Hệ thống cấp nước sạch Thuận Bắc, công suất 5.560 m3/ngày đêm, cung cấp cho 10.065 khách hàng sử dụng. |
Hiện Bình Thuận có 58 công trình cấp nước (CTCN) với tổng công suất thiết kế 61.145 m3/ngày, cung cấp cho 101.893 hộ sử dụng, chiếm tỷ lệ 48,92% dân số nông thôn.
Trong đó có 53 CTCN hoạt động bền vững, 5 CTCN hoạt động bình thường, đã giải quyết cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, cải thiện tình trạng sức khỏe, hạn chế dịch bệnh, nâng cao đời sống người dân nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần hoàn thành Tiểu tiêu chí 17.1 về cấp nước hợp vệ sinh, nước sạch thuộc Tiêu chí 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM.
Ông Trần Văn Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Thuận cho biết, trung tâm đang quản lý, khai thác 38 CTCN với tổng công suất 31.465 m3/ngày. Trong đó, có 8 CTCN có công suất > 1.000 m3/ngày và 30 CTCN có công suất < 1.000 m3/ngày, cung cấp cho 58.163 hộ đấu nối sử dụng nước trên địa bàn tại 2 phường, 9 thị trấn và 54 xã toàn tỉnh (ngoại trừ huyện Tuy Phong). Trong đó, có 8 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao, 22 thôn xen ghép đồng bào DTTS và 3 xã hải đảo; với tỉ lệ thất thoát nước năm 2018 là 19,14 %.
Cũng theo ông Liêm đánh giá các CTCN do trung tâm quản lý đều phát huy hiệu quả đầu tư. Trong đó có 38 CTCN được đánh giá bền vững. Chất lượng nước của hầu hết CTCN đều đạt theo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.
“Các CTCN sau khi đầu tư đều giao cho các đơn vị chuyên ngành quản lý khai thác nên phát huy hiệu quả đầu tư, không có công trình bị hư hỏng, không hoạt động. Do đó, các hoạt động về cung cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn được Trung ương, các nhà tài trợ và các tỉnh bạn đánh giá cao.
Lực lượng cán bộ chuyên ngành về cấp nước nông thôn không ngừng lớn mạnh và từng bước hoạt động chuyên nghiệp, quy mô công trình ngày càng lớn, có năng lực tiệm cận với lĩnh vực cấp nước đô thị”, ông Liêm chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,78%. Trong đó tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 02:2009/BYT đạt 56,85% và tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt từ CTCN tập trung đạt 48,92%.
Một số công trình phát huy hiệu quả tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của đồng bào DTTS là hệ thống cấp nước Đông Giang, Đông Tiến, Phan Tiến; khu vực đồng bằng có hệ thống cấp nước Thuận Bắc, Hồng Sơn, Hồng Liêm... |
Để đạt kết quả trên tỉnh đã xác định nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu và là chỉ tiêu nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong đó có đặt ra mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu trên 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 65% hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tranh thủ các nguồn vốn từ trung ương, nguồn vốn ODA để đầu tư, nâng cấp mở rộng các CTCN, đặc biệt là các khu vực bức xúc về nhu cầu sử dụng nước của người dân hoặc khu vực ĐBDTTS, vừng sâu, vùng xa, vùng khô hạn...
Đồng thời tập trung đầu tư xây dựng CTCN có qui mô công suất lớn (khoảng vài nghìn m3/ngày) cấp cho nhiều xã, thị trấn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và thuận lợi trong công tác quản lý vận hành công trình sau đầu tư.
Các CTCN sau khi đầu tư hoàn thành đều được giao cho các đơn vị quản lý chuyên ngành quản lý khai thác nên phát huy hiệu quả và duy trì tính bền vững lâu dài. Áp dụng các công nghệ sản xuất, xử lý nước tiên tiến giá cả phù hợp (lắng, rửa lọc tự động; chuyển dần sử dụng công nghệ khử trùng bằng nước Javel thay cho Clo khí để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn trong sản xuất ...) đảm bảo chất lượng nước đầu ra đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống hoặc cao hơn.