| Hotline: 0983.970.780

Những thảm họa rò rỉ chất độc: Vụ nhiễm độc thủy ngân rúng động Nhật Bản

Thứ Sáu 20/09/2019 , 08:39 (GMT+7)

Hàng nghìn người bị nhiễm độc khi một công ty hóa chất Nhật Bản xả thẳng thủy ngân ra biển, khiến cuộc đời các nạn nhân quay quắt trong đau khổ vì những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

1121045600
Bà Shinobu Sakamoto, 63 tuổi, và mẹ ngồi trên xe trên đường tới bệnh viện Minamata, tỉnh Kumamoto, hồi năm 2017. Ảnh: Reuters.

Đầu những năm 1950, người dân Minamata, một thành phố ven biển nhỏ bé, yên bình ở phía nam Nhật Bản, bắt đâu nhận thấy một số hành vi bất thường của động vật sống trong vùng. Những con mèo đột nhiên sùi bọt mép, nhảy nhót điên cuồng, kiểu như không thể tự kiểm soát hành vi, rồi lao thẳng xuống biển. Chim trên trời liên tục lao vào cửa sổ hoặc rơi xuống đất mà không rõ nguyên do. Cá nổi trắng biển, bụng trương phình lên.

Trước đó, người dân đã phải chịu đựng cái gọi là chứng bệnh Minamata, gây ra tình trạng chậm nói, cơ thể mất thăng bằng, thường xuyên vấp ngã và gặp rắc rối khi thực hiện ngay cả những công việc đơn giản như cài cúc áo hay cầm đũa.

Thủ phạm cuối cùng được phát hiện vào năm 1959. Tập đoàn hóa chất Chisso, một trong những công ty lớn nhất Minamata, đã thải thủy ngân trực tiếp ra biển sau quá trình sản xuất. Hệ quả là khiến người và động vật bị đầu độc vì ăn hải sản ở địa phương. Chisso vẫn tiếp tục xả nước thải có chứa thủy ngân xuống biển cho tới tận năm 1968. Việ làm của công ty được cho là đã khiến ít nhất 2.000 người thiệt mạng, đồng thời gây ra vô số trường hợp dị tật bẩm sinh, bệnh bại liệt cùng nhiều căn bệnh ác tính khác.

Shinobu Sakamoto mới chỉ 15 tuổi khi bà rời căn nhà của mình ở Minamata để tới Stockholm, Thụy Điển, kể cho thế giới nghe những câu chuyện kinh hoàng của các nạn nhân bị ngộ độc thủy ngân.

45 năm sau, vào tháng 9/2017, bà lại lên đường, lần này là tới Geneva, Thụy Sĩ, dự một cuộc họp của các bên từng ký tên trong hiệp ước toàn cầu đầu tiên về kiềm chế ô nhiễm thủy ngân, theo Reuters.

Sakamoto là người sống sót sau thảm họa ngộ độc thủy ngân Hinamata năm xưa. Việc dung nạp thủy ngân vào cơ thể khiến não và hệ thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng. Các triệu chứng trở nên tồi tệ theo tuổi tác, khiến không ít nạn nhân phải đau đáu với câu hỏi ai sẽ chăm sóc họ nếu anh chị em, cha mẹ đều đã qua đời cả, trong khi những ngươi khác phải đối mặt với các cuộc cạnh tranh, kiện tụng pháp lý triền miên.

“Nếu tôi không nói gì, sẽ không có ai biết về chứng bệnh Minamata”, Sakamota cbo biết. Bà là một trong số ít những người sinh ra với căn bệnh mà đến giờ vẫn còn khả năng nói. “Có vô số vấn đề và tôi muốn tất cả mọi người đều phải biết”.

Theo số liệu từ Bộ Môi trường Nhật Bản, trong số 3.000 nạn nhân được xác nhận mắc bệnh Minamata, chỉ có 528 người sống sót. Hơn 20.000 người khác vẫn đấu tranh nhằm được công nhận là nạn nhân để có thể hưởng những đền bù hợp pháp.

“Chúng ta cần nghiêm túc thừa nhận thực tế là vẫn còn rất nhiều người đang giơ tay”, quan chức Bộ Môi trường Koji Sasaki nói, đề cập tới những nạn nhân đang nỗ lực đấu tranh để được thừa nhận.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề đóng tàu, căn nhà của bà Jitsuko Tanaka, 66 tuổi, nhìn ra vịnh Minamata. Lúc còn nhỏ, bà thường xuyên ra biển chơi với chị, nhặt và ăn sò, không biết rằng chúng bị nhiễm thủy ngân.

Khi Tanaka gần ba tuổi, chị bà 5 tuổi, hai chị em đột nhiên mất khả năng di chuyển đôi tay theo ý muốn và không thể đi như người bình thường. Họ là những người đầu tiên bị xác định nhiễm bệnh Minamata.

Chị gái Tanaka qua đời khi lên 8 tuổi. Bà thì sống sót nhưng chất độc khiến bà quá yếu, không thể tự do đi lại nếu thiếu sự hỗ trợ. Vài năm trước, gia đình bà cho biết ngay cả việc đi lại giờ đây cũng trở thành điều bất khả thi.

2121045694
Bà Jitsuko Tanaka đã mất khả năng đi lại vì căn bệnh Minamata. Ảnh: Reuters.

Trong lúc Tanaka nằm bất động, vô hồn trên giường, anh rể bà, cũng là một nạn nhân nhiễm độc thủy ngân, cho biết ông rất lo lắng cho những bệnh nhân bị bỏ lại phía sau khi các thành viên trong gia đình họ đã qua đời hết.

“Tôi chết đi rồi thì ai sẽ chăm sóc bà ấy”, ông Yoshio Shimoda, 71 tuổi, nói.

Hơn 6 thập kỷ sau khi căn bệnh Minamata được xác định vào năm 1956, cuộc đấu tranh nghiệt ngã của các nạn nhân vẫn tiếp diễn.

Trước thời điểm chính phủ Nhật Bản công bố methyl thủy ngân là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh vào năm 1968, những nạn nhân mắc bệnh luôn phải đối diện với thái độ xa lánh, kỳ thị của mọi người xung quanh vì lo sợ nó có thể lây nhiễm. Điều này khiến không ít người từ bỏ nỗ lực đấu tranh tìm kiếm sự công nhận hợp pháp.

Theo Hirokatsu Akagi, giám đốc Phòng thí nghiệm Thủy ngân Quốc tế Minamata, nhiều người vẫn gửi những cuộn dây rốn hàng chục năm tuổi tới cơ sở của ông để kiểm tra xem chúng có bị nhiễm độc thủy ngân hay không.

Sakamoto, bị nhiễm độc lúc vẫn còn trong bụng mẹ, tự nhận lấy cho mình trọng trách phải cảnh báo thế giới về sự nguy hiểm của thủy ngân.

“Căn bệnh Minamata chưa chấm dứt. Nó không phải một phần của quá khứ”, bà nhấn mạnh.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.