| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn cô giáo

Thứ Tư 03/04/2019 , 09:19 (GMT+7)

Tôi là nhà giáo về hưu, suốt cả một đời chỉ làm thầy giáo chị ạ. Từ khi xã hội nghèo đến mức giáo viên nữ phải vừa bán hàng cho học sinh vừa cầm cự với đồng lương đói. Rồi trường lớp khang trang, chúng tôi không bán hàng nữa mà bán lương tâm chị ạ, để có tiền.

Chị Dạ Hương kính!

Tôi cũng chỉ vừa rời nhà trường để về nhà mình mới có mấy năm nay. Dù ở một huyện xa, và đã chuyển qua mấy trường nhưng tựu trung, vẫn gõ đầu trẻ gần bốn chục năm.

Tôi quan niệm việc dạy thêm là bán lương tâm. Cái guồng ấy không ai cưỡng được. Tôi dạy văn, tôi vào guồng sau các vị toán - lý - hóa - sinh - ngoại ngữ. Nhưng rồi cũng thế cả. Vì miếng cơm manh áo. Lương vẫn còm mà xã hội giàu vùn vụt, chúng tôi đâu phải gỗ đá, chúng tôi so sánh và xoay xở. Muốn dạy thêm phải biết điều với ban giám hiệu, phải nịnh phụ huynh giàu, phải bực mình phụ huynh nghèo.

Không nhớ nữa. Chúng tôi làm ngơ khi nào với sách giáo khoa nghèo nàn, sai sót hoặc dở tệ. Không ai phản ứng với văn mẫu ở các cấp dưới. Kệ hết, để yên thân, bởi vì ban giám hiệu cũng không do uy ín hay do thầy cô bầu ra. Một cuộc chạy chọt âm thầm hoặc lộ liễu chị ạ. Thầy cô cũng thành nhóm tiêu cực áp đảo cá nhân dạ trong lòng sạch. Mà còn được mấy người như thế nữa chị?

Vài năm lại đây có khuynh hướng cho giáo viên tự chủ nhiều hơn ở các môn xã hội. Đề mở, hấp dẫn, sát thực hơn. Nhưng tôi đã rửa tay gác kiếm, tôi không còn cả dạy kèm, dạy thêm mặc cho phụ huynh đến nài nỉ. Tôi chỉ tư vấn giúp họ nên cho con học ra sao, đọc những gì. Tôi không kiêu ngạo nhưng bất lực chị ạ, như một con tàu trượt trên đường ray mà cuối đường là gì, chị có thể gọi tên.

Gần đây, với sự việc một thầy môn Văn cho các học sinh học bằng diễn kịch, tôi không phê phán thầy ấy. Tôi chỉ thấy nó như giọt nước tràn cái ly hiện thực của môn Văn bấy lâu nay. Nhưng tôi cũng băn khoăn sao học sinh chỉ chọn những cảnh nhạy cảm trong các tác phẩm văn học ấy để dựng? Vấn đề nằm ở đây, chị có nghĩ như tôi không?

--------------------

Bạn thân mến!

Câu chuyện ngành giáo dục nói sao cho hết, nhưng đã nói thì phải nói những điều cơ bản. Có hai nền giáo dục của hai miền do đất nước chia cắt, miền Bắc xã hội chủ nghĩa, miền Nam kinh tế tự do, có trường công, có tư thục và di sản từ Pháp để lại còn nguyên cộng với tham chiếu giáo dục Mỹ. Sau hòa bình, hai miền thống nhất, cùng một cách dạy và cách học, sách giáo khoa là pháp lệnh.

Vần đề bản lề nằm ở đây, bạn còn lạ gì, bạn là một con đinh vít của cái guồng “giáo khoa là pháp lệnh”. Vì sao ở miền Bắc chưa từng có khẩu hiệu ấy, chỉ sau năm bảy mươi lăm mới có? Là vì để thống nhất một cung cách, một nội dung. Ngăn sông cấm chợ là phương thức kinh tế cũng như những khía cạnh khác. Trong bối cảnh hậu chiến chưa xong thì hai cuộc chiến ở hai đầu đất nước và bị cấm vận nữa nên nghèo thê thảm hết cả.

Bạn khiến tôi nhớ thời đói của mình, của con mình, của bạn bè là thầy cô giáo. Ai nghèo cũng đáng thương nhưng mà để thầy cô sống bệ rạc rất thương, rất xót, họ phải chống chọi với lương tâm hơn người khác, vì họ kỹ hơn trong bung ra, xoay xở, họ lọng cọng hơn.

Rồi những người giỏi tiếng Anh, giỏi Toán, tôi nhớ, những điểm dạy thêm của họ rộng như lán chợ, họ được chính quyền bật đèn xanh. Vừa cải thiện đời sống, vừa ân nghĩa cho chính quyền và cho cả nơi quản ý họ, tức ban giám hiệu, vừa thực sự có ích cho học sinh. Phải nói nhờ các thầy tiếng Anh bung ra mà chúng ta có thế hệ tiếng Anh khá như bây giờ.

Và rồi, như bạn viết, các môn khác cũng bung ra. Dạy công khai và bán công khai. Một làn sóng dạy thêm. Đã đến lúc phụ huynh rên xiết. Nhưng có ích, nhất là gửi con cho thầy cô, quá yên tâm. Vấn đề biến tướng kinh khủng là thầy cô chỉ dạy nhá nhá trên lớp để học sinh cần phải học thêm.

Văn mẫu chán, phải chán, để đến cô thầy dạy thêm thì môn văn của các em ấy mới khá. Tiếng Việt bị giết, văn học bị ghẻ lạnh (do chán học) và ghét văn thì ghét sách. Môn Sử cũng không hấp dẫn, Văn và Sử là hai môn xã hội rường cột mà bị bật ra khỏi tình yêu của học sinh, nên đạo đức suy đồi, xuống dốc.

Bây giờ đã có nhúc nhích. Phàm khi đã sai thì sửa rất khó. Đạo đức xô lệch từ thầy cô cùng các quan chức của ngành. Sai mấy chục năm thì sửa cũng phải vài chục năm mà chưa chắc đã đúng được.

Việc thầy gì ấy cho học sinh dựng kịch học Văn cũng là sáng tạo nhưng lứa tuổi ấy, ý nghĩ sáng tạo ấy, thì cảnh nhạy cảm mới hấp dẫn, mới đáng làm. Chao ơi, sáng tạo! Nên xem đó là chuyện vặt so với bạo hành học đường, đúng không? Thôi bạn, “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, bạn nhé, hồi phục lương tâm và làm gì đó nho nhỏ có ích cho địa phương, cho đời, bạn nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất