| Hotline: 0983.970.780

Những tấm lòng lặng lẽ

Thứ Bảy 30/08/2008 , 08:45 (GMT+7)

Có hai địa chỉ khá đặc biệtthường xuyên gửi quà giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, song họ lại rất âm thầm.

“Cô gái từ thiện” Trần Thị Mỹ Hạnh

Từ khi chuyên mục "Những mảnh đời bất hạnh" ra đời, trong số rất nhiều bạn đọc gửi tiền, quà tới những nhân vật yếm thế mà báo nêu, thì có hai địa chỉ khá đặc biệt. Họ gửi thường xuyên và rất âm thầm. Phải nhiều lần... năn nỉ, họ mới đồng ý để chúng tôi gặp...

Sẽ làm từ thiện suốt đời

Là độc giả thường nhật của NNVN, cứ mỗi lần đọc trên báo thấy đăng những mảnh đời bất hạnh là em lại rất buồn, day dứt và thấy nhói tim vì xót thương. Nghĩ vậy, khi thì mở tủ, lúc lục ví lấy chút tiền dành dụm để gửi đến báo nhờ chuyển giúp tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn đó, vì nhiều lần em gửi thẳng tới địa chỉ trong báo thì bưu điện họ lại trả về… Đó là bộc bạch của chị Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1983) hiện đang công tác tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, Tân Thành, BR-VT)…

Từ TP.HCM chúng tôi tìm về ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Xuân (Tân Thành) để tìm gặp “cô gái từ thiện”. Từ nhiều năm qua, Trần Thị Mỹ Hạnh luôn thầm lặng gửi tiền để giúp cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng ít ai biết rằng, thu nhập của Hạnh cũng không phải ở mức cao, hiện nay khoảng hơn 4 triệu/tháng.

Hạnh kể, em có được may mắn là từ nhỏ đã được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, lớn lên đi học em mới biết trong cuộc sống còn biết bao nhiêu thân phận có hoàn cản rất khó khăn, bất hạnh. Lúc đó em chưa làm ra tiền nên chỉ ao ước sau này đi làm kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ và sẻ chia phần nào khó khăn với họ. Thú thực, nhiều lúc tiền lì xì hay tiền ba mẹ cho ăn quà em đều dành dụm và giấu mọi người để giúp đỡ những người lang thang đi ăn xin vì chỉ sợ ba mẹ biết sẽ la. Lúc đó em cũng không có nhiều để ủng hộ, lúc nhiều thì vài chục ngàn đồng, khi ít cũng vài ngàn nhưng em thấy rất vui vì nghĩ rằng mình cũng đã đem được một niềm vui nho nhỏ và giúp họ có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống…

Hạnh kể, sau khi tốt nghiệp đại học, cuộc sống lại mỉm cười khi được nhận làm thư ký cho giám đốc. Công việc này đã giúp cho Hạnh có nhiều kiến thức về cuộc sống cũng như chuyên môn. Nhớ ngày nhận được tháng lương đầu tiên, việc Hạnh làm đầu tiên là mua quà tặng ba mẹ và dành riêng 500.000đ để gửi tặng một trường hợp bất hạnh đăng trên báo NNVN. Lần đầu tiên gửi tặng một số tiền khá lớn, đêm về Hạnh mong người mà cô giúp đỡ không biết mặt mũi ra sao sẽ vơi đi nỗi nhọc nhằn.

Hạnh đi làm đã gần ba năm nay, hàng ngày ở cơ quan có đến cả chục tờ báo, nhưng khi bước vào phòng làm việc, theo thói quen chọn ngay tờ NNVN để đọc và rất thích vì báo có nhiều thông tin phong phú. Và cũng thật bất ngờ, chuyên mục mà Hạnh quan tâm nhất chính là “Những mảnh đời bất hạnh” ở trang Gia đình. Nói về việc làm từ thiện của mình Hạnh cho biết: “Em cũng không nhớ rõ mình đã gửi tiền làm từ thiện bao nhiêu lần, chỉ nhớ là trung bình khoảng một tháng sẽ gửi hai lần và việc này em cũng làm khá đều đặn từ khi đi làm… Lúc có nhiều tiền mỗi lần em gửi 4 - 500.000 đồng, khi không có nhiều thì em gửi một vài trăm…”. Ở cơ quan nhiều lúc các chị hỏi: “Sao thấy tên em trên báo hoài vậy?” Em chỉ cười và không nói gì. Vậy ông xã có biết và phàn nàn không? – Sau mỗi lần gửi tiền, em đều nói với ông xã là trung úy Đỗ Hoàng Mạnh (công tác tại Công an huyện Tân Thành, BR-VT) và anh ấy cũng rất đồng tình ủng hộ.

Chia tay với “cô gái từ thiện”, dọc suốt quãng đường dài hàng trăm cây số về Sài Gòn, tôi luôn thấy vui khi nghĩ lại câu nói của Hạnh: “Nếu có dịp NNVN tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn ở khu vực phía Nam thì em sẽ xung phong đầu tiên để tham dự và có lẽ em sẽ phối hợp làm từ thiện với NNVN đến khi mình không còn trên đời này…”

Kiên quyết không cho viết về mình

Trong những người hay gửi tiền cho chương trình "Chăn ấm vùng cao" hoặc "Những mảnh đời bất hạnh", có một trường hợp đặc biệt, địa chỉ gửi là số nhà 29B đường Ngô Đức Kế, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Nhưng lúc thì đề tên gửi là Kiều, lúc lại là Hạnh. Họ gửi nhiều lần, mỗi lần bạc triệu. Sau nhiều lần tìm hiểu, chúng tôi biết họ là mẹ chồng nàng dâu. Nhưng, họ đều một mực không muốn lên báo, không muốn đưa hình mặc dù chúng tôi đã năn nỉ.

Chị Phượng kiên quyết từ chối gặp mặt. Chị nói: Báo đã đăng tên chúng tôi trong danh sách là đủ để chúng tôi yên tâm là quý vị đã nhận được tiền. Và chúng tôi cũng rất yên tâm, tin tưởng quà đến được tay người cần nhận. Không phải lúc nào chúng tôi cũng có nhiều tiền để gửi nhưng chút lòng chia sẻ với những người khó khăn là chuyện nên làm. Không có gì to tát để phải gặp và viết lên báo.

Sau lần hẹn không thành, chúng tôi đường đột đến thăm tư gia của họ. Chị Phượng vắng nhà vì đã lên rẫy ở Bình Dương. Sau khi hỏi thăm, tôi vào gặp được bà Kiều, mẹ chồng chị Phượng, người cũng thường xuyên gửi tiền và quà tham gia các chương trình từ thiện của NNVN.

Bà Kiều năm nay đã 86 tuổi nhưng rất minh mẫn và vui vẻ. Nghe tôi xưng ở bản báo đến, thay mặt độc giả tỏ lòng tri ân, bà “mắng” luôn: "Đâu có gì to tát mà con phải nhọc công như vậy. Bà già rồi, ăn uống không bao nhiêu. Sáng ăn có củ khoai lang, uống ly sữa đậu nành. Trưa chút canh rau mát bụng. Chẳng còn làm ra tiền nhưng cũng chẳng tiêu tốn gì nhiều. Nên cứ mỗi khi có chút tiền là bà lại xem có ai khó khăn cần giúp"

Bà cho biết, gia đình bà 3 đời sinh ra và lớn lên ở đất Gia Định, Sài Gòn này. Chồng mất năm bà 43 tuổi. Ở vậy nuôi các con với bao cực nhọc của người làm nghề ngồi chợ bán tôm, cá. Hiện phần lớn con cháu đều cất nhà ở trên miếng đất gia đình, quây quần quanh bà. Con cháu đã trưởng thành và tất cả đều chăm sóc bà chu đáo. Bà bảo đó là cái phúc của bà.

Ngoài tham gia chương trình từ thiện với báo NNVN, bà thường tham gia khác là hỗ trợ nồi cháo cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Bà cho biết, lúc thì vài trăm ngàn hay vài ký gạo nhưng có khi chỉ đủ tiền mua 1 ký cải màn thầu để họ ăn với cháo… Biết tính thương người, ưa giúp chuyện khó của bà, nên con cháu cũng tự nguyện để bà ủng hộ nhiều chương trình từ thiện. Có nhiều người khó khăn quá nhưng bà sức già rồi, cũng chỉ giúp được nhiêu đó.

Khi tôi muốn chụp một tấm hình, bà kiên quyết từ chối: "Tiền ít bà giúp bệnh nhân bữa ăn. Khi có tiền nhiều, bà quan tâm đến hoàn cảnh bất hạnh ở vùng sâu, vùng xa. Còn nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm, chỉ tiếc sức già có hạn. Có chi đâu mà cần viết về tôi"

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất