| Hotline: 0983.970.780

Những tấm lòng cao cả

Thứ Hai 04/07/2011 , 10:25 (GMT+7)

Trong khi nhiều nơi nhân cơ hội các thí sinh đi thi ĐH, CĐ để chặt chém thì vẫn còn những con người có tấm lòng cao cả giúp đỡ các thí sinh khó khăn...

Gặp PV NNVN tại khu nhà ở miễn phí của “mạnh thường quân” Phan Huỳnh Thái (số 161D/104A Lạc Long Quân, P.3, Q.11, TPHCM) trưa 3/7, hàng chục thí sinh và phụ huynh đã không giấu được sự xúc động trước tấm lòng hào hiệp của vị chủ nhà và những bạn trẻ tham gia “Tiếp sức mùa thi”…

Sau hai ngày ở trong căn biệt thự sân vườn rộng cả nghìn m2 của ông Thái, anh Nguyễn Văn Thường (quê ở Krông Ana, Đăk Lăk) có con gái Nguyễn Thị Thùy Linh (thi Trường ĐH Mở và ĐH Văn Hóa) vẫn chưa hết phấn khởi vì không ngờ “số mình lại may thế”. “Khi bước lên xe, tôi cứ lo ngay ngáy không biết rồi sẽ ở đâu, có bị người ta lôi kéo hay lừa phỉnh hay không? Nhưng đến Bến xe miền Đông TPHCM, biết chúng tôi có hoàn cảnh khó khăn, lập tức các cháu sinh viên tình nguyện đã cử người chở đến tận chỗ trọ miễn phí”. Lúc mới đến đây, hai cha con anh tá hỏa vì tưởng bị… lạc nhà vì thấy rõ ràng đây là tòa biệt thự sân vườn, có hồ nước, cây cảnh, bàn ghế đá và căn hộ to ngất ngưởng. Các bạn sinh viên phải giải thích cặn kẽ, cha con anh Thường mới yên tâm bước vào làm “thủ tục”.

Tương tự, anh Phạm Văn Đình (quê ở huyện Krông Nô, Đăk Nông) có con gái là Phạm Thị Thuận (thi trường ĐH Sài Gòn) xúc động nói: “Trước khi đi, tôi đã bán hơn 2 tấn bắp, tổng cộng được 12 triệu đồng, gia đình bắt mang hết cho cháu đi thi. Thương và hy vọng cháu sẽ đậu ĐH nên gia đình mới làm thế, chứ thú thật, xài hết chỗ này thì cả năm phải chắt bóp lại mới không thiếu trước hụt sau. May quá, khi tới TPHCM được các cháu sinh viên tình nguyện chở thẳng đến đây ở miễn phí, mà lại được ở trong biệt thự nữa chứ. Đúng là như chuyện cổ tích anh à…!”. Ngồi kế bên, anh Nguyễn Phúc Ánh (quê Buôn Mê Thuột) và anh Nguyễn Chí Trung (quê Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cũng không ngớt lời bày tỏ lòng biết ơn đối với vị chủ nhà rộng lượng. “Đi xa mà được giúp đỡ thế này, cha con tôi cảm thấy ấm lòng quá. Mừng nhất là cháu có khoảng không gian rộng rãi, thoáng mát và yên tĩnh để ôn luyện trong những ngày thi cử căng thẳng” – anh Ánh nói.

Đặc biệt, em Phan Thị Mai Huyền (quê huyện Tánh Linh, Bình Thuận) do hoàn cảnh riêng của gia đình đã phải một mình tới TPHCM để ứng thí. Huyền cho biết: “Nhà em làm độc canh cây lúa, nghèo lắm. Lúc đi thi, gia đình đã phải bán gần hết thóc trong kho để có tiền cho em lên đây dự thi trường đại học Mở và Y Dược”. Ngay khi thấy cô học trò nhỏ nhắn đơn độc một mình bước chân xuống Bến xe miền Đông, nhóm tiếp sức mùa thi lập tức ùa đến hỏi han và tình nguyện chở thẳng Huyền tới chỗ trọ đặc biệt này. “Ở đây em đã làm quen được với nhiều bạn mới như bạn Linh, Thuận, Lan, Hương, Thùy… Sáng nay (3/7), các anh chị nhóm tiếp sức mùa thi còn đến đây chở chúng em đến các điểm làm thủ tục dự thi nữa đấy!” – Huyền khoe với nụ cười rạng rỡ.

