| Hotline: 0983.970.780

Những vị tướng đầu tiên: Nguyễn Bình đơn thương độc mã Nam chinh

Thứ Hai 15/12/2014 , 15:20 (GMT+7)

Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng cho 11 cán bộ quân đội đầu tiên, gồm 1 Đại tướng, 1 Trung tướng và 9 Thiếu tướng.

Đây là lần phong quân hàm chính thức đầu tiên. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014), Báo NNVN xin trân trọng giới thiệu một số chân dung các vị tướng đầu tiên của quân đội.

Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng cho ông Nguyễn Bình, Khu trưởng Chiến khu 7 kiêm Ủy viên quân sự Nam Bộ. Ông là Trung tướng đầu tiên trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.

Một mình Nam tiến

Đang hoạt động ở chiến khu Đông Triều, Nguyễn Bình nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi về Thủ đô. Về đến Bắc Bộ phủ, Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón.

16-07-10_u1e3nh-1
Trung tướng Nguyễn Bình (1908-1951)

Tình hình Nam Bộ lúc đó, về mặt quân sự đang rất rối ren. Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam sư đoàn cát cứ. Những người chỉ huy quân sự như Vũ Đức (Khu bộ trưởng Khu 9), Phan Trọng Tuệ - Chính trị bộ Chủ nhiệm khu 9, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích - Khu bộ phó Khu 9; Đào Văn Trường - Khu bộ trưởng Khu 8; Trần Xuân Độ - Chính ủy Khu 7, Dương Văn Dương - Khu bộ phó Khu 7... dù có kiến thức về quân sự nhưng chưa thể thống nhất được lực lược vũ trang (LLVT) Nam Bộ.

Hồ Chủ tịch cho Nguyễn Bình biết, ông Trần Huy Liệu – Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền đã tiết lộ, trước kia Nguyễn Bình và Trần Huy Liệu cùng là đồng chí trong Việt Nam Quốc dân Đảng, cùng bị nhốt chung trong xà lim cấm cố ngoài Côn Đảo... các LLVT trong đó đang cần có một chỉ huy tài năng để tập hợp bộ đội địa phương lại, nếu không sẽ có thể xảy ra nạn cát cứ thập nhị sứ quân rất tai hại.

Người chỉ huy đó phải là người biết rõ miền Nam, lại phải là một người có đủ bản lĩnh thu hút được các tay giang hồ như kiểu Bình Xuyên Nguyễn Văn Viễn (Bảy Viễn).

Hồ Chí Minh cất tiếng hỏi Nguyễn Bình: - Chú có thể đảm trách được vai trò đó không?

Hoàn toàn bất ngờ trước câu hỏi đó, nhưng rồi Nguyễn Bình gật đầu: - Cụ đã tín nhiệm, tôi xin nhận.

Vậy là, Nguyễn Bình qua Bộ Quốc phòng lấy giấy giới thiệu. Sau đó, ông rời Hà Nội về Hải Phòng, bàn giao công việc cho các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân khu Duyên hải rồi “Nam tiến”.

Đơn thương độc mã, không mang theo một người lính, Nguyễn Bình lên tàu vào Nam. Con người có tài thao lược ấy từng một thời “Bắc chiến” đang chuẩn bị “Nam chinh”.

Tổng tư lệnh Quân sự Nam Bộ

Trong 6 năm nắm toàn quyền chỉ huy quân sự tại Nam Bộ, Nguyễn Bình đã làm cho thực dân Pháp phải thán phục và nể sợ. Fré deric Chemit, nhà nghiên cứu, bình luận phương Tây thời đó đã đánh giá: “Nguyễn Bình, nhờ sức kiên trì đã thống nhất được các lực lượng du kích và có những lối đánh táo bạo làm cho đối thủ kinh hoàng”.

16-07-10_u1e3nh-2
Lễ thụ phong Trung tướng Nguyễn Bình - làng Nhơn Hòa Lập, kênh Dương Văn Dương, tỉnh Đồng Tháp (7/1948).

Trung tướng Nguyễn Bình (1908-1951), tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Là Trung tướng đầu tiên của Quân đội, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quân sự quan trọng: Tư lệnh Chiến khu Trần Hưng Đạo (Hải Phòng), Tư lệnh Giải phóng quân Nam Bộ, Khu trưởng Khu 7, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ... Trung tướng Nguyễn Bình đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Có được sự thống nhất ấy, theo đánh giá của nhiều nhân chứng lịch sử, đó là do Nguyễn Bình biết quý trọng nhân tài, thu hút nhiều trí thức, kể cả những người ở Pháp về, tham gia kháng chiến. Nguyễn Bình từng nói: “Chờ nhân sĩ trí thức ở trong nội thành ra gặp mình chi bằng mình vào gặp họ ngay ở trong nội thành”.

Vậy là, ông tổ chức chuyến thâm nhập Sài Gòn bị tạm chiếm đầu tiên. Ông đã đến ở nhà và đi xe của luật sư Nguyễn Thành Vĩnh. Sau này, nhớ về ông, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh ca ngợi: “Nguyễn Bình - một con người trong công việc cũng như trong giao tiếp lúc nào cũng chân thành, cũng cởi mở cho nên đã thành công trong công việc dẫn dắt người khác đến với cách mạng”.

Một ví dụ điển hình khác về việc chiêu hiền đãi sĩ của Nguyễn Bình đó là ông Lâm Thái Hòa. Quê ông ở Tây Ninh. Cha ông là một bác sĩ quốc tịch Pháp, do đó ông cũng tự nhiên là dân “làng Tây”, với tên gọi đầy đủ là Victor Lâm Thái Hòa. Tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền ở tỉnh Tây Ninh, ngày 23/9/1945 làm chỉ huy trưởng Cộng hòa vệ binh Tây Ninh.

Ông được Nguyễn Bình tin cậy giao nhiều trọng trách như Trưởng phòng Tác chiến Quân khu 7, Giám đốc trường Võ bị Quân khu 7, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Chỉ huy trưởng Pháo binh Nam Bộ.

Trước khi lên đường ra Bắc, Trung tướng Nguyễn Bình có gửi kỹ sư Lâm Thái Hòa một lá thư. Ngày nay, đọc lại nội dung lá thư ấy, đã chứng tỏ Nguyễn Bình được anh em trí thức kháng chiến thật sự tin phục, coi ông vừa là cấp trên, vừa là người bạn chân thành.

“Tôi cũng như đồng chí, chúng ta sẽ nhất định không làm ông Tổng tư lệnh trong cuốn kịch tiền tuyến, và sẵn sàng rút lui để khỏi là viên gạch cản ngăn sự tiến bộ của cán bộ. Nhưng khi kháng chiến còn cần đến ta, ta còn hữu ích cho kháng chiến, cho cách mạng đến chừng mực nào, đến giai đoạn nào thì ta không được phép từ chối và trốn nhiệm vụ đó.

Đồng chí không được định cấp bậc rõ ràng đi chăng nữa, nhưng những công tác đã qua, những trận đồng chí chỉ huy, cũng như đồng chí đã huấn luyện, đã đào tạo không ít những cán bộ đại đội, tiểu đoàn ở các lớp quân chính và chuyên môn như pháo binh để sử dụng thì có nhiều cán bộ cao hơn vẫn cần phải học hỏi đồng chí”.

Còn nữ tiến sĩ người Mỹ, Ellen Hammer cho rằng: “Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình, các bộ đội kém tổ chức, thiếu súng đạn gặp nhiều khó khăn trở ngại, dần dần trưởng thành, trở nên hữu hiệu và đáng sợ. Những ý đồ chia rẽ Việt Nam với sự ra đời của “nước Nam Kỳ tự trị” vào mùa thu năm 1946 của Pháp hoàn toàn thất bại trước sự tiến công của quân du kích dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bình.

Ngày 29/9/1951 trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, khi hành quân trên đất Campuchia, Trung tướng Nguyễn Bình đã bị phục kích và hy sinh. Năm 2000, thi hài của ông mới được tìm thấy và chuyển về Việt Nam.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.