| Hotline: 0983.970.780

Những thân phận bi đát ở Phiêng Cành

Thứ Sáu 22/03/2013 , 10:27 (GMT+7)

Từ ngày chính quyền cấm trồng cây thuốc phiện, để có thuốc phiện hút, mỗi năm bà Cứ Thị Xớ (75 tuổi) ở bản Phiêng Cành, xã Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La) vào rừng khoảng 6 tháng để trồng cây thuốc phiện.

Từ ngày chính quyền cấm trồng cây thuốc phiện, để có thuốc phiện hút, mỗi năm bà Cứ Thị Xớ (75 tuổi) ở bản Phiêng Cành, xã Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La) vào rừng khoảng 6 tháng để trồng cây thuốc phiện.

>> Chính quyền ''ngạc nhiên''!
>> Đột nhập ''vựa'' cây thuốc phiện lớn ở Tây Bắc

Người đàn bà 30 năm nghiện

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Tân Lập, năm 2012 trên địa bà xã có 157 người nghiện, tái nghiện. Trong đó, người nghiện lâu năm (trên 70 tuổi) với khoảng 20 người không bỏ được, do đó vào mùa họ vào rừng sâu dựng lán trại để trồng thuốc phiện. Số người này chủ yếu là người dân tộc Mông tập trung ở bản Tả Phình và Phiêng Cành.

Ông Hà Văn Huynh, Trưởng công an xã Tân Lập, cho biết: Trong số người nghiện lâu năm ở xã có bà Xớ là đặc biệt nhất; bà thường vào rừng lén lút trồng thuốc phiện, xã đã phá bỏ nhiều lần nhưng vẫn tái diễn. Ngoài bà Xớ hút thuốc phiện còn có hai người con trai nghiện lâu năm; cả hai người được đi cai nghiện nhưng rồi lại tái nghiện. Cũng vì thế, vào mùa, bà lại trốn vào núi lén lút trồng, phần thì để bà hút, phần cho con hút.


Căn nhà xiêu vẹo của bà Xớ

Chúng tôi rời ủy bản xã Tân Lập trời đã về chiều, cũng là lúc bà con dân bản Phiêng Cành từ nương kéo nhau về bản. Gặp người dân nơi đây hỏi nhà bà Xớ, ai cũng biết, họ còn bảo: Bà ấy "sở hữu" nhiều cái nhất. Nào là nghèo nhất, mấy đứa con nghiện hết. Nhà bá Xớ nằm giữa bản, vào đó, thấy nhà nào xiêu vẹo, trong nhà trống huếch chính là nhà bà ấy đấy.

Chúng tôi tìm đến nhà cũng là lúc bà Xớ đang vật vã trên giường. Sau chừng 15 phút bà tỉnh táo, cuộc chuyện trò mới bắt đầu.

Bà Xớ đã nghiện hơn 30 năm, chồng bà chết do nghiện thuốc phiện. Hoàn cảnh gia đình bà Xớ vô cùng nghèo khổ. Bà có 4 người con, ba trai, một gái.


Bà Xớ bên điếu hút thuốc phiện

Đứa con trai đầu là Hờ A Tếnh cũng vì hút thuốc phiện đã qua đời. Hiện bà sống với người con trai Hờ A Chu (30 tuổi) dưới mái nhà hai gian được Nhà nước hỗ trợ xây dựng. Chu cũng chẳng khác gì mẹ, đã nghiện hơn 10 năm. Người con đầu bà Xớ là Hờ A Dua (41 tuổi) cũng nghiện hơn 15 năm nay. Năm 2009, Dua được xã cho đi cai tại Trung tâm Lao động xã hội tỉnh Sơn La. Cắt nghiện được một thời gian, ấy vậy mà khi trở về địa phương, Dua lại tái nghiện. Giữa năm 2012, xã lại đưa Dua đi cai nghiện tại Trung tâm Lao động tỉnh Sơn La.

Mỗi năm bà Xớ “tu” ở rừng sâu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau mới về. Bà ăn uống qua ngày nhờ vào việc tiếp tế của con, cháu. Nhưng do gia đình con cái cũng nghèo nên cả tháng trời người thân mới mang cho được vài kg gạo và ít muối trắng, mì chính nấu canh rau rừng. Tôi hỏi bà: Ăn uống như vậy làm sao sống được? Bà Xớ cười: “Vào đó trồng thuốc phiện mình có thuốc hút không cần ăn cũng được mà. Già rồi ăn ít lắm, mình có thuốc hút là sống thôi!”.

Cầm điếu thuốc phiện trên tay, bà Xớ nói: Năm này mình trồng được một nương ở khu vực núi Bãi Lau, mới chích lấy nhựa được một lần thì cán bộ xã vào phá rồi. Năm nay chỉ hút được vài tháng là hết, không có thuốc hút nữa chắc mình chết thôi. Mình già chết cũng được nhưng thằng con mình đang còn trẻ mà không có thuốc, nó dễ chết theo tôi lắm.


Thuốc phiện hết, bà Xớ dùng xái hút đi hút lại

Thuốc phiện khan hiếm, để có hút lâu dài, mỗi ngày bà Xớ hút đi, hút lại xái thuốc nhiều lần. Nhìn vào điếu thuốc của bà Xớ là một đống xái màu đen nhưng bà không vứt đi. Tôi nói: Sao không dọn cho sạch sẽ, bà cười: Không dọn đâu, cứ để vậy, khi nào lên cơn mình lại lấy hút, mình hút rồi con mình nữa.

Sống dật dờ

Giống mẹ, người con út của bà Xớ là Hờ A Chu cũng không thể thiếu thuốc phiện. Năm 2010, Chu được đưa lên Trung tâm Lao động tỉnh Sơn La cai thuốc. Tại đây các bác sĩ phát hiện Chu bị suy thận mãn tính, sức khỏe yếu, nếu cai nghiện, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, Chu được trả về địa phương để chữa trị bệnh, khi nào bệnh khỏi thì mới cai được.


Hờ A Chu nghiện thuốc phiện nhưng sức khỏe yếu nên không thể cai được

Tôi hỏi Chu, thế có trồng thuốc trong núi không? Chu cười: Em không dám đâu, trồng bị công an bắt bỏ tù. Tôi hỏi tiếp: Thế lấy thuốc đâu để hút? Chu không trả lời.

Sao không chữa bệnh để cai nghiện?, tôi hỏi. Vợ Chu, chị Vàng Thị Nụ, nói: Có tiền đâu cán bộ, nhà có hơn 100 gốc mận thì nó (Chu) đã bán lấy tiền hút thuốc phiện rồi. Có hơn 1 ha nương ngô, nó cũng bán để mua thuốc hút. Đất không có, cuộc sống qua ngày hai vợ chồng đi làm thuê, ở bản có nhà nào thuê cuốc đất, làm cỏ thì có gạo ăn, còn không ăn rau rừng thôi.

Được xếp vào danh sách con nghiện lâu năm, chúng tôi tìm đến nhà ông Tráng A Páo (80 tuổi) ở bản Phiêng Cành. Tìm đến nhà ông Páo, trước nhà có mấy người, chúng tôi hỏi: Ông Páo có nhà không, ai cũng trả lời “chí pâu” (không biết), trong khi chúng tôi nhìn qua cửa thì thấy một người già ở trong nhà. Biết người thân của ông nói dối, chúng tôi quay lại nhà trưởng bản Tráng A Cơ nhờ ông dẫn đến. Khi trình bày câu chuyện, trưởng bản Cơ cho hay: Các chú là người lạ, họ tưởng công an đến bắt ông ấy mà. Ông Páo hiện vẫn trốn vào núi trồng thuốc phiện để hút nên con cháu nói dối đó.


Đồ nghề hút thuốc phiện

Ông Hà Văn Huynh, Trưởng công an xã Tân Lập, cho biết: Với những đối tượng nghiện lâu năm, xã cũng bất lực. Việc tái trồng cây thuốc phiện chủ yếu là những đối tượng này lén lút trồng lấy thuốc hút. Để phát hiện được nơi trồng rất khó, có những nơi đi 4 - 5 ngày đường mới đến nơi, trong khi lực lượng cán bộ xã ít, công việc nhiều nên không thể phá hết.

Nhờ sự có mặt của trưởng bản Cơ, chúng tôi tiếp xúc với ông Páo, cuộc trò chuyện bằng tiếng Mông, ông Cơ làm phiên dịch. Tôi hỏi: Ông nghiện lâu chưa, có trồng thuốc phiện nữa không? Ông Páo nói: Mình nghiện lâu rồi, không nhớ nữa đâu. Mình được Nhà nước cho đi cai nghiện mà không cai được. Giờ không có thuốc là chết! Mình phải lên núi trồng thuốc phiện thôi.

Tôi hỏi tiếp, thế trồng ở đâu? Ông Páo đáp: Không nói đâu, nói cho cán bộ đến phá à! Cán bộ về đi, đừng hỏi mình nữa! Phá cây rồi lấy gì mà hút?

Thấy ông Páo già yếu như thế, tôi đem những thắc mắc hỏi ông Cơ: Ông Páo đi lại khó khăn, ông ở trên rừng ăn cái gì? Ông Cơ bảo: Con cháu ông đem lương thực mà, cứ vài tuần họ lại mang gạo, mắm muối cho ông. Những người như ông Páo thì cần gì ăn, có thuốc phiện là họ sống à! Đã nhiều lần cán bộ xã, bản đến vận động, khuyên bảo nhưng ông ấy không bỏ được, còn đi cai như Páo thì không đủ sức khỏe để chống chọi lúc lên cơn. Do đó, họ trả ông về không chết mất.

Rời xã Tân Lập, rời nhà bà Xớ, thấy bữa ăn chỉ có rau rừng, ngô độn cơm khiến chúng tôi xót xa. Chúng tôi gửi cho bà ít tiền làm quà. Cầm tiền trên tay, bà Xớ cười: Cảm ơn cán bộ, từng này mua thuốc được mấy lần hút. Già rồi ăn ít lắm, có thuốc là sống mà.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.