| Hotline: 0983.970.780

Những tỷ phú trên vịnh Cam Ranh

Thứ Sáu 22/06/2018 , 14:30 (GMT+7)

Án ngự trước vịnh Cam Ranh là đảo Bình Ba rộng chừng ba cây số vuông, từ cảng Ba Ngòi ra đó chỉ vài chục phút ca nô cao tốc, mươi năm nay hấp dẫn du khách bốn phương. Cũng từ đó trên đảo xuất hiện nhiều tỷ phú.

Nữ tỷ phú

Trên chiếc ca nô từ cảng Ba Ngòi ra Bình Ba cuối tháng 5 mới đây, có mấy chị trung niên nói cười rôm rả. Một chị dáng nhỏ nhắn, da rám nắng thoạt nhìn như lao động trong đất liền ra đảo kiếm việc làm chớ không phải khách du lịch, càng không có dáng vẻ doanh nhân đạo mạo trầm tư. Hỏi chuyện thì biết, các chị là bạn bè và mấy chị kia ra đảo Bình Ba du lịch cuối tuần sẽ nghỉ ở khách sạn của chị nhỏ bé, chị Trần Võ Linh Thoa chủ khách sạn lớn nhất nhì đảo Bình Ba.

15-44-58_2605182
Khách sạn Ngọc Tâm nổi bật trên đảo của nữ tỷ phú

Chị Thoa chỉ cái khách sạn ba tầng, mái ngói đỏ tươi nổi bật từ xa, giới thiệu khách sạn Ngọc Tâm của vợ chồng chị, có 42 phòng. Khách sạn xây 4 năm trước, cùng nhà hàng sát mép biển tốn gần chục tỷ đồng; chưa kể tiền đất hơn 200m2 xây khách sạn, trước kia mua chỉ 120 triệu đồng còn nay phải hơn 4 tỷ. Chị thiệt thà cho biết, giá phòng khách sạn một ngày cho hai người là 300 nghìn đồng, bốn người 500 và sáu người là 600 “nhưng cuối tuần này kín khách hết rồi”. Mùa du lịch ở đảo Bình Ba từ độ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, luôn đông khách, trước kia nghỉ nhà dân, gần đây mới có khách sạn.

Đảo Bình Ba được cả nước sớm biết đến với việc nuôi tôm hùm, một trong những nơi có tôm hùm ngon nhất vùng biển dọc miền Trung. Bây giờ, đi từ cảng Ba Ngòi ra nửa đường đã thấy bè nuôi tôm hùm giăng trên vịnh Cam Ranh. Còn lên đảo, theo con đường chính ven biển thấy hai bên đặt san sát lồng nuôi tôm hùm, thứ dưới nước lâu ngày kéo lên còn bám đầy rong rác, thứ mới làm cước xanh óng ả.

Đoạn đường ven biển qua khách sạn Ngọc Tâm, bên đường cũng có nhiều lồng nuôi tôm hùm. Tôi ngó nhà hàng, thấy chi Thoa đang dọn bàn. Chị cười chào vui vẻ, cởi mở. Tôi hỏi, trước khách sạn đặt nhiều lồng nuôi tôm hùm chắc để trang trí vẻ đẹp đặc trưng Bình Ba, chị bảo không phải trang trí mà nuôi tôm hùm là nghề chính của vợ chồng chị.

Hồi đó, năm 2000, chị mới ngoài tuổi ba mươi, nuôi tôm hùm trong vịnh Vĩnh Hy ở thành phố Phan Rang của tỉnh Ninh Thuận gặp dịch bệnh, vợ chồng lếch thếch kéo nhau ra đảo Bình Ba. Chị kể Bình Ba lúc ấy hoang sơ, nghèo nàn, rất ít người nuôi tôm hùm, vợ chồng chị gầy dựng được vài lồng, phát triển đến 100 lồng và duy trì số lượng đó đến nay cho vừa sức quản lý.

15-44-58_2605181
Bè nuôi tôm hùm quanh đảo Bình Ba

Tôm hùm nuôi ở Ba Bình có hai loại, tôm hùm sao và tôm hùm xanh. Tôm hùm sao nuôi mỗi con thường một ký trở lên mới thu hoạch, mất 18 tháng; còn tôm hùm xanh cỡ ba hay bốn con một ký đã thu hoạch, mất trên 12 tháng. Giá tôm hùm sao tại đảo, chừng 1,6 triệu đồng/kg, gấp rưỡi tôm hùm xanh và nói chung, nuôi tôm hùm sao lời khá hơn nhưng nuôi lâu cũng rủi ro nhiều hơn, cần vốn lớn hơn, phải giỏi nghề mới dám. Vợ chồng chị Thoa nuôi tôm hùm sao, mỗi lồng 70 - 80 con, với 100 lồng tính sơ sơ khi thu hoạch cũng hơn chục tỷ đồng. Chị Thoa cười: “Hết mùa du lịch thì khách sạn hay ế nên sống nhờ tôm hùm”, nói rồi chị lại xăng xái đi dọn bàn.
 

Vợ chồng lập nghiệp

Đảo Bình Ba tên hành chính là xã Cam Bình thuộc thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Trưởng đồn biên phòng Cam Bình Nguyễn Văn Ánh cho biết, dân số toàn xã chừng 7.000 người, mùa du lịch có ngày khách bốn phương gần bằng dân số của xã. Đất chật người đông, nhờ thiên nhiên ban tặng vịnh kín gió, nước trong xanh bao la, nhiều người bắc sàn gỗ làm nhà hàng trên mặt nước lồng lộng. Đi trên một nhà hàng sàn gỗ bồng bềnh, tôi bắt gặp anh Nguyễn Thanh Sơn đang kéo di chuyển lồng nuôi tôm hùm.

Ngạc nhiên bởi Sơn vốn là một tay kinh doanh bảo hiểm có tiếng, lương tháng dăm chục triệu đồng. Chục năm trước, tôi gặp Sơn ở Cần Thơ làm giám đốc một chi nhánh bảo hiểm của nước ngoài, sau đó Sơn ra Hà Nội làm giám đốc chi nhánh một hãng bảo hiểm nước ngoài khác, rồi lại chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Bẵng thời gian, nay gặp ở đây. Sơn nói một câu có lẽ thế hệ dưới tuổi năm mươi mới nói được giản dị như thế khi bỏ sợi dây kéo lồng tôm hùm xuống, vuốt mồ hôi và cười: “Cuộc đời luôn ở phía trước”.

15-44-58_2605183
Anh Nguyễn Thanh Sơn đang kéo di chuyển lồng nuôi tôm hùm

Sơn kể, năm 2013, ra Ba Bình thấy không khí trong lành nên mua một mảnh đất hơn trăm mét vuông tính xây căn nhà nhỏ cho gia đình thi thoảng đi nghỉ. Sau đó, như có sức hút vô hình, Sơn liên tục ra gặp nhiều người dân cố cựu trên đảo, đến lần thứ bảy thì quyết định đầu tư lồng nuôi tôm hùm và xây khách sạn 21 phòng. Lứa đầu tiên nuôi 400 con tôm hùm sao, lời gần 200 triệu đồng; còn khách sạn xây mất 8 tháng tốn hơn 6 tỷ đồng, khánh thành đón khách đúng dịp tết 2016.

“Trước đây, cứ cuối tuần là vợ chồng tôi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Bình Ba và đầu tuần trở lại làm việc, quá vất vả. Nên gần năm nay, tôi nghỉ công việc bảo hiểm, vợ tôi làm ở một ngân hàng cũng nghỉ để ở hẳn ngoài này trực tiếp kinh doanh, không thuê mướn nữa”, Sơn kể. Vui chuyện, Sơn cho biết thêm, kinh doanh khách sạn ở Bình Ba được thiên nhiên ưu đãi nhưng cũng gặp khó khăn vì nước ngọt phải chở từ đất liền ra, thêm hao hụt nên một khối cỡ 150 nghìn đồng. Vợ chồng Sơn vẫn nuôi tôm hùm nhưng tôm hùm xanh, mỗi lồng khoảng 250 con, với 21 lồng giăng trên vùng biển trước khách sạn, có lồng nhốt tôm lớn sẵn sàng phục vụ du khách. Bên cạnh, nhiều lồng nuôi nhốt cá biển đặc sản.

Nhờ đó, hải sản trong các bữa ăn ở đảo Bình Ba luôn tươi rói, nhân viên phục vụ nhà hàng cũng phải biết nuôi tôm, cá ở lồng và bắt chúng lên làm thịt. Tiền công của nhân viên tính theo ngày, bình thường 520 nghìn đồng, lễ tết 700 nghìn. Khách đông, đôi lúc không đủ nhân viên phục vụ, vợ chồng Sơn trực tiếp bắt tôm, cá làm luôn.

Buổi tối thư thả, Sơn tâm sự, quản lý bảo hiểm là điều hành; quản lý kinh doanh ở đảo cũng điều hành để người khác làm các công việc cụ thể; nhưng ở đảo hoàn toàn được chủ động, còn có thể vừa ngồi ăn nhậu vừa điều hành. Vợ Sơn cũng gốc xứ Huế như Sơn, cũng lớn lên và trưởng thành ở nhiều nơi, họ gặp nhau ở thành phố Hồ Chí Minh và bây giờ lập nghiệp trên đảo. Không biết hai vợ chồng đã dừng chân hẳn hay chưa, chỉ biết khách sạn Sơn Anh là tên con của họ và Sơn nói “để thể hiện tình cảm sâu nặng”.
 

Những tiêu biểu

Chuyện về các tỷ phú trên đảo Bình Ba không thể quên hai người tiêu biểu: ông Nguyễn Văn Đấu, 60 tuổi, lão làng nuôi tôm hùm và ông Phan Văn Hùng, 67 tuổi, hàng đầu kinh doanh ca nô phục vụ du khách.

15-44-58_2605184
Tỷ phú Nguyễn Văn Đấu (phải) đón khách trên vịnh Cam Ranh

Thoạt nhìn ông Đấu đã biết con người của sóng gió vùng biển, da đen nhánh, khuôn mặt cuồn cuộn nếp nhăn bộc trực, khoáng đạt. Ông cho biết, ông thuộc số người nuôi tôm hùm đầu tiên ở đảo Bình Ba, có 6 người con (2 trai, 4 gái và đã có gia đình riêng) tất cả nay đều nuôi tôm hùm. Con của ông nuôi tôm hùm sao và xanh đủ cả, “đứa ít dăm chục lồng, đứa nhiều trăm lồng”, ông nói. Cuộc đời ông gầy dựng cơ nghiệp vợ chồng rồi lại nhen nhóm cơ nghiệp cho đàn con. Tôi nói: “Ông như một tổng giám đốc điều hành vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng”. Ông cười khà khà: “Bây giờ, con cái làm lấy thôi. Còn tôi đã nghỉ ngơi tuổi già, chỉ còn nuôi 10 lồng cá bớp với chừng 1.000 con, bán cho khách du lịch ra đây và đưa vô đất liền. Nuôi một năm, một con lớn 3 - 4 ký là bán”.

Còn tỷ phú Phan Văn Hùng 67 tuổi cũng sinh ra lớn lên ở đảo như ông Đấu, sống bằng nghề nuôi thủy sản và dịch vụ, khi du lịch phát triển thì tập trung vào ca nô cao tốc đưa đón khách. Ông có 8 người con trai, trong đó, chỉ một người hiện còn nuôi tôm hùm với vài chục lồng, còn lại cùng ông kinh doanh đưa đón khách mà người con có nhiều ca nô cao tốc nhất đến 6 chiếc. Nhiều tuổi hơn ông Đấu mà nom ông Hùng có vẻ trẻ hơn và trẻ nữa là tư duy kinh doanh khi ông nói, gia đình ông sẵn sàng đón đưa khách bất cứ đâu, bất cứ giờ nào.

Bình Ba thật ra có ba đảo, ngoài đảo chính Bình Ba còn có hai đảo nhỏ Bình Hưng và Bình An. Mỗi đảo có nhiều thắng cảnh hoang sơ tươi đẹp với bãi cát trắng, nước biển xanh và rặng san hô kỳ ảo. Vòng quanh Bình Ba có bãi Nồm, Chướng, Nhà Cũ, Hòn Rùa có thể đến bằng xe máy, xe điện, xe jeep, xe u-oát nhưng tiện lợi nhất là ca nô. Từ trung tâm đảo, vài chục phút ca nô lướt biển là tới nơi để bơi lặn hoặc tham gia môn thể thao tốc độ cao vòng trên vịnh.

Sau khi du ngoạn các thắng cảnh, nếu đi vào khu chợ ở trung tâm đảo Bình Ba thì cũng như nhiều đảo nhỏ khác, phải ngoắt ngoéo giữa các sạp hàng. Du khách đông, chen chúc, ồn ào. Nhưng các chủ sạp hàng vẫn ngồi thản nhiên. Tôi dừng trước một quầy cá khô, một chị ngồi chếch bên trong không hề nhúc nhích. Tôi hỏi “chị bán hàng ở đây à?” thì chị hỏi lại “anh mua gì ạ?” mà vẫn không đứng dậy, không nói cười gì thêm. Qua phút giây lạ lẫm, tôi lờ mờ hiểu ra, vốn xưa bán hàng ở khu dân cư nhỏ bé quen biết nhau, thiệt tình nên không đon đả mời chào. Phong cách kinh doanh ở đảo Bình Ba vậy. Thì tôi thích gì cứ chọn lấy. Rồi thản nhiên tính tiền.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.