| Hotline: 0983.970.780

Nạn tham nhũng dưới triều Nguyễn

Nhũng tệ quân tình, nhận tiền hối lộ, Phó Thượng thư Bộ Binh trả giá đắt

Thứ Tư 11/11/2020 , 14:07 (GMT+7)

Xưa nay, quân đội vẫn được coi là nơi “nghiêm quân lệnh”, vậy nhưng tệ tham nhũng dưới triều Nguyễn vẫn len lỏi vào hàng ngũ quan quân này.

Xử án quan lại tham nhũng thời xưa. Tranh minh họa: Sỹ Hòa.

Xử án quan lại tham nhũng thời xưa. Tranh minh họa: Sỹ Hòa.

Đại quan thoái hóa

Ngay một viên quan lớn như Hữu Thị lang lĩnh Hữu Tham tri Bộ Binh Nguyễn Luận cũng có những hành vi tham ô, nhũng tệ quân lính.

Tháng 1 năm Tự Đức thứ 16 (1863), thự Hữu thị lang Bộ Binh kiêm sung làm công việc Thuỷ sư Kinh thành Nguyễn Luận được thực thụ và lĩnh Hữu Tham tri Bộ Binh. Tuy làm tới Hữu Tham tri Bộ Binh là chức Phó Thượng thư (tương đương Thứ trưởng ngày nay) nhưng Nguyễn Luận lại lạm dụng chức quyền để nhũng tệ quân tình, nên ngay trong năm đó bị nguyên Chưởng ấn Đặng Huy Trứ tham hặc (hạch tội) và giao cho Tam pháp ty xét xử.

Châu bản triều Nguyễn cho biết “Nguyễn Luận đã nhiều lần can án khoản nặng” nên phải “công khai để răn đe”.

Theo nguồn sử liệu này thì Hữu Tham tri Bộ Binh Nguyễn Luận nhũng tệ nhiều khoản, khoản thì bắt binh lính làm việc riêng cho mình, khoản thì bắt binh lính nộp tiền mua các nguyên vật liệu cần dùng để xây dựng tư thất phục vụ bản thân, khoản thì nhận tiền hối lộ rồi bổ quan chức…

Bản thân Hữu Tham tri Nguyễn Luận là một đại quan, là người giúp Thượng thư Bộ Binh điều hành, xử lý công việc trong bộ vậy mà còn nảy sinh thói tệ, coi thường phép nước. Vì vậy, sau khi bị phát giác những hành vi nhũng tệ đó, Nguyễn Luận bị cách chức cho về làm dân.

Đồng thời, “viên Đô thống lĩnh Thuỷ sư Đề đốc là Vũ Phẩm, cũng vì a dua che chở, bị giáng 3 cấp phải đổi đi”.

Ngoài ra, vua Tự Đức lại “sai đem án ấy, sao lục ra, đưa khắp các doanh, vệ trong ngoài bảo xem đó để trừng răn nhau”.

Tệ tham nhũng dường như đã len lỏi vào khắp quân doanh, ngay cả viên nguyên Thống chế thuộc Doanh Vũ lâm Trương Tiến can án tham nhũng bị bãi chức. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), viên quan võ này được thăng Thự Thống chế. Tháng 10 năm Tự Đức thứ 5 (1852), Trương Tiến được thực thụ Thống chế.

Năm Tự Đức thứ 7 (1854), Trương Tiến can án tham nhũng trong quân binh. Châu bản triều Nguyễn liệt kê khá chi tiết các khoản: Phái (sai) binh lính làm việc riêng chiểu theo luật phạt 90 gậy, tư tội giáng 3 cấp, điều đi nơi khác. Phóng thả binh lính lấy 69 quan tiền, thu 23 phương gạo nên đánh 100 gậy, cho đi đầy, tư tội, theo lệ cách chức. Truy thu tiền công cộng là 212 quan 4 mạch cùng số tiền bán các tang vật 69 quan, 23 phương gạo truy thu nộp vào kho. Hàng năm sát hạch, việc xong lần lượt thu của Vệ Tuyển phong 1 là 100 quan, đánh 70 gậy, tư tội nên chuẩn giáng 2 cấp, điều đi. Tiền ấy cứ tên đó truy thu cấp trả lại cho vệ đó lĩnh nhận. Hàng năm sát hạch dự thu của bọn hạng ưu tổng số tiền là 35 quan nên đánh 70 gậy; xét là tư tội nên giáng 2 cấp, điều đi. Thu của bọn binh lính mới mộ số tiền là 24 quan nên đánh 70 gậy. Xét là tư tội nên giáng 2 cấp, điều đi. Số tiền đó truy thu cấp trả lại cho binh lính lĩnh nhận. Ở trên, Trương Tiến đã can tội 5 khoản nên theo khoản nặng cách chức.

Tuy nhiên, dù luật đề ra có nặng, xét xử có nghiêm nhưng vẫn không thể ngăn chặn hết được tình tệ nhũng lạm quân tình.

Án đọng kéo dài

Năm Tự Đức thứ 16 (1863), Điển ty Nguyễn Du bị tố giác sách nhiễu nhiều khoản trong quân. Tuy chỉ là một Điển ty của Vệ Trung bảo, nhưng Nguyễn Du đã sách nhiễu, nhũng tệ tới 17 khoản, khiến quân lính không chịu nổi mà làm đơn thì lo “tố cáo mà không được thụ lý thì Nguyễn Du càng hoành hành”, nên sau đó đành phải “ngầm đệ đơn”. Sau 6 năm xét xử, Nguyễn Du đã thừa nhận các khoản phạm tội nên bị xử chém.

Thời vua Tự Đức, các vụ án tham nhũng tồn đọng khá nhiều. Vụ án Điển ty Nguyễn Du tham nhũng xét xử tới 6 năm, thậm chí vụ án Đội trưởng Đinh Đại Tại tham nhũng thì tra xét tới hơn 10 năm vẫn chưa xong án.

Đinh Đại Tại là đội trưởng đội 8 thuộc Vệ Trung, Doanh Hổ uy. Viên này đã lợi dụng chức phận nhũng tệ quân tình, vơ vét, ăn bớt tiền bạc của binh lính để tiêu riêng. Vì vậy, năm Tự Đức thứ 21 (1868), y bị ngũ trưởng Đinh Hữu Hán và binh lính tố cáo tới 10 khoản. Trong đó, có khoản lấy ruộng của binh lính cho thuê lấy tiền và lạm chi, đến khi thiếu tiền thì bớt lương của binh đinh phụ tiêu; chặt tre của xã để dùng riêng; lấy tiền lễ tiết Đoan dương của binh lính đem tiêu riêng...

Tuy nhiên, khi phúc tra vụ án thì “Đinh Hữu Hán nguyên là người tố cáo thì xử đánh 100 gậy lưu đày mà Đinh Đại Tại lại được xử nhẹ, tình lý vụ án bị đảo ngược”. Vụ án kéo dài từ năm Tự Đức thứ 21 (1868) đến năm Tự Đức thứ 32 (1879), nhiều lần xử không thỏa đáng, mà án chưa kết được. Trong khi đó có người thì bỏ trốn, có người thì đã chết khiến vụ án khó thể tra xét đầy đủ, rõ ràng. Vì thế, vụ án về sau phần nhiều là được gia ân giảm tội.

Nhìn chung, khảo sát Châu bản triều Nguyễn cho thấy tình trạng tham ô, nhũng lạm trong quân đội khá phổ biến, từ những quan to như Tham tri, Thống chế cho tới các viên Suất đội, Đội trưởng, Điển ty. Các viên này đều lợi dụng chức vụ và quyền hành của mình để bóc lột tiền bạc và sức lực của binh lính. Tuy số tiền nhũng tệ của binh lính không quá lớn nhưng chính những tình tệ đó đã khiến quân chế không nghiêm, ảnh hưởng tới sức mạnh của quân đội triều Nguyễn.

Ảnh 1. 

Ảnh 2. Bản phúc ngày 07 tháng 6 năm Tự Đức thứ 21 (1868) của Nguyễn Tri Phương về việc binh lính trong Vệ Trung bảo 1 tố cáo Nguyễn Du nhũng nhiễu quân tình nhiều khoản. 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.