ĐỨC CƯỜNG

 

BÁC “XE ÔM” TÌNH NGUYỆN

Giữa cái nắng gay gắt buổi trưa hè ngay ngày đầu làm thủ tục tuyển sinh (3/7), tại Bến xe Miền Đông TPHCM, chúng tôi dễ dàng bắt gặp một số bác “xe ôm” tình nguyện đăng ký chở miễn phí cho các sĩ tử.

Anh Nguyễn Văn Thiện, 43 tuổi quê ở Châu Thành, Tiền Giang đã hành nghề “xe ôm” ở đây đã gần 3 năm. Lúc trước anh ở nhà làm ruộng nhưng khi cậu con trai cả đậu vào ĐH Sư phạm TPHCM, anh đã khăn gói theo con lên thành phố kiếm kế mưu sinh, nuôi con ăn học. Anh tâm sự: “Thấy các cháu SV tình nguyện năm nào cũng đến bến xe dịp thi ĐH, CĐ để giúp phụ huynh và thí sinh, tôi cũng “học” làm theo. Mình chạy xe kiếm cơm cả năm rồi, nếu có bỏ ra vài ngày chạy miễn phí giúp các cháu thì tôi sẵn sàng làm thôi. Mấy năm trước, cha con tôi cũng được các anh, các bác và các cháu SV tình nguyện giúp thế mà!”.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ  

QUÁN ĂN NGHỈ BÁN, ĐEM CƠM TẶNG THÍ SINH

Bắt đầu từ hôm qua 3/7, quán cơm 2.000 (đường số 3, cư xá Lữ Gia, Q.11, TP.HCM) treo biển tạm nghỉ bán đến hết ngày 24/7 để tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi”.

Trao đổi với NNVN, bác Lê Văn Hán, phụ trách quán cơm cho hay: Từ năm 2008 đến nay, quán liên tục bán hàng phục vụ cho sinh viên và người nghèo với giá… 2000 đồng/đĩa. Mỗi năm vào đợt tuyển sinh ĐH, CĐ quán đều kết hợp với Nhà thờ Tân Phước (phường 15, quận 11) để lo chỗ ăn ở cho khoảng 1.500 thí sinh khó khăn ở các tỉnh lên ứng thí. “Từ nay đến cuối tháng 7, quán sẽ phục vụ khoảng 10.000 suất cơm miễn phí cho thí sinh, người nhà và anh em trong đội tình nguyện tiếp sức mùa thi” - bác Hán vui vẻ cho biết.

Theo anh Vũ Trần Thiệu, nhân viên hành chính ở nhà thờ Tân Phước, trong đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, nhà thờ kết hợp với Thành đoàn TP.HCM tổ chức 3 đợt đón thí sinh về lo chỗ ăn ở miễn phí. Hiện 2 khu vực khán phòng lớn của nhà thờ được dọn dẹp sạch sẽ và đông đảo các em đã đến trú ngụ. Cụ thể, các thí sinh thi tại các trường trong khu vực quận 10 và 11 sẽ được các đội tình nguyện báo về nhà thờ và đội xe ôm của đội tiếp sức sẽ hướng dẫn đến tận nơi. “Ở đây chúng tôi tổ chức làm ba đợt, mỗi đợt đón khoảng gần 500 thí sinh từ các tỉnh tới dự thi. Nếu thí sinh ở xa, có người thân đi cùng thì chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp chỗ ở luôn cho họ ngay tại tầng hầm của nhà thờ. Cơm sáng và cơm chiều của các em do quán cơm 2.000 tài trợ miễn phí trong các ngày thi. Riêng phụ huynh cũng có thể mua phiếu ăn chỉ 2.000 đồng/phiếu để mua cơm giá rẻ tại quán” - anh Thiệu hồ hởi nói.

HÀ MINH

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất