| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm

Thứ Sáu 18/02/2022 , 11:51 (GMT+7)

TPHCM Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm sẽ là 'kiềng ba chân' ở ba lĩnh vực: tài chính, thương mại, dịch vụ, tạo đột phá cho kinh tế TP.HCM phát triển trong tương lai.

TP.HCM đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư. Ảnh: Minh Sáng.

TP.HCM đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư. Ảnh: Minh Sáng.

“Lấy lại những gì đã mất”

Tại buổi tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM" do báo Người lao động tổ chức sáng 17/2, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế TP.HCM cho biết, TP.HCM đã ban hành kế hoạch phục hồi giai đoạn 2022-2025 theo 2 chặng đường với mục tiêu "lấy lại những gì đã mất". Như vậy, TP.HCM phải tăng trưởng ở mức 6,5%, sau đó trong hai năm 2023-2025 tiếp tục tăng 8,5%. Lộ trình này được tiếp sức thêm bằng Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về các gói tài khóa, tiền tệ.

Nói về giải pháp phục hồi phát triển kinh tế TP.HCM, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, cho biết, Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế TP.HCM sẽ xây dựng thêm nội dung để tham mưu TP sớm hình thành các tổ công tác, tổ liên ngành để tiếp cận những chính sách hỗ trợ tốt nhất, đưa các gói giải pháp đi vào cuộc sống nhanh nhất.

“Chúng ta mong muốn lấy lại “những gì đã mất”, nhưng quan trọng hơn là “giữ được những gì đang có” – đó là phải bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân – đây chính là lỗ thủng dẫn đến suy giảm kinh tế TP.HCM. Do đó, ngay từ đầu, chiến lược y tế được lãnh đạo TP ưu tiên quan trọng nhất”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế TP.HCM nói.

Ông dẫn chứng, trong những ngày vừa qua, TP.HCM đầu tư nhiều hơn nữa cho hệ thống y tế cơ sở,  y tế dự phòng và y tế điều trị. Đơn cử, ngày 16/2, TP.HCM đã đưa 297 bác sĩ trẻ để tăng cường cho tuyến y tế cơ sở, để giữ cho được thành quả kiểm soát dịch bệnh. “Có như vậy chúng ta mới tự tin mở cửa một cách an toàn, đồng bộ, đón lại khách du lịch”, ông Ngân nhận định.

Tỷ trọng GRDP của TP.HCM ngành dịch vụ chiếm trên 62%. Trong khi đó, thời gian vừa qua TP bị ảnh hưởng trầm trọng do giãn cách xã hội. Vì vậy, năm 2022, TP sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề của năm, đó là thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chính quyền đô thị hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp… “Tất cả những chủ đề đó để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Muốn như vậy, phải đầu tư vào hai lĩnh vực, đó là đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Chúng ta quan tâm nhiều đến đường Vành đai 3, nhưng quan trọng là phải khép kín được đường Vành đai 2. Chỉ còn 14km với kinh phí 26.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách TP rất khó khăn”, ông Ngân nói.

“Kiềng ba chân” ở ba lĩnh vực: tài chính, thương mại, dịch vụ

Theo ông Ngân, Quốc Hội cần có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 (hết hiệu lực trong năm 2022) để tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Bên cạnh đó, cần có một Nghị quyết sớm cho TP Thủ Đức – một đô thị sáng tạo, đô thị tương tác cao, nơi có nhiều động lực, chiếm 30% GRDP của TP.HCM, trong đó có Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại Khu đô thị Thủ Thiêm – TP Thủ Đức - TP.HCM.

“Phải nỗ lực hình hành cho được Trung tâm tài chính quốc tế tại khu đô thị Thủ Thiêm. Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ là đòn bẩy lôi kéo các nhà đầu tư vào lĩnh vực về hạ tầng, thương mại, dịch vụ; cùng với việc kết nối với Trung tâm tài chính đặt tại quận 1. TP có được trung tâm này sẽ có cái “kiềng ba chân” ở ba lĩnh vực: tài chính, thương mại, dịch vụ. Khi đó, TP phát triển một cách bền vững”, ông Ngân nhận định.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân lo lắng nhất là làm sao có cơ chế chính sách để thu hút được các "đại bàng", làm cho những "đại bàng" đó tin tưởng đầu tư vào TP thay vì các thị trường khác. “Để làm được, chúng ta phải có cơ chế đột phá, ưu đãi mạnh mẽ để thu hút họ. Điểm thứ hai là sự lan tỏa tiếng nói của các chuyên gia sẽ dẫn đến sự đồng thuận nhiều hơn, đặc biệt là sự ưu đãi và các hoạt động dịch vụ đi kèm theo hoạt động tài chính…”, ông Ngân nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM (HFIC) cho biết, với đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM xác định rõ mục tiêu trở thành "hub" (nơi hội tụ) để thu hút các đầu mối, dòng vốn doanh nghiệp, tư nhân, toàn cầu. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là có vốn rồi thì xài ra sao, vốn chảy vào lĩnh vực nào chúng ta muốn để kích hoạt phát triển kinh tế.

Thành phố đã giao HFIC lấy ý kiến chuyên gia để tổng hợp, hình thành đề cương đề án. Dự kiến, tháng 4 tới, đề án sẽ được hoàn chỉnh và trình trình Chính phủ, báo cáo lãnh đạo Đảng, nhà nước.

TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam góp ý 5 giải pháp quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỉ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp này. Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế.

Thứ nhất, mở cửa theo nghĩa rộng nhất, đỉnh cao là mở cửa kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất khai thác của các hãng hàng không miễn là có nhu cầu của thị trường; Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế; Thứ ba, duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế; Thứ tư, nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn; Thứ năm là tăng cường thể chế.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất