| Hotline: 0983.970.780

NM đường Lam Sơn bị tố "chơi bẩn"

Thứ Hai 27/12/2010 , 09:37 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã triệu tập một cuộc họp khẩn xung quanh vấn đề này.

Xe mía BKS 37N- 6883 đang bị chắn giữ tại NM đường Lam Sơn- Thanh Hoá

NNVN số 253, ngày 21/12 đăng bài viết: “Lộn xộn vùng mía Lam Sơn” phản ánh thực trạng tranh cướp  vùng nguyên liệu tại NM đường Lam Sơn. Bài viết đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội và lãnh đạo các cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã triệu tập một cuộc họp khẩn xung quanh vấn đề này.

>> Lộn xộn ở vùng mía đường Lam Sơn

Báo cáo của Sở NN- PTNT Thanh Hoá cho biết: Vụ ép 2010- 2011, các NM đường trong tỉnh đã ký HĐ bao tiêu sản phẩm cho 25.998ha mía, giảm hơn một ngàn ha so với vụ ép trước; đồng thời dự kiến sản lượng mía cũng sẽ giảm khoảng 23.000 tấn. Căn cứ vào số liệu báo cáo của NM đường Việt- Đài và NM đường Nông Cống gửi đến tỉnh thì từ đầu vụ ép đến nay, lượng mía được chuyển từ hai vùng nguyên liệu này về cho NM đường Lam Sơn là 7.000 tấn. Trước thực trạng này, Sở NN- PTNT Thanh Hoá đã đưa ra nhận định: Tình trạng tranh mua, tranh bán trước đây đã từng diễn ra, nhưng từ đầu vụ đến nay lại diễn ra nghiêm trọng hơn, gây lộn xộn và mất an ninh trên địa bàn, gây tâm lý hoang mang cho bà con vùng trồng mía, khó khăn cho công tác quản lý và có thể làm phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu của tỉnh.

Ông Khanh- PTG Cty TNHH Đường mía Việt Nam- Đài Loan nói thẳng: “Mỗi ngày có 23 xe trọng tải cỡ lớn chở mía đi ra ngoài vùng Việt- Đài, trong đó phần lớn chở về cho NM đường Lam Sơn. Nếu NM đường Lam Sơn mua mía một cách nghiêm túc, đàng hoàng, đúng với giá niêm yết gửi cho cơ quan chức năng và người dân thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng lộn xộn hay tranh cướp mía của nhau như đang diễn ra. Bởi, NM đường Lam Sơn niêm yết giá mua trong vùng nguyên liệu của họ là 950.000đ/tấn, nhưng khi đến mua tại vùng mía của NM đường Việt- Đài là 1,2 đến 1,3 triệu đồng/tấn. Việc nâng giá mua vậy ở những vùng mà Lam Sơn không mất một đồng đầu tư, kiến thiết nào thì thử hỏi cách xử sự của lãnh đạo NM đường Lam Sơn thế đã chuẩn mực chưa”. 

Ông Khanh cũng nói thẳng: “Tình trạng lộn xộn và mất an ninh tại các vùng nguyên liệu mía đã và đang diễn ra là do chính các NM gây ra”, vì vậy ông này kiến nghị UBND tỉnh cần tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên, nếu các NM thực hiện không nghiêm túc việc SXKD thì xử phạt thật nặng, thật cao và công khai trên báo chí.

Cùng chung cảnh ngộ “bị cá lớn nuốt cá bé”, ông Lê Văn Tới- TGĐ Cty CP Mía đường Nông Cống cũng mạnh dạn kiến nghị tỉnh cần chỉ đạo các ngành giúp Cty trong việc giữ gìn vùng nguyên liệu. Theo ông tới, vùng mía cho NM đường Nông Cống đã từng được tỉnh quy hoạch giao cho trên 5 ngàn ha, song khi tỉnh rút 421ha từ Nông trường Bãi Trành cho Cty Cao su Thanh Hoá để trồng cao su thì diện tích còn lại là không nhiều. Ông Tới rất bức xúc việc NM đường Lam Sơn đã đứng ra ký hợp đồng bào tiêu sản phẩm của 100ha mía tại trại giam Thanh Lâm, một số diện tích của làng thanh niên lập nghiệp và xã Thượng Ninh. Bởi toàn bộ số mía đó đều nằm trong diện tích đã được tỉnh quy hoạch cho NM đường Nông Cống.

+ Tham gia ý kiến tại buổi làm việc này, một số Sở, ngành đã đề nghị tỉnh cần ban hành chỉ thị cho các địa phương, công an và NM thực hiện nghiêm túc QĐ 80 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng và QĐ quy hoạch vùng nguyên liệu đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Một số ý kiến đề nghị nên thành lập các chốt kiểm soát để giữ gìn vùng mía và yêu cầu các NM không đến mua mía của nhau. Một số ý kiến khác đề nghị tỉnh nên có quy định mức giá sàn để kiểm soát việc nâng giá mua nguyên liệu ngoài vùng.

+ Liên quan đến xe mía mang BKS 37N- 6883 bị chắn giữ nhiều ngày tại NM đường Lam Sơn (NNVN đề cập trong số báo 253), ngay sau cuộc họp chiều 23/12 ở UBND tỉnh, lãnh đạo NM đường Lam Sơn đã QĐ thả xe mía đó cho chị Đỗ Thị Hường.

Chủ tịch và PCT UBND các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc đều chuyển tải các kiến nghị của nhân dân về việc không hiểu vì sao trên cùng một ruộng mía mà NM đường Lam Sơn lại có những kết quả khác nhau, chênh lệch một cách quá xa về chữ đường. Chính cách đánh giá thiếu khách quan này mà người trồng mía không tin tưởng NM và thấy thất thiệt quá lớn. Ông Phạm Công Cúc- PCT UBND huyện Ngọc Lặc minh chứng, cùng một ruộng mía, sau khi nhập vào NM, hộ dân nhận được 3 phiếu thông báo về chữ đường. Có phiếu là 6CCS, 7CCS và 10CCS. Ông Cúc cho rằng như thế là vô lý.

Đồng quan điểm với ông Cúc, ông Cầm Bá Xuân- Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân kiến nghị việc đánh giá chữ đường đáng lẽ ra phải do một Hiệp hội nào đó hoặc tổ chức khác ngoài NM kiểm soát chứ NM trực tiếp đánh giá thì làm sao khách quan được. Có hộ dân đã sụt sùi khi cầm 2 phiếu báo của NM từ một ruộng mía mà có chữ đường chênh lệch nhau quá xa là 6CCS và 11CCS.

Nhằm thúc đẩy ngành mía đường phát triển bền vững và tình hình SXKD ổn định, ông Nguyễn Đức Quyền- PCT UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu các NM cần báo cáo chính xác số diện tích thực đã ký bao tiêu sản phẩm của người dân một cách rõ ràng. Theo ông Quyền không thể có chuyện NM ký 3.000ha mà lại đề nghị chính quyền quản lý 5000ha hay như kiểu đi gom mía lâu nay của NM đường Lam Sơn được. Ông Quyền yêu cầu các NM cần bám sát tình hình thị trường để có chính sách thoả đáng và giá mua hợp lý, vì trong điều kiện giá đường đang cao và đang lên như vậy mà giá mía mua cho dân lại thấp thì không thể chấp nhận được.  

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất