| Hotline: 0983.970.780

Những tiếng thở dài giữa lòng hồ Dầu Tiếng

Thứ Năm 25/08/2011 , 09:42 (GMT+7)

Nguyên nhân chính khiến họ quay về là khi rời đảo Nhím, họ bỗng nhiên trở thành người “ba không”: Không nhà cửa, không đất sản xuất, không tiền.

Đảo Nhím là một trong số 4 hòn đảo trong lòng hồ Dầu Tiếng. Sự trù phú của đảo Nhím đã thu hút hàng trăm hộ dân tìm đến lập nghiệp, dần dần hình thành đơn vị hành chính là ấp Suối Nhím, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Nhưng nay họ phải “nhường” hòn đảo xanh tươi này lại để xây dựng một phim trường. Còn họ phải đến khu TĐC trong cảnh “người cày không có ruộng”. 

Như chưa hề có cuộc…di dân 

Nhằm đảm bảo môi trường sinh thái lòng hồ, năm 2002, tỉnh Tây Ninh có kế hoạch di dời các hộ dân sống trên đảo Nhím về ấp Đồng Kèn, xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Nhưng sau đó, một số nhà đầu tư đã ra đảo khảo sát với ý định phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì những dự án này đã không thực hiện được.

Năm 2009, lại có dự án xây dựng đảo Nhím thành một phim trường tầm cỡ quốc tế do Tập đoàn An Viên làm chủ với tổng kinh phí đầu tư dự kiến lên tới 3.500 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn và đã được tỉnh Tây Ninh phê duyệt. Chính vì những sự thay đổi này mà sau 9 năm, công tác giải toả, đền bù vẫn chưa xong! 

Những hình ảnh đầu tiên khi bước chân lên đảo

Về mặt hành chính, ấp đảo Suối Nhím đã giải thể từ lâu, các hộ dân trên đảo đã có khu TĐC. Nhưng khi lên đảo, chúng tôi vẫn thấy một xóm đảo đông vui, nhộn nhịp tiếng nói cười, tiếng trẻ nô đùa…như không có chuyện buồn sẽ phải ra đi. Đa số những người này xưa kia là công dân của đảo Nhím, sau khi về khu TĐC, họ lâm cảnh thiếu đói vì không có đất sản xuất, phải phiêu bạt khắp nơi làm thuê mà đói vẫn hoàn đói. Và, con đường cuối cùng họ chọn là quay trở về đảo Nhím, sản xuất trên đất cũ của mình. Đa số họ trồng khoai mì, thu về 25 - 30 triệu/hécta/vụ.

Những người dân chúng tôi tiếp xúc trên đảo cho biết, hiện nay khoảng hơn 90% số dân di dời đã quay trở lại đảo Nhím. Nguyên nhân chính khiến họ quay về là khi rời đảo họ bỗng nhiên trở thành người “ba không”: Không nhà cửa, không đất sản xuất, không tiền.

Ông Trần Thanh Hồng, 76 tuổi, một trong số những người đầu tiên ra Suối Nhím lập nghiệp nói: “Ngày xưa gia đình tôi từng rất nghèo, phải chạy ăn từng bữa. Sau khi ra Suối Nhím thì hết nghèo, không còn lo miếng ăn manh áo nữa mà còn sắm máy cày, máy phát điện. Hiện nay, nếu tính cả đất bán ngập thì tôi có hơn 15 ha, đàn trâu bò ngót trăm con, chưa kể đàn gà, vịt, ngỗng vài trăm con nữa. Có được thành quả như hôm nay là kết quả của hơn 20 năm lao động cật lực chứ không phải tự nhiên mà có. Chúng tôi đã đổ biết bao mồ hôi công sức xuống đây, chỉ mong sao thoát khỏi cảnh nghèo. Tài sản của gia đình tôi bây giờ tính sơ sơ cũng vài tỷ. Vậy mà họ đưa chúng tôi về khu TĐC chỉ với 1 công đất làm nhà ở cho một gia đình hơn chục người. Như vậy là cuộc đời chúng tôi trở lại cái nghèo như xưa?”.

Mai này sẽ đi đâu? 

Không có con số thống kê cụ thể nhưng theo họ thì hiện nay gần như tất cả những người đi TĐC đã quay trở lại đảo làm ăn, khoảng 2/3 số này vì khó khăn cùng đường nên buộc phải sang nhượng lại phần đất mới được cấp TĐC với giá rẻ mạt trước khi “hồi cư”. “Trên đảo, nhà nào cũng trên dưới 10 nhân khẩu, vậy mà khi xét cấp đất tái định cư, tất cả chỉ được tính một hộ và được cấp một nền nhà, không có đất sản xuất thì làm sao sống?”, ông Hai Hồng nói.

Anh Trần Thanh Phong, SN 1972, công dân trên đảo từ năm 1988, bức xúc nói: “Cơ sở hạ tầng ở khu TĐC chưa xong, muốn có một nền nhà hoàn chỉnh để xây phải đổ vài trăm xe đất. Nếu không đổ đất, chỉ san phẳng rồi xây lên thì mùa mưa phải “bơi” trong nhà vì nước ngập. Bên đó mặc dù đã có đường, điện, cơ sở y tế, trường học, nhưng đối với người nông dân sống nhờ mảnh ruộng như chúng tôi, cái cần đầu tiên là đất sản xuất. Không có đất sản xuất thì không có cơm ăn, áo mặc, không có tiền cho con cái học hành… lúc đó thì trường học, điện, nước cũng chẳng để làm gì”.

Anh Lê Văn Phò, 42 tuổi nhớ lại: “Tôi chấp hành lệnh di dời sang khu TĐC, nhưng sang bên đó cả 2 vợ chồng tôi và 4 đứa con không có đất sản xuất nên tôi đi bán vé số, còn vợ con thì đi khắp nơi tìm việc làm thuê. Nhưng càng ngày càng thiếu đói trầm trọng. Cũng may năm nay tôi ra đảo trồng được hơn 2 héc ta khoai mì, thu về hơn 70 triệu, chứ nếu không chắc đi ăn mày hết rồi”.  

Anh Lê Văn Phò, người sau khi rời khỏi đảo không có đất SX, phải đi bán vé số

 “Thực hiện dự án di dời người dân trên đảo Suối Nhím, huyện đã bố trí TĐC cho người dân đầy đủ theo qui định. Sau khi giao đất TĐC, họ ở hay bán cho người khác là việc của họ. Không có chuyện người dân quay lại tái chiếm đất sản xuất trên đảo, bởi phần đất gò (phần được bồi thường) đã giao hết cho Tỉnh đội quản lý và trồng rừng. Họ chỉ quay lại tận dụng phần đất bán ngập, là phần đất Nhà nước không thu hồi, không được bồi thường. Hiện trên đảo Nhím còn mấy hộ chưa chịu di dời, chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện cưỡng chế. Còn dự án phim trường trên đảo thì mới chỉ là chủ trương chung của tỉnh, đến nay chưa khởi động. Việc thực hiện dự án này còn… mơ hồ lắm”,ông Nguyễn Minh Vương, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Dương Minh Châu.

Khi chúng tôi hỏi: Mai mốt khi các dự án chính thức khởi động thì đi đâu? Tất cả những người dân quay lại đảo Nhím trái phép đều lắc đầu: “Chúng tôi chưa biết, lúc đó chắc phải vạ vật tha phương đi tìm chỗ làm thuê, đắp đổi qua ngày, lại trở về cái thuở hàn vi chứ biết làm gì?”.

Trong Quyết định số 526 ngày 17/5/2002 của UBND tỉnh Tây Ninh về phê duyệt dự án di dời, bồi thường cho các hộ dân các ấp đảo trong lòng hồ, nêu rõ: “Di dời, bố trí đất TĐC, đất sản xuất ở địa điểm mới cho người dân trên đảo Nhím”. Tuy nhiên, quyết định này đã không đến tay người dân. Sau rất nhiều đơn thư khiếu nại của người dân, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc.

 Trong báo cáo số 495, ngày 16/3/2007 của Thanh tra Chính phủ ghi rõ: “Tỉnh cần tạo điều kiện cho các hộ dân đã chuyển đến khu TĐC có đủ đất sản xuất, vì hầu hết đất của các hộ dân bị thu hồi trên đảo Nhím là đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, đất ở khu TĐC cấp cho các hộ dân chủ yếu là đất ở (không có hoặc rất ít đất sản xuất), không được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, vốn sản xuất (khu TĐC xa trung tâm, hạ tầng cơ sở chưa hoàn chỉnh), người dân không biết làm gì để sống nên cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn (nhiều hộ không có tiền để dùng điện, nước sạch)".

Ngày 16/10/2007, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5910 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu UBND tỉnh Tây Ninh cần thực hiện những nội dung kiến nghị trong Báo cáo 495 của Thanh tra Chính phủ, đồng thời giao Thanh tra Chính phủ tiếp tục kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn UBND tỉnh Tây Ninh giải quyết các vấn đề cụ thể nhằm ổn định tình hình tại địa phương. Tuy nhiên, nội dung những văn bản này đến nay vẫn chưa được chính quyền huyện Dương Minh Châu xem xét, thực hiện.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.