| Hotline: 0983.970.780

Những tiếng kêu cứu giữa biển nước

Thứ Bảy 06/10/2007 , 14:18 (GMT+7)

Sau hơn 2 giờ nỗ lực tiếp cận với đoạn đê sông Bưởi (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá), được nhiều người dân cho là đã vỡ, 5h30 phút sáng nay 6/10, chúng tôi cũng đã đến được nơi cần đến. Thực tế tại hiện trường còn hơn tất cả những gì chúng tôi tưởng tượng.

Hình ảnh lũ hoành hành ở miền Trung
Thanh Hoá: Lũ cao nhất trong 34 năm qua
Thủ tướng yêu cầu di dân khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Lũ lịch sử trên sông Chu húc vỡ đập Cửa Đạt

Trước đó, hai người đưa đường tốt bụng dẫn nhóm PV đi theo một con đường "không ai điên mà dám lên đó giờ này", như chính họ nhận xét về sự nhiệt tình thái quá của mình. Khi đứng trên đỉnh đồi Lau, tiếng nước xé ầm ầm cách đó hơn cây số đã làm cho tinh thần "quyết tìm đến nơi" của chúng tôi được củng cố. Lại gần hơn nữa, những tiếng gào thét kêu cứu xé họng của hàng trăm người dân xã Thành Kim (Thạch Thành, Thanh Hóa) lại làm chúng tôi bàng hoàng trong phút chốc.

d
Đoạn đê sông Bưởi bị vỡ

Trước đó nữa, vào lúc 2h30 sáng, khi chúng tôi tiếp cận được với Thị trấn Kim Tân, cũng chính là lúc cả thị trấn thủ phủ của Thạch Thành này hoảng loạn với tin đê vỡ. Xác minh qua điện thoại, Chỉ huy trưởng Huyện đội Thạch Thành Lê Huy Vân vẫn khẳng định: nước chỉ mới tràn qua đê!

Nhưng tất cả những người dân không nghĩ thế. Họ nghe tiếng nước xé ầm ầm vùng ngoài đê, và nước trong thị trấn, tuy không chảy xiết, nhưng lên nhanh trong từng giây. Họ vừa giúp nhau chuyển đồ đạc lên đồi cao, vừa í ới gọi nhau liên tục để kiểm soát sự an toàn trong màn đêm dày đặc nước và cả rắn rết trôi từ thượng lưu xuống. Đâu đó, trong đêm tối có những tiếng la thất thanh cảnh báo có rắn. Đó là một cảm giác kinh hoàng mà rất ít người từng trải qua.

Chúng tôi, trong khi tác nghiệp, vẫn cứ vừa tường thuật qua điện thoại, vừa đi giật lùi lên... núi. Nước lên ngày một nhanh.

Chính lời khẳng định "nước chỉ mới tràn qua đê" của ông Vân, khiến chúng tôi quyết tâm phải vượt hai quả đồi trong hơn 2 giờ đồng hồ để chứng thực sự cố trên đê sông Bưởi. 

Tại đây, trên đoạn đê dài hơn 1 km tính từ chân đồi Lau, hàng trăm người dân la hét lạc giọng cùng với trâu, bò, lợn, gà, chó, thỏ ..
Đoạn đê vỡ dài gần 100m, tại thôn 4 Tây Sơn, xã Thành Kim. Nước ầm ầm như thác đổ. Không thể tưởng được một cảm giác gì giống với cảm giác của cả nhóm PV thời điểm đó. Những ngôi nhà chưa kịp trôi hết, bị dòng lũ cuốn phăng đi. Phũ phàng như cuốn một khúc củi mục. Những chú lợn vẫn còn kịp kêu éc những tiếng cuối cùng, trước khi chìm hẳn dưới xoáy nước.

Nhưng, thê thảm nhất, vẫn là những người dân phía trong đê sông Bưởi. Chị Phạm Thị Trang, vẫn chưa hết bàng hoàng sau hơn 3 giờ đồng hồ đê vỡ: "Khi bộ đội đang đắp bao cát lên đây, vợ chồng tôi đã bế đứa con nhỏ lên đê đứng. Một lúc sau thì không thấy chồng đâu nữa. Lúc đó, khoảng 11h đêm. Bộ đội cũng đã về hết, họ nói, đê không cứu được nữa. Cứ thế cho đến khoảng gần hai giờ sáng, bỗng nghe ào một tiếng như sập trời, rồi tiếng nước chảy ầm ầm xé tai. Nhà tôi, trời ơi, ở ngay dưới chân đoạn đê bị vỡ. Nhà thì trôi rồi, nhưng bây giờ, chồng tôi vẫn chưa về".

Có 3 ngôi nhà ở ngay dưới 100mét đê vỡ bị cuốn phăng hoàn toàn. Tại đó, dưới dòng nước xoáy, chỉ còn duy nhất 1 gốc mít và 1 bụi tre còn phất pha phất phơ, như những cánh tay.

Nhiều người dân vừa khóc vừa đến mượn PV bật lửa để nhóm lửa sưởi ấm. Họ, kể từ khoảng 3h sáng nay, đã luôn phải vật lộn trên dòng lũ để chuyển ít ỏi đồ đạc có thể chuyển lên đê.
Anh Ngô Văn Thu, thôn 2 Tân Sơn (Thành Kim) giận dữ: Từ 10h, họ (chính quyền địa phương) luôn luôn thông báo rằng đê sông Bưởi bị tràn nước. Họ có cảnh báo vỡ đâu mà chúng tôi biết để di dời? Họ chỉ thông báo trên loa phóng thanh, là nhân dân cần tìm nơi tránh lũ. Thông báo như thế, vào lúc nửa đêm, làm sao chúng tôi đối phó kịp?

Anh Lê Văn Phúc, biên chế của đội dân quân tự vệ xã Thành Kim cho biết: "Không thể tưởng tượng nước lên nhanh thế nào đâu. Tôi bấm đồng hồ: cứ 3 phút, nước lại lên được 10cm. Nhanh như thế, thì có cả nghìn quân cũng không thể ứng cứu được".

Khi chúng tôi tiếp cận được với đoạn đê vỡ, thì trên đê, lúc đó hầu như không có bất cứ một quan chức nào của huyện, tỉnh hay thậm chí cấp xã. Hỏi những người dân trực tiếp vật lộn với lũ suốt đêm, họ trả lời rằng, từ khi đê vỡ đến nay, chưa hề thấy bóng một cán bộ nào ngoài cán bộ cấp thôn đang phải oằn mình chống chọi lũ trong chính nhà mình.

Ông Mai Ngọc Quang, Phó thôn Tân Sơn chỉ chỗ sủi tăm nơi mái ngói bị ngập sát triền đê: "Đó, cái công nông nhà tôi bây giờ vẫn sủi tăm đó. Có đưa lên đây được cái gì đâu anh. Đến cái nồi nấu cơm cũng không kịp bốc lên mà nấu bát mỳ tôm bà con sẻ cho".

7h11 phút sáng nay, hàng trăm người dân, trong đó có cả những cụ già 70-80 tuổi, vẫn đang gào đến đứt hơi trên mái nhà. 

Theo VNN

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.