| Hotline: 0983.970.780

Nổ mìn phá đá trên dòng Mekong, tham vọng mở rộng thủy lộ của Trung Quốc

Thứ Sáu 06/10/2017 , 12:49 (GMT+7)

Tham vọng mở rộng thủy lộ nối miền nam Trung Quốc tới các nước hạ du Mekong để tàu lớn có thể đi lại của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của dân địa phương và các nhà hoạt đông môi trường ở Thái Lan.

Ý định của phía Trung Quốc, theo tờ Asia Times, là dùng mìn phá các ghềnh đá và cồn nhỏ để tàu thủy cỡ lớn có thể dễ dàng lưu thông, tăng cường thương mại với các vùng của Đông Nam Á.

Nhưng mặc dù chính phủ một số nước chào đón đầu tư từ Trung Quốc vào các dự án hạ tầng, dân địa phương ở Thái Lan và các nhà hoạt động môi trường phản đối kịch liệt dự án gây tranh cãi này.
 

Nổ mìn phá đá

Ba tàu Trung Quốc đem theo 60 kỹ sư đã bắt đầu một cuộc khảo sát vào giữa tháng Tư vừa qua theo sự chỉ đạo của một công ty tư vấn, chi nhánh của Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước. Nhiệm vụ của các kỹ sư là khảo sát tất cả những trở ngại đối với tuyến thủy lộ dài 96km từ giữa Thái Lan và Lào. Người Trung Quốc tỏ ra quyết tâm chế ngự các đoạn sông chảy xiết, các ghềnh đá lởm chởm để mở ra một tuyến đường sông thương mại.

13-34-06_thilnd-chin-mekong-pril-28-2017
Thuyền cắm cờ Trung Quốc chở theo các kỹ sư khảo sát khu vực đánh mìn phá đá (Ảnh: Asia Times)

Một kỹ sư thuộc đội khảo sát nói đội của anh ta coi công việc của họ là một phần chiến dịch Một vành đai, Một con đường, thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng đa quốc gia mà chính phủ Trung Quốc chủ trương. Theo sáng kiến này, các kết nối hạ tầng sẽ giúp Trung Quốc trở thành một trung tâm thương mại quốc tế.

Nhưng dân địa phương không hề hào hứng với ý tưởng của người Trung Quốc. Hơn 100 tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Thái Lan, dẫn đầu là Nhóm bảo tồn Chiang Khong và Chiến dịch Cứu Mekong, gồm nhiều nhà bảo vệ môi trường đã tuyến bố bảo vệ bằng được những hòn đảo rất có giá trị về mặt sinh thái và các đoạn thác ghềnh ở Khon Pi Luang, cách cảng vùng biên Chiang Khong của Thái Lan khoảng 20km.

Họ cũng đấu tranh ngăn chặn việc xây bất kỳ con đập nào ở vùng hạ du Mekong.

“Nổ mìn phá đá trên sông Mekong sẽ tàn phá khu vực sinh sản của các loài cá, ảnh hưởng đến hoạt động di trú của các loài chim và hủy hoại công việc canh tác nông nghiệp hai bên bờ sông”, Niwat Roykaew, Chủ tịch Nhóm bảo tồn Chiang Khong nói. “Việc đó sẽ giết chết sông Mekong".

Trong khi các kỹ sư Trung Quốc tiến hành khảo sát, thuyền của các tổ chức phi chính phủ vây quanh, giăng biểu ngữ phản đối. Nhưng có vẻ những hành động này không có mấy tác dụng với nhóm người Trung Quốc.

Phía Trung Quốc đã cho nổ mìn lần đầu vào năm 2002 tại khu vực biên giới Lào - Myanmar. Mìn đã phá hủy tất cả ghềnh đá và đảo nhỏ, mở ra tuyến đường thủy hướng tới cảng Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan. Lần đầu tiên, tàu hàng 200 - 300 tấn đã có thể đi từ Trung Quốc tới Thái Lan.

Cuối năm ngoái, Chính phủ Thái Lan phê chuẩn Kế hoạch Phát triển đường thủy quốc tế trên sông Lan Thương-Mekong, một chương trình do Trung Quốc thực hiện nhằm mở đường cho một đợt nổ mìn dọn đường mới.

Nhưng sau khi có các cuộc biểu tình phản đối, chính phủ Thái “nói lại cho rõ” rằng các đợt nổ mìn phá đá sẽ không được phê chuẩn cho đến khi hoạt động khảo sát và đánh giá tác động môi trường hoàn tất.
 

Sản xuất Thái khốn đốn

Theo ngôn từ của Trung Quốc, chiến lược mở rộng đường thủy này nhằm nâng cao giá trị trao đổi thương mại, kết nối vùng giữa các quốc gia trong khu vực. Trong số 6 quốc gia mà dòng Mekong chảy qua, đã có 4 quốc gia tán đồng ý tưởng này, gồm Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Nhưng chưa có một điều tra độc lập, điều tra liên quốc gia về những tổn thất kinh tế tiềm tàng cũng như những tác động tiêu cực về môi trường khi người ta can thiệp vào dòng chảy Mekong, theo lời các nhà môi trường Thái Lan.

13-34-06_thilnd-mekong-niwy-roykew-februry-2-2017
Nhà hoạt động vì môi trường người Thái Niwat Roykaew: “Họ sẽ giết Mekong” (Ảnh: Asia Times)

Còn người dân Thái thì bắt đầu cảm nhận rõ tác động: một cơn lũ sản phẩm nông nghiệp từ Trung Quốc đã đổ vào. Nông dân Thái lao đao vì tỏi, hạt hướng dương, hạt bí, hạt lựu giá rẻ của Trung Quốc đã đẩy bật hàng của họ khỏi chợ. Các loại đồ nhựa, đồ điện và đồ gia dụng khác từ Trung Quốc cũng khiến các nhà sản xuất địa phương vào cơn khốn đốn.

Wiroon Kampilo, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại tỉnh Chiang Rai nói với báo chí địa phương: “Các doanh nghiệp Thái Lan sẽ không được gì từ thủy lộ này cả, chúng chỉ có lợi cho người Trung Quốc”.

Cũng có những câu hỏi đối với những công trình hạ tầng tương tự. Đó là con đường cao tốc R3A nối Thái Lan qua Lào tới miền nam Trung Quốc, mở ra năm 2008. Rồi cây cầu hữu nghị thứ tư giữa Thái Lan và Lào, khánh thành năm 2013, kết nối thành phố Côn Minh của Trung Quốc với Lào qua thành phố vùng biên Chiang Khong của Thái Lan. Tất cả đã giúp hàng hóa Trung Quốc tiến sâu vào đất Thái Lan.

Kế hoạch đánh mìn phá đá của Trung Quốc lại giáng một đòn vào con sông quan trọng nhất Đông Nam Á, vốn đã chịu nhiều tác động từ việc xây các con đập ở thượng nguồn.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất