| Hotline: 0983.970.780

Những việc đáng ngờ

Thứ Ba 10/09/2013 , 10:24 (GMT+7)

Từ ngày chuyển sang hoạt động với tư cách là một trường công lập, Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Nghệ An đã để xảy ra không ít điều tiếng trong dư luận.

Từ ngày chuyển sang hoạt động với tư cách là một trường công lập, Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Nghệ An đã để xảy ra không ít điều tiếng trong dư luận. Trong đó có chuyện thu tiền giáo viên để “chạy” biên chế và thiếu minh bạch trong xét tuyển dụng cán bộ, giáo viên cùng một số sai phạm tài chính khác.

>> Chủ tịch HĐQT bị vô hiệu hóa

LẬP LỜ TUYỂN DỤNG

Theo hồ sơ thì từ ngày thành lập (13/8/2012) đến nay, Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Nghệ An đã 2 lần tổ chức xét tuyển dụng cán bộ, giáo viên. Theo dư luận thì cả 2 đợt đều "có vấn đề". Bằng chứng mà họ đưa ra là việc xét tuyển không công khai, tiêu chí xét tuyển không rõ ràng, một số vị trí không căn cứ vào bằng chuyên môn, cơ cấu khập khiễng, hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo, điều hành cuộc họp thiếu dân chủ và không minh bạch.

Qua kết quả xác minh, nội dung đơn thư nói trên của cán bộ giáo viên đều có cơ sở: Theo đó, ngày 21/3/2013, tỉnh Nghệ An mới có văn bản (số 1641/UBND-TH) cho phép Sở VHTT&DL được xét tuyển với nội dung yêu cầu "tuyển dụng đội ngũ viên chức đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, chức danh đúng quy định; đảm bảo tính công bằng, khách quan và ưu tiên những người có năng lực, trình độ cao hơn". Thế nhưng, trước đó 2 tháng, lãnh đạo nhà trường và Sở VHTT&DL đã xét tuyển "chui" 3 vị trí: Kế toán; Văn thư - Thủ quỹ và Thiết bị - thư viện. Riêng cô Hoàng Thị Minh Nguyệt có 2 bằng tốt nghiệp chuyên ngành kế toán nhưng lại được xét tuyển vào làm cán bộ Thiết bị - Thư viện.


Cô Nguyệt có hai bằng tốt nghiệp kế toán nhưng được xét tuyển vào làm cán bộ Thiết bị - Thư viện

Theo đơn thư thì việc xét tuyển thiếu minh bạch, được thể hiện rất rõ nhất là chuyện ông Lô Trung Thành đã “câu giờ” cố tình kéo dài thời gian xét tuyển từ 21/3/2013 đến mãi 15/7/2013 là để buộc cán bộ, giáo viên phải tìm đến nhà riêng của hiệu trưởng để lo lót. Bởi thế, tại cuộc họp triển khai xét tuyển vào ngày 15/7/2013, chỉ là hình thức, sau khi đã “lượng hóa” được cuộc “chạy đua” của từng người.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao lại có sự không minh bạch khi chỉ đạo bỏ phiếu một số vị trí cần phải cân nhắc, ông Lô Trung Thành (hiệu trưởng) và Trưởng phòng Tổ chức Sở VHTT&DL đã tự cho mình quyền “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong việc kiểm phiếu và công bố kết quả. Bởi vậy, chuyện giáo viên tốt nghiệp đại học chính quy bị bật ra, trong khi giáo viên đại học tại chức lại được tuyển dụng là điều không có gì lạ.

Điều làm một số cán bộ, giáo viên thêm bức xúc là không hiểu ông hiệu trưởng có xin ý kiến tham mưu của Sở GD-ĐT hay không mà lại tham mưu cho Sở Nội vụ và UBND tỉnh trình các chức danh, vị trí được tuyển dụng có sự khập khiễng như vậy. Ví dụ, trường chỉ có 10 lớp, 2 môn Toán và Văn chỉ có 36 đến 37 tiết/tuần nhưng lại được tuyển dụng tới biên chế 4 giáo viên Văn và 4 giáo viên Toán (khoảng 9 tiết/tuần/người). Môn Anh Văn có 29 tiết/tuần chỉ tuyển 2 giáo viên, trong đó có một cô sinh thứ 3 (12 tiết/tuần/người)... Trường chưa có thư viện vẫn tuyển dụng trước để dự phòng?

Cô giáo Đặng Tường Anh, vốn là giáo viên cơ hữu môn tiếng Anh tại Trường THPT Dân lập Hữu Nghị từ năm 2006 (đến năm 2009 kiêm thêm chức danh thủ quỹ) bức xúc cho biết: Khi chuyển sang trường công lập, tôi rất mừng là từ đây việc tính tiền công theo tiết dạy sẽ được đặt dấu chấm hết. Ai ngờ mãi đến hết năm học 2012-2013, chúng tôi (28 giáo viên) vẫn phải hưởng cơ chế lương giáo viên cơ hữu của trường dân lập. Từ 1/8/2013, sau khi được xét tuyển mới có 24 giáo viên chuyển sang hưởng lương theo quy định của Nhà nước.

Trong lúc đó, cô Hoàng Thị Minh Nguyệt không có bằng cấp chuyên môn vẫn được đưa về làm văn thư từ năm 2011 và vẫn được tuyển "chui" vào biên chế (hưởng lương từ tháng 1/2013). Ngược lại cô Đinh Thị Mỹ Trí, có bằng trung cấp Văn thư - Quản lý hành chính, đã làm văn thư lâu năm tại Trường THPT Dân lập Hữu Nghị lại bị bật ra. Điều lạ là cô Nguyệt không hề kiêm nhiệm gì thêm nhưng vẫn được “ưu đãi” cộng thêm 300.000 đồng/tháng tiền kiêm nhiệm. Tương tự cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, kế toán cũng được hưởng thêm 200.000 đồng tiền kiêm nhiệm/tháng.

KHUẤT TẤT TÀI CHÍNH

Trước đó, sáng 28/1/2013, lấy lý do để “chạy” biên biên chế cho trường, ông hiệu trưởng đã tổ chức hội ý với cán bộ, giáo viên và đưa ra mức phải góp mỗi người 7 triệu đồng để "ngoại giao". Và chỉ đạo nộp trực tiếp cho kế toán. Thế nhưng, buổi chiều hôm đó sau khi hội ý lại “bộ sậu”, Chủ tịch Công đoàn đã thông báo lại là mỗi người phải nộp 10 triệu đồng. Do mong muốn được vào biên chế nên không ít giáo viên, có hoàn cảnh khó khăn đã phải ngậm đắng nuối cay đi vay nặng lãi để có đủ tiền đóng góp.

Theo xác minh của phóng viên, đã có 27 người nộp tiền. Trong đó 24 người nộp 10 triệu đồng/người; ba người còn lại góp từ 1,5 triệu đến 7 triệu đồng. Tổng số tiền nộp qua kế toán được 253.500.000 đồng. Đến khi sự việc bị cáo giác, lãnh đạo trường đã phải thừa nhận nhưng lại chuyển hóa thành tiền thăm hỏi, hiếu hỉ để che đậy sự thật nói trên. Mới đây, sau khi bị một số giáo viên lên tiếng nên ông hiệu trưởng vội vàng giao cho tổ chức công đoàn yêu cầu cán bộ giáo viên đã nộp tiền ký nhận vào danh sách “trả lại” để đối phó và phủi trách nhiệm. Tuy nhiên, việc họ có thực sự được nhận lại được số tiền đã nộp hay không chỉ có những người trong cuộc mới trả lời được.

Trong đơn của một số giáo viên còn cho biết: Chỉ mới sau gần 1 năm chuyển sang trường công lập, nhưng lãnh đạo nhà trường đã để xẩy ra nhiều việc làm sai trái, vi phạm về tài chính, điển hình là việc chỉ đạo thu lệ phí tốt nghiệp năm học 2012 - 2013 của học sinh 650.000 đồng/em. Dây dưa không chịu nộp chế độ bảo hiểm cho giáo viên. Ngược lại có người được tuyển dụng nhưng chưa có việc gì làm nghỉ cả tháng trời hoặc chỉ đến “ngồi chơi, xơi nước” để lĩnh lương.

Kế toán trường kiêm luôn cả chức danh thủ quỹ nên các khoản tiền thu - chi như tiền duyệt tuyển sinh, tiền học phí của học sinh năng khiếu đang học ở Trường THCS Cửa Nam rút về (từ tháng 1 đến tháng 5/2013) đều không nhập quỹ và chi tiêu ra sao chẳng ai được biết...

Điều ngạc nhiên hơn là mặc dù đã được rót về trên 5 tỷ đồng nhưng ông hiệu trưởng vẫn cho phép dùng nguồn tiền quỹ còn lại của Trường THPT Dân lập Hữu Nghị để chi trả tiền lương theo tiết dạy cho giáo viên một cách vô lối. (Hết)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.