| Hotline: 0983.970.780

Níu giữ sự sống

Thứ Sáu 15/11/2013 , 10:10 (GMT+7)

Hạnh phúc lớn nhất của những người ở nơi này là đã níu giữ được những mầm sống mà các cô gái trẻ đang có ý định vứt bỏ.

Hằng ngày đi gom nhặt những thai nhi bị vứt bỏ rồi chôn cất, đó mới chỉ là giải quyết phần “ngọn”, xoa dịu phần nào thực trạng nhức nhối của xã hội mà những người làm công tác thiện nguyện ở nghĩa trang hài nhi đang làm. Còn hạnh phúc lớn nhất của họ là đã níu giữ được những mầm sống mà các cô gái trẻ đang có ý định vứt bỏ.

>> Những người khóc nhiều nhất
>> Nơi 15.000 sinh linh bị vứt bỏ

NGƯỜI CHA BẤT ĐẮC DĨ

Một ngày cuối năm 2005, đang phụ xây mộ trên nghĩa trang thì một người ở bệnh viện gọi nói có người muốn cho con. Anh Phụng và ông Phước tức tốc đến bệnh viện. Đến nơi thì cô gái trẻ vừa sinh xong, một bé trai rất kháu khỉnh. Cô gái bảo quê ngoài Bắc, nhưng lại nghe giọng miền Nam. Nghe cô than đủ thứ tiền chi phí, ông Phước đưa cho cô 5 triệu đồng rồi bế cháu bé về.

“Nhìn cháu bé còn đỏ hỏn trên tay mà không có mẹ bên cạnh, tôi không cầm lòng được nên nhận cháu làm con nuôi, đặt tên cháu là Triệu. Tôi gửi cháu vào chùa Bửu Sơn (TP Pleiku, Gia Lai) nhờ các sư cô nuôi, hằng ngày đến tiếp tế và chăm sóc cháu. Hiện bé Triệu đang học lớp 3 và rất ngoan. Đây là đứa bé đầu tiên tôi nhận làm con nuôi”, anh Phụng kể.

“Sau nhiều năm làm công việc này, tiếp xúc với những người đến viếng nghĩa trang, dù họ không nói, nhưng tôi biết, không ít người trong số họ đã từng đến đây rồi để lại giọt máu của mình. Họ ăn năn, đau khổ tột cùng.

Tôi nghĩ, nếu được làm lại, họ sẽ không bao giờ làm thế. Nghĩ vậy nên từ đó, mỗi khi có cơ hội là chúng tôi cố gắng hết sức để ngăn việc đáng tiếc ấy lại”, anh Nguyễn Văn Lễ, đồng sự của anh Phụng nói.

Anh Phụng kể tiếp: Một lần, bác sĩ trong bệnh viện gọi cho tôi, bảo có cô sinh viên mang bầu 5 tháng rồi mà còn muốn bỏ, khuyên không được. Tôi nghe thế vội vàng chạy đến. Nói chuyện với cô gái mới biết, cô là sinh viên, ngoài ảnh hưởng việc học, cha mẹ cô rất nghiêm khắc, không bao giờ chấp nhận.




Những sinh linh nhỏ sau khi được cứu sống, được sống trong vòng tay yêu thương

Nghe vậy tôi một mặt khuyên nhủ, mặt khác bảo cô đi theo tôi, một lát nữa quyết định cũng chưa muộn. Cô ấy miễn cưỡng đi theo. Tôi dẫn cô gái đến nghĩa trang và bảo đi một vòng thắp nhang cho các cháu. Cô ấy làm theo. Tôi đứng nhìn và mừng thầm trong lòng. Quả nhiên tôi đoán đúng. Lúc quay ra, khuôn mặt đầm đìa nước mắt, cô bảo “Cháu không làm nữa. Nhưng làm sao cháu dám về nhà? Con cháu sẽ ra sao?”. Tôi nghĩ một hồi rồi bảo: “Chú sẽ giúp cháu”.

Cô gái này sau đó được anh Phụng, anh Lê, ông Phước hỗ trợ tinh thần và cả vật chất đến khi cô sinh “mẹ tròn con vuông” và nhận bảo trợ luôn cho cháu bé. “Cô ấy đã học xong, đã có việc làm. Lâu lâu lại đến chùa thăm con. Cô ấy bảo, đợi khi thuận tiện sẽ đưa con về nuôi”, anh Phụng nói tiếp.

Một người phụ nữ khác gọi điện thoại cho anh Lễ, nói còn khoảng 1 tháng nữa thì sinh, không thể đi bán vé số được nên không có tiền lo nên nhờ anh giúp. Vợ chồng anh đồng ý. Nhưng không phải 1 mà mãi 3 tháng sau cô mới trở dạ. Đến bệnh viện, anh lại là người thân “bất đắc dĩ”, đặt bút ký cam kết đoạn sản cho cô gái vì cô đã sinh 3 lần, 2 lần sau là sinh mổ.

Tính đến nay, riêng các anh ở nghĩa trang hài nhi đã “níu” lại sự sống cho 9 đứa trẻ. Trong đó, 5 trẻ được anh Phụng, anh Lễ nhận làm con nuôi, và đang nương nhờ chùa Bửu Sơn, 4 cháu khác được các cặp vợ chồng hiếm muộn nhận làm con. “Cứu được các cháu cũng cứu luôn mẹ chúng. Bởi vì hầu hết các cô đều làm việc ấy trong một tâm trạng bất ổn, sau đó là sự hối hận không nguôi”, anh Lễ nói.

MÁI ẤM CHO CẢ MẸ VÀ CON

Trước tình trạng những bà mẹ trẻ, những sinh linh nhỏ được cứu sống ngày càng nhiều. Cha Đông và ông Phước lại bỏ tiền xây một mái ấm làm nơi nương tựa cho các cô gái “trót dại” và cả những bé mồ côi.

Cha Đông hy vọng trong quá trình chăm sóc trẻ,  những bà mẹ tương lai này sẽ có tình yêu thương với trẻ con và yêu thương đứa bé trong bụng mình, từ đó sẽ từ bỏ ý định phá bỏ bào thai. Đã có 3 ngôi nhà tình thương được xây dựng, 2 ở Pleiku và 1 ở Kon Tum.

Từ năm 2004, mái ấm tình thương tại nhà tu của các nữ tu Chư Á thành phố Pleiku đã đón cô gái mang thai đầu tiên. Hằng ngày các cô được giao làm những việc nhẹ nhàng để được khuây khỏa, quên bớt nỗi lo lắng ưu phiền. Trong đó, việc chăm sóc các cháu bé được đặc biệt chú trọng để các bà mẹ này có dịp gần gũi, khơi dậy tình mẫu tử thiêng liêng.

Còn mái ấm mang tên Đồng Tâm nằm cạnh Bệnh viện Gia Lai có một mô hình khác hơn. Ở đây có một nồi cơm tình thương do chính các bà mẹ mang bầu này đảm trách việc nấu nướng và chia cơm cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Công việc này giúp các bà mẹ có cơ hội tiếp xúc với những thân phận, cảnh đời đáng thương, mục đích là để đánh thức lòng trắc ẩn của các bà mẹ, biết thương người thương mình mà bỏ đi ý định phá bỏ thai nhi. Những người mẹ sinh con ra nếu không có khả năng hay không muốn nuôi thì được mái ấm nuôi. Bất cứ khi nào muốn, những bà mẹ này có thể đến đón con về nuôi.

Rồi những người mẹ mang bầu khác lại tiếp tục chăm sóc các bé này. Người mẹ sinh xong không chốn nương thân, có thể nương tựa ngay mái ấm, làm công việc chăm sóc con mình và các cháu không cha mẹ, hoàn cảnh éo le.

Gần 10 năm qua, những mái ấm này đã có hàng chục người mẹ đến nương náu, sinh con. Người này đi rồi người sau lại tới. Người sau chăm sóc con của người trước. “Tình mẫu tử thiêng liêng vốn đã là cái có sẵn trong lòng người phụ nữ, nếu biết khơi dậy thì người mẹ sẽ không còn phá bỏ bào thai, hủy hoại cuộc sống của con mình”, anh Phụng triết lý.

Chúng tôi đến thăm mái ấm Tín Thác do một số nữ tu lập năm 2009 nằm giữa thảm vườn cà phê đang mùa kết trái, nơi đang nuôi dưỡng 50 đứa trẻ từ vài ngày đến hơn 30 tháng tuổi bị bỏ rơi và cả những bà mẹ cơ nhỡ. Vòng quanh các phòng, nhìn các em chơi đùa, nằm ngủ, tay vẫn ôm bình sữa, thấy lòng ấm áp, bình yên, nhưng phảng phất chạnh lòng. Ở tuổi các em lẽ ra phải được nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.


Mái ấm Tín Thác, nơi nương tựa của 50 đứa trẻ bị bỏ rơi và những cô gái cơ nhỡ

Chợt nghĩ bình sữa kia mà các em đang ôm hãy là vòng tay yêu thương và bầu sữa ngọt của mẹ, còn những vòng quay của cánh quạt điện kia hãy là những thao thức của cha cho các em có được những giấc ngủ mát lành...

Chiều Tây Nguyên mưa sụt sùi. Nhưng tôi đọc được trong mắt những người làm việc thiện nguyện ở đây niềm vui, niềm hạnh phúc…

Bà Thủy Hường ở mái ấm Tín Thác cho biết, mỗi cháu ở đây chào đời một cách khác nhau. Có bà mẹ chuẩn bị leo lên giường phá thai thì được bà Hường đến an ủi, dẫn về nuôi cho đến ngày sinh nở.

Có nhiều thiếu nữ còn ở tuổi vị thành niên, ở nơi khác về ở tá túc trong nhà người thân, chờ ngày đi nạo phá, cũng được khuyên nhủ và chăm sóc để sinh xong, gửi con lại cho mái ấm rồi trở về, đi học tiếp. Bồng một bé gái có đôi mắt đen tròn kháu khỉnh trên tay, bà Hường cho biết mẹ cháu là một cô gái vị thành niên, sinh xong cô gái trẻ bỏ đi luôn.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.