đã đề nghị đưa giày, chẳng có lý gì mà con rể dám từ chối. Nếu tất cả những cách trên thất bại, họ sẽ dùng đến “vũ khí tối thượng”, đó chính là bản thân chú rể. Những lời ca ngợi và bày tỏ niềm tin vào lòng tốt của chú rể sẽ khiến anh ta tình nguyện giúp nhà gái giấu đôi giày!
 

“Bôi đen” cô dâu, chú rể

Xa xưa, tục “bôi xấu” cô dâu, chú rể được thực hiện để xua đuổi ma quỷ trước đám cưới và hiện tồn tại đến nay tại một số vùng ở Scotland. Một ngày trước hôn lễ, cô dâu hoặc chú rể tương lai bị bạn bè đổ lên người bồ hóng, mật mía, bột mỳ và lông vũ.

15-31-25_3
Cô dâu, chú rể bị đổ bồ hóng lên người ở Scotland. (Ảnh: Scotsman)

Trước đây, “nạn nhân” thường được đưa lên một xe thồ hàng và diễu khắp thị trấn nhưng ngày nay, người Scotland đặt họ trên nóc xe bán tải và lái đi quanh vùng trong tiếng còi inh ỏi. Cô dâu, chú rể thường được trả về nhà trong tình trạng say mèm và thậm chí bị buộc vào cột đèn hoặc ném xuống ao.

Tục “bôi đen” gần giống với một tục lệ cưới hỏi khác ở Scotland, trong đó cô dâu được dẫn vào một căn phòng để bạn bè rửa chân trong chậu nước chứa nhẫn của một phụ nữ đã kết hôn lâu năm. Trong khi đó, chú rể bị bạn bè của cô dâu đổ than vào chân.
 

Cưa gỗ, rải gạo, đập vỡ đĩa

Cưa gỗ và rải gạo là những truyền thống đám cưới lâu đời ở Đức. Nếu cưa gỗ tượng trưng cho chướng ngại vật đầu tiên mà mỗi cặp đôi phải vượt qua trong hôn nhân thì rải gạo được xem như một lời chúc con đàn cháu đống với cô dâu chú rể.

Sau khi kết thúc hôn lễ ở nhà thờ và bước ra ngoài, đôi uyên ương sẽ được khách tham dự đám cưới rải gạo lên người. Theo truyền thuyết, mỗi hạt gạo vương lại trên tóc cô dâu tượng trưng cho một đứa trẻ.

Phía trước nhà thờ là một khúc gỗ đặt trên giá cưa. Khúc gỗ thường có kích cỡ trung bình và khô để dễ cưa hơn. Nếu đó là món quà từ một thành viên trong gia đình thì càng ý nghĩa. Chiếc cưa là loại có 2 tay cầm, dài, sắc. Việc cô dâu và chú rể cùng nhau cưa khúc gỗ thể hiện cách họ hòa hợp, đồng lòng cùng nhau trước những khó khăn trong cuộc sống tương lai.

15-31-25_4
Cô dâu, chú rể cùng cưa gỗ trong đám cưới ở Đức. (Ảnh: MulticulturalWed

Một khi gỗ đã được cưa đôi và gạo đã rải xong, đôi vợ chồng mới cưới sẽ đi tới tiệc mừng hôn lễ bằng xe hơi hoặc xe ngựa trang trí hoa.

Dải ruy băng trắng mà cô dâu mang theo được cắt thành nhiều đoạn và tặng cho các khách mời. Họ dành một đoạn ruy băng để buộc vào xe và đi tới bữa tiệc trong tiếng nhạc rộn ràng như một cách xua đuổi ma quỷ và những điều không may. Những chiếc xe đi qua sẽ bấm còi đáp lại để chúc phúc cho cô dâu, chú rể.

Ngoài ra, trong lễ cưới truyền thống của người Đức, khách mời còn tặng cho cô dâu, chú rể các bát đĩa gốm để họ đập vỡ chúng nhằm xua đuổi các linh hồn quỷ dữ. Đôi vợ chồng mới cưới sau đó phải cùng nhau dọn dẹp đống đĩa vỡ để biết được rằng việc chung sống với nhau sẽ không hề dễ dàng nhưng nếu vợ chồng hòa thuận, bất kỳ thử thách nào cũng sẽ vượt qua.
 

Ăn súp thừa trong bô

La Soupe - “ăn súp thừa trong bô” là một truyền thống đám cưới hài hước ở Pháp. Sau tiệc cưới, trong khi cô dâu, chú rể dìu nhau đến phòng tân hôn thì những người ở lại dọn dẹp bữa tiệc sẽ đổ hết tất cả thức ăn, bánh ngọt, giấy ăn thừa vào một cái bô.

Không để đôi uyên ương được tận hưởng giây phút riêng tư, khoảng một chục những người thân thiết của cặp đôi trong tình trạng say xỉn và ồn ào sẽ xông vào phòng, mang theo chiếc bô đựng mớ hỗn tạp trên. Họ sẽ không rời đi cho đến khi cô dâu, chú rể ăn hết số đồ ăn thừa này.

Người Pháp tin rằng phong tục giúp mang lại nguồn năng lượng và sức mạnh cho cô dâu, chú rể vào đêm đó. Một số người cũng cho rằng việc ăn đồ thừa đánh dấu bữa tiệc đã kết thúc và cuộc sống hôn nhân bắt đầu.

Ngày nay, món “súp thập cẩm” trên thường được thay thế bằng những quả chuối đặt ở dưới đáy bô, phủ chocolate tan chảy và champagne ở trên, nhưng rõ ràng, không ai có thể cảm thấy ngon miệng nếu được phục vụ bằng bô. Một số người hài hước còn đặt một ít giấy vệ sinh trên miệng bô.)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.