| Hotline: 0983.970.780

Nở rộ phong trào phát triển HTX - Cách làm của Sơn La

Thứ Hai 17/09/2018 , 14:50 (GMT+7)

Phát triển HTX và hoạt động thế nào cho hiệu quả ở đồng bằng, miền xuôi vốn đã khó, ở miền núi, vùng sâu vùng xa càng khó hơn. Thế nhưng rất ngạc nhiên là hiện nay, một tỉnh miền núi có điều kiện hết sức khó khăn như Sơn La, lại được đánh giá có tốc độ phát triển HTX và tỉ lệ HTX hoạt động có hiệu quả thuộc tốp đầu cả nước? 

Đâu là bí quyết, cách làm trong xây dựng, phát triển HTX của tỉnh này?
 

Luồng gió mới ở Chiềng On

Chiềng On (huyện Yên Châu, Sơn La) là xã vùng biên giáp với nước bạn Lào. Mùa này, đường vào Chiềng On ngổn ngang những vạt đồi sạt lở, đổ ụp xuống chắn lối đi. Ấy là kết quả của những năm tháng đồi núi bị cạo trọc để phủ bằng cây ngô xóa cái nghèo đói cho đồng bào người Xinh Mun, người Mông, người Thái ở đây. Chiềng On có trên 60% dân số là người Xinh Mun.

15-53-53_2
HTX gắn với DN là một trong những hướng đi bền của Sơn La

Chỉ cách đây 2 - 3 năm thôi, cái nghèo thì vẫn đeo đẳng người dân vùng biên đặc biệt khó khăn này. Ở đây, một năm thường lệ chỉ có một vụ ngô nhờ nước trời. Mùa này những năm trước đây, khi những nương ngô đã theo xe tải về kho của cánh chủ đầu tư dưới thị trấn Hát Lót, bà con Xinh Mun ở Chiềng On người lên rừng kiếm măng, người không đi rừng thì ngồi co ro tựa cột ngó ra đường, buồn tới nao lòng...

Chiềng On bây giờ không còn buồn nữa, có cái gì đó đã khác, rất khác! Chiều muộn, những chuyến xe máy nườm nượp chở đầy những sọt quả chanh leo, quả nào quả nấy tròn múp, bóng nhẵn về các điểm thu mua, phân loại của tổ hợp tác trồng chanh leo đóng tại bản Nà Đít. Một không khí lao động, sản xuất tất bật, hăng say, rổn rảng những nụ cười như nở hoa trải khắp các bản làng. Luồng không khí ấy đã đến với Chiềng On từ năm 2017 đến nay, khi mô hình liên kết giữa Cty CP Nafoods Tây Bắc với của Tổ hợp tác trồng chanh leo Chiềng On ra đời.

Tất bật phân loại, đóng thùng, ghi sổ sách để chuyển lô chanh leo vừa thu hoạch lên chiếc xe tải của Cty Nafoods Tây Bắc đánh lên tận nơi thu mua, ông Vì Văn Nèn, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng chanh leo Chiềng On quệt vội mồ hôi hồ hởi: Năm nay, nếu trời không mưa quá nhiều khiến một số chanh leo bị rụng, người trồng chanh leo ở Chiềng On ăn to!

Nếu như năm 2017, giá chanh leo bình quân chỉ khoảng 15.000 đồng/kg thì năm nay, Cty Nafoods Tây Bắc đã nâng giá chanh leo bình quân lên mức 25.000 đồng/kg, có thời điểm chanh leo loại A, giá lên tới 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Tổ trưởng Vì Văn Nèn phấn khởi cho biết năm 2017, được Cty Nafoods Tây Bắc hỗ trợ bán cây giống trả chậm (khấu trừ dần khi chanh leo cho thu hoạch), đã có 50 hộ dân thuộc 5/12 bản trong toàn xã mạnh dạn đầu tư trồng chanh leo, hộ ít chỉ 40 - 50 gốc, hộ nhiều 300 - 400 gốc, với tổng diện tích của Tổ hợp tác khoảng 8ha. Riêng gia đình ông Nèn, cũng trồng thử nghiệm 150 gốc trên diện tích 0,3ha. Chỉ năm đầu, 150 gốc chanh leo đã cho gia đình ông tổng thu nhập trên 50 triệu đồng. Các hộ có diện tích lớn đã có thu nhập 200 - 250 triệu đồng.

15-53-53_1
Phân loại, đóng gói chanh leo tại Tổ hợp tác trồng chanh leo xã Chiềng On

Mới chỉ 2 năm có mặt, quãng thời gian còn quá ngắn để cây chanh leo thay đổi được bộ mặt kinh tế của người dân nơi đây, nhưng một luồng sinh khí mới, cánh cửa mới đã và đang mở ra.
 

Doanh nghiệp là hạt nhân, nông dân phải đồng lòng!

Lựa chọn Sơn La làm nền móng cho chiến lược phát triển cây chanh leo ở các tỉnh miền núi phía Bắc phục vụ chế biến và XK, cuối năm 2016, những diện tích chanh leo đầu tiên của Cty CP Nafoods Tây Bắc (thuộc Tập đoàn Nafoods) được đưa vào trồng thử nghiệm.

Đến nay, Nafoods Tây Bắc đã nhanh chóng xây dựng được vùng nguyên liệu gần 1.500ha tại Sơn La cùng nhiều địa phương khác như Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình...

15-53-53_4
Tạo sự đồng thuận là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng thành công HTX
Cách làm của Nafoods, trước hết là khảo sát điều kiện tự nhiên từng tiểu vùng để xác định có thể trồng được chanh leo ở đó hay không. Nếu có khả năng trồng được, thì chủ trương vùng nguyên liệu mở ra tới đâu, HTX phải được thành lập ở đó trước khi đưa cây chanh leo vào trồng. Công tác tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật cho các HTX được xác định phải đi trước một bước. Phối hợp với chính quyền các cấp cũng như Liên minh HTX tỉnh Sơn La, 2 năm qua, đã có hơn 100 hội thảo tập huấn, đào tạo chuyên đề về cây chanh leo cho nông dân tại các thôn bản, xã, huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó nòng cốt là đội ngũ quản trị HTX, xác định mỗi HTX muốn hoạt động hiệu quả thì phải có những hạt nhân có năng lực vận hành...

Với chiến lược nâng diện tích chanh leo toàn tỉnh Sơn La lên khoảng 5.000ha vào năm 2020, một NM chế biến sản phẩm chanh leo của Nafoods Tây Bắc tại huyện Mộc Châu với công suất 120 tấn quả/ngày đang sắp đi vào vận hành trong tháng 10/2018, đảm bảo chế biến cho khoảng gần 17.000 tấn quả chanh leo trong niên vụ 2018.

Phong trào phát triển HTX nông nghiệp nở rộ ở Sơn La trong vài năm trở lại đây, số lượng HTX về lĩnh vực cây ăn quả chiếm thế thượng phong, trong đó các HTX liên kết trồng chanh leo với Cty Nafoods Tây Bắc đóng một vị trí rất quan trọng. Cụ thể chỉ sau gần 2 năm, đã có 20 HTX, tổ hợp tác liên kết trồng chanh leo nguyên liệu cho Cty Nafoods Tây Bắc được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả.

Chia sẻ về cách làm trong việc xây dựng các HTX liên kết nhằm tạo bước đi vững chắc ở một địa bàn miền núi khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lê Hoài Hưng, GĐ Cty Nafoods Tây Bắc đúc rút: Ngay từ khi xác định đầu tư lên Tây Bắc, liên kết “4 nhà”, trong đó nòng cốt là HTX đã được Cty xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Theo đó, DN không lựa chọn mô hình thu gom đất tập trung để trồng nguyên liệu, mà chủ trương liên kết với nông dân. Đặc thù miền núi quỹ đất rất manh mún, tiểu vùng khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với cây chanh leo nhưng nằm rải rác.

Muốn liên kết với nông dân, phương án tốt nhất vẫn là thành lập HTX, bởi chỉ có HTX mới có thể là các đối tác của Cty, cũng là những đại diện của người dân để cùng nhau phối hợp, triển khai công việc được tốt hơn…

Quay trở lại với mô hình Tổ hợp tác trồng chanh leo ở xã Chiềng On, dù chưa chính thức thành lập HTX, nhưng mô hình vận hành, hoạt động ở đây cho thấy vai trò của mô hình tổ chức, của đội ngũ quản trị HTX và các hộ thành viên nòng cốt có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Theo đó, sau khi cán bộ kỹ thuật của Cty Nafoods khảo sát các khu vực có thể trồng được chanh leo với các tiêu chí như phải có đường giao thông đảm bảo xe máy vào được tận nơi, phải có nguồn nước..., các hội nghị phổ biến cho nông dân được triển khai.

Anh Phan Văn Thắng, một trong số các thành viên sáng lập Tổ hợp tác chia sẻ: Ở 5 bản có trồng chanh leo trong xã, mỗi bản sẽ phải cử ra một người phụ trách đầu mối. Đây phải là hộ có tham gia trồng chanh leo, nhưng phải có trình độ, kiến thức nhất định, đặc biệt là phải có uy tín, tiếng nói trong cộng đồng thôn bản để tạo nên sự đồng lòng của các hộ. Đầu mối ở các thôn bản sẽ phụ trách liên lạc với lãnh đạo Tổ hợp tác, tổ chức lịch thu hoạch, giám sát SX tại địa bàn, khi có vấn đề về sâu bệnh thì thông báo cho lãnh đạo Tổ hợp tác để liên hệ với cán bộ kỹ thuật của Cty xuống kiểm tra xử lí...

Chanh leo biến giấc mơ thành hiện thực

Các diện tích được chuyển sang trồng chanh leo trước năm 2017 đều là đất trồng ngô. Giá ngô mấy năm nay liên tục giảm, mà tiền vật tư lại tăng, nên gần như trồng ngô năm nào cũng lỗ nặng.

Với suất đầu tư chỉ khoảng trên dưới 30 triệu đồng/ha/năm, tính ra, cây chanh leo nếu chịu khó chăm sóc, trừ chi phí cho thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Đây là điều mà bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có nằm mơ cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới. Từ 8ha trồng thử năm 2017, năm 2018, diện tích trồng chanh leo của Tổ hợp tác xã Chiềng On đã tăng lên gấp đôi với trên 15ha.

Đến nay, chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, nhưng Tổ hợp tác trồng chanh leo xã Chiềng On đã hoạt động khá trơn tru. Tổ hợp tác có kế toán riêng. Mỗi đầu mối thôn bản như là một cán bộ kỹ thuật ở cơ sở. Trên cơ sở ký kết hợp đồng bao tiêu 100% với Cty Nafoods Tây bắc, chanh leo được giám sát kỹ thuật, tổ chức lịch thu hoạch đồng loạt theo định kỳ, nhờ đó có sản lượng ổn định trung bình 2 tấn/lượt thu hoạch (bình quân 4 ngày/lần), đảm bảo chuyến xe của Cty vào thu mua vận chuyển. Tổ hợp tác có riêng đội ngũ kỹ thuật phân loại, đóng gói chanh leo theo quy trình của Cty, nhờ đó Cty không còn mất công phân loại khi thu mua về kho, đồng thời HTX cũng được hưởng thêm công phân loại đóng gói, giúp giá thu mua chanh leo cao hơn. Đối với vật tư đầu vào, do chưa có vốn góp nên các hộ kinh tế khá giả tự nguyện đứng ra mua tín chấp vật tư phân bón, thuốc BVTV với giá rẻ hơn đại lý, đảm bảo chất lượng để cung cấp cho các hộ trong Tổ hợp tác.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.