| Hotline: 0983.970.780

Những tín hiệu tích cực từ Quảng Ngãi

Thứ Tư 27/11/2019 , 08:48 (GMT+7)

Dự án “Không còn nạn đói” ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đang từng bước thay đổi đời sống của người dân.

Gia cầm được cấp từ dự án của người dân xã Sơn Long đang phát triển tốt.

Bên cạnh đó, nhận thức về vấn đề sử dụng thức ăn đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày của người dân cũng được nâng lên.
 

Mục tiêu xây dựng chương trình bền vững

Trước khi được lựa chọn làm thí điểm mô hình nông nghiệp dinh dưỡng, người dân thôn Ra Manh với đa phần là đồng bào dân tộc Ca Dong sinh sống thường xuyên đối mặt với nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Cuộc sống quanh năm bên nương rẫy nhưng nhiều lúc vẫn không đủ ăn. Vậy nên, khái niệm ăn đủ chất dinh dưỡng hàng ngày đối với họ dường như còn quá xa lạ.

Khi dự án về với bà con nơi đây, người dân còn khá bỡ ngỡ. Với con gà, con vịt thì trước đây một số hộ dân trong thôn cũng đã từng nuôi nhưng nuôi cách nào và cho ăn như thế nào thì lại là một câu chuyện khác.

Chị Đinh Thị Đeo (trú thôn Ra Manh) cho biết, trước đây gia đình chị cũng có nuôi gà nhưng chỉ nuôi một vài con. Lúc nào không có gì ăn thì bắt làm thịt. Trứng thì gà đẻ được chừng nào lấy chừng đó. Khi trong nhà còn thức ăn thì để lại cho ấp.

“Tham gia dự án này, tôi được cấp gà, cấp vịt và hướng dẫn cách nuôi chứ không còn thả tự do được con nào mừng con đó như trước nữa. Gà nuôi theo cách của chương trình cũng lớn nhanh lắm. Mới nuôi gần 3 tháng mà mỗi con đã hơn 1kg rồi. Nhìn đàn gà, vịt như thế người dân chúng tôi vui lắm. Sắp tới gà đẻ có trứng ăn, rồi còn có gà để làm thịt cải thiện bữa cơm gia đình”, chị Đeo chia sẻ.

Cũng giống như chị Đeo, gia đình anh Đinh Văn Bốt được nhận hỗ trợ gà và vịt từ dự án với 25 con gà Ai Cập và 25 con vịt xiêm. Hiện nay, đàn gà, vịt của anh Bốt đang phát triển rất tốt. Nếu như trước đây, anh Bốt nuôi gà với số lượng ít và mỗi khi chuyển mùa thường bị thiệt hại do dịch bệnh thì bây giờ gia đình anh được hướng dẫn thêm kỹ thuật phòng trị bệnh. Tỷ lệ hao hụt giảm đi đáng kể.

10-48-40_2
Người dân được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi đạt hiệu quả.

“Dự án này giúp bà con biết thêm nhiều thứ lắm. Ngoài cách nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm làm tăng hiệu quả sản xuất thì chúng tôi còn biết thêm cách sử dụng các sản phẩm mình làm ra như thế nào cho hợp lý. Qua dự án, chúng tôi còn được hướng dẫn cách ăn uống đảm bảo dinh dưỡng rồi bảo quản, dự trữ thức ăn đề phòng những khi thiếu thốn nữa”, anh Bốt nói.

Theo bà Hoàng Thị Thu Giang, thư ký chương trình “Không còn nạn đói” tại xã Sơn Long thì thời điểm thực hiện dự án tại địa phương này gặp phải phải một số khó khăn như thời tiết không thuận lợi. Vừa qua, trong thôn cũng đã xảy ra một số loại bệnh dịch nhưng được hướng dẫn về kỹ thuật phòng trị nên gà, vịt vẫn phát triển tốt, ít bị thiệt hại.

“Dự án triển khai đến thời điểm này đã đi đúng hướng. Ngoài ra, trong nội dung của chương trình là đảm bảo dinh dưỡng, chúng tôi còn hướng dẫn bà con trồng thêm các loại rau để đối ứng, góp phần cải thiện bữa ăn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng”, bà Giang nói.
 

Bên cạnh những gì mà dự án đã làm được tại xã Sơn Long thì để những mô hình này đảm bảo được tính bền vững cũng như lan rộng hiệu quả, chính quyền địa phương cho rằng, cần có thêm những giải pháp. Trong đó phải chú trọng đến công tác nhân rộng đàn. Có thể hướng dẫn cho những hộ dân lựa chọn những con gà đẹp làm giống. Sau đó thành lập 1 nhóm hộ mua máy ấp trứng (khoảng từ 70 - 100 trứng) và hướng dẫn cho bà con cách sử dụng.

Kinh nghiệm các nước

Chứng kiến dự án tại xã Sơn Long, đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, so với Việt Nam, ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã thực hiện các chương trình không còn nạn đói theo những cách khác nhau.

Ví dụ như ở Indonesia, người dân nước này cũng nuôi gà vịt để lấy trứng cung cấp dinh dưỡng cho bữa ăn hàng ngày. Cùng với đó, một phần sản phẩm thừa từ các loại gia cầm mà họ nuôi được bán đi rồi mua cá về ăn.

“Việc bán sản phẩm nuôi được ở Indonesia không hoàn toàn theo chuẩn mô hình nông nghiệp lồng ghép với dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây cũng là một cách làm có thể bảo đảm được hàm lượng đạm từ sản phẩm cá mà họ mua về”, đại diện Tổ chức FAO nhận định.

Ông Md Mofizur Rahman, chuyên viên chính sách của Tổ chức FAO nói thêm, tại đất nước Afghanistan, ông đã quan sát đối với phát triển nông nghiệp ở vùng đô thị cũng như vùng ven đô thị dựa trên nguyên lý tiết kiệm đầu vào.

Theo đó, tại những địa bàn như trường học, bệnh viện, công sở thường phát triển những mô hình vườn với rất ít nguồn đầu tư ban đầu.

“Tuy nhiên sản phẩm quan trọng nhất từ các mô hình nhỏ như thế đã tạo ra rất nhiều rau, giúp được trên 2 phương diện. Thứ nhất là đa dạng hóa được khâu sản xuất và thứ 2 là đa dạng hóa về khâu tiêu thụ. Có thể thấy rằng, vấn đề về đầu vào sản xuất và đầu ra tiêu thụ sản phẩm đều quan trọng như nhau trong mục tiêu phát triển nông nghiệp ở nước này”, ông Md Mofizur Rahman nói.

Cũng theo ông Md Mofizur Rahman, bên cạnh những nước thể hiện được hiệu quả từ các chương trình vì mục tiêu "Không còn nạn đói" thì vẫn còn một vài nước cũng nỗ lực thực hiện nhưng kết quả không được như mong đợi. Một trong số đó có thể kể đến là quốc gia Đông Timor.

10-48-40_3
Các cán bộ thực hiện chương trình thường xuyên đến trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện dự án.

Đông Timor là một quốc gia ở Đông Nam Á và là một trong những nước đầu tiên cho ra đời chương trình hành động Quốc gia về không còn nạn đói vào năm 2011.

Thời điểm bắt đầu chương trình, các cấp chính quyền nước này cũng cam kết thực hiện rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cách triển khai chương trình đó như thế nào. Và thực tế cho thấy, sau một số năm thì tỷ lệ về thiếu đói và suy dinh dưỡng ở Đông Timor vẫn còn rất cao.

“Thực ra, Đông Timor cũng có rất nhiều chương trình, các dự án lớn nhỏ để thực hiện mục tiêu không còn nạn đói nhưng vấn đề chính là sự liên kết giữa các dự án và sự cộng hưởng giữa các dự án gần như là không có.

Đối với tôi, một bài học từ các quốc gia tham gia chương trình này là trước hết, các dự án chương trình cho dù là nhỏ hay lớn đều có thể phát huy được hiệu quả nếu chúng ta biết cách thiết kế, làm sau để chúng có thể hỗ trợ cho nhau và đóng góp cho 5 mục tiêu mà Liên hợp quốc đưa ra”, ông Md Mofizur Rahman chia sẻ.

Đại diện Tổ chức FAO cũng chia sẻ, để làm tốt những mục tiêu đề ra, bên cạnh những những chính sách, chương trình tổng thể giải quyết nhiều phương diện khác nhau thì cần có những dự án đem lại kết quả thực tiễn. Các hộ dân tham gia vào chương trình nhanh chóng thấy và có được lợi ích từ các dự án.

“Đối với Việt Nam, qua tham quan mô hình nuôi gà, vịt tại xã Sơn Long thì bước đầu có được kết quả tốt. Người dân bắt đầu thu được thành quả. Đây cũng là nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thành 5 mục tiêu của chương trình mà Liên Hợp Quốc đưa ra”, theo đại diện FAO.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất