| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn sau chiến tranh

Thứ Tư 12/05/2010 , 10:29 (GMT+7)

35 năm thống nhất đất nước, vậy mà nỗi đau chiến tranh để lại không bao giờ nguôi...

35 năm thống nhất đất nước, vậy mà nỗi đau chiến tranh để lại không bao giờ nguôi (Ảnh minh họa)

Kính gửi chị Dạ Hương!

Chị đã tư vấn cho em một lần trên kỳ báo ngày 10/11/2009. Chuyện mẹ em có 3 người con, em là con gái lớn và em có hai ông bố. Mẹ đã mất và mẹ đã mang theo một bí mật về người bố của em. Em đã ở riêng, ba em nay đã ngoài 70 và đang sống với bà em đã vào tuổi đại thọ.

35 năm thống nhất đất nước, vậy mà nỗi đau chiến tranh để lại không bao giờ nguôi. Cũng vì chiến tranh mà mẹ em không đến được với người yêu. Cũng vì chiến tranh mà khi ba em bây giờ dù đã có gia đình vẫn phải lên đường cầm súng. Cũng vì chiến tranh mà mẹ em phải chia lìa các con. Để rồi ngày người yêu trở về chỉ thấy nấm mồ và người chồng của người phụ nữ đã bị bom sát hại lại là đồng đội chiến trận như mình. Éo le quá phải không chị. Em đã ra đời như thế nào mà 50 năm sau em mới biết ai là cha đẻ của mình. Không cần tốn kém, không cần đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, biết cha là cha ruột mà không muốn nhận nhau.

Em luôn mong có ngày hai người cha của em ngồi lại với nhau. Em mong họ nghĩ mình là những cựu chiến binh kỳ cựu mà hiểu cho nhau. Ba em, người em đang chính thức gọi ba mãi mãi thương yêu em như lúc em còn tấm bé. Còn ông ấy, người đã tạo ra em đã không dám dũng cảm nhận em dù em và ông sống cạnh nhau, trong tầm mắt. Giờ ông đừng trách sao già yếu mà em không về thăm.

Em là con gái duy nhất của ba em, con em cũng là những cháu ngoại duy nhất của ông. Còn ông ấy, con gái nhiều và cháu ngoại gái cũng nhiều. Em lớn lên chẳng khỏe mạnh gì, lúc đi viện thì một tay ba em, còn ông ấy…? Lương tâm em không ghét bỏ ông ta nhưng ba em đã rất tuyệt vời với em từ xưa đến nay, luôn lấy em ra làm gương cho các em. Em chưa bao giờ thấy ba ruồng rẫy hay phân biệt đối xử.

Nếu được, chị in những dòng này để gửi gắm với vong linh mẹ em rằng em không hề trách cứ mẹ, chỉ thấy thương mẹ lúc ấy, chỉ buồn rằng mẹ vĩnh viễn ra đi lúc mới 40 tuổi và chưa kịp thổ lộ với em điều gì. Một chuyện nữa, nếu được, xin chị đến Bình Thuân (địa chỉ em ghi cụ thể dưới thư đây) để giúp ba em có thể làm chính sách xã hội cho ông không. Ba em bị thương trong chiến tranh, còn giữ được một số giấy tờ, còn một mảnh đạn trong người, họ đòi đủ thứ thủ tục và chính họ còn làm mất một số nên ba em không có chế độ thương binh. Nếu ba được hưởng chế độ thì trong thi cử, các con ông cũng đỡ. Giờ các em đã trưởng thành nhưng thấy ba hay thở dài em đau lòng lắm. Em muốn ba có những ngày cuối đời có được sự quan tâm của chính nghĩa.

Em một lần nữa xin giấu tên và địa chỉ

Em thương mến!

Chị vẫn nhớ chuyện bi kịch như thể một bộ phim buồn của nhà em. Quá buồn, toàn do chiến tranh gây ra cả. Chuyện không có hậu vì mẹ em mất sớm một cách thương tâm. Nhưng chuyện không hoàn toàn bi đát bởi vì em có một người cha chính thức, tuyệt vời, có cả bà nội cũng thương yêu em, không hề gợn một chút phân biệt đối xử nào. Trong rủi có may, nói theo dân gian, còn nghĩ như chúng ta thì ở đâu cũng có tình người kỳ diệu và đó là điểm tựa của mình, đừng đánh mất niềm tin vào điều đó.

Còn biết bao hoàn cảnh như em trên đất nước này. Chị biết một người bộ đội tạo nên một em bé chỉ sau một lần với cô thôn nữ ở bên gốc cây. Chiến tranh tăm tối, người phụ nữ ấy không biết ai là cha của con, vì trong đại đội đóng quân qua làng có nhiều anh mến cô lắm. Người bộ đội cả gan ấy sau thành nhà thơ nổi tiếng, không có con trai nối dõi tông đường. Một lần cô thôn nữ xưa đọc báo, thấy ảnh và thấy tâm sự về chuyện đời tư của nhà thơ, liền tự bắt liên lạc, vì con trai của chị giống người này quá chừng. Nhưng người ta cũng đã có chồng, người cha “kế tiếp” ấy thương đứa con trai ấy lắm. Đứa con đã nhận cha thêm nhưng không phụ người đã có công nuôi mình. Chuyện vui hơn của em, đúng không?

Còn việc chính sách cho ba em, chị không thể ra Bình Thuận để giúp được. Chính em hoặc các em trai em phải làm việc đó cho ông. Nhưng xa xôi với thời điểm cũ quá rồi, mảnh đạn đã bị mỡ bao, chắc không siêu âm mà thấy được. Những người có thể làm chứng cho ông liệu có còn không? Thật nhiêu khê và mơ hồ, ông đã già, chắc không tự “chiến đấu” với thủ tục và thái độ thường rất kên kên của các nàng ở bàn chính sách, thôi đi. Có 300.000 người mất tích chưa tìm được hài cốt, ba em như một hạt cát trong cái biển mênh mông này.

Hy vọng những lời trong thư em sẽ làm mẹ em khuây khỏa nơi chín suối. Hy vọng em mạnh giỏi để chăm ba, chăm bà nội và chăm gia đình mình, bằng an, thanh thản.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.