| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn Truông Gia Vấn

Thứ Hai 04/04/2011 , 09:40 (GMT+7)

Người dân của thôn Truông Gia Vấn, xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ, Bình Định) đang phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề...

Người dân của thôn Truông Gia Vấn, xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ, Bình Định) đang phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề...

Những người cùng khổ

Người già trong làng kể: Xưa kia, Truông Gia Vấn là vùng đất hoang vu, cách trở. Không có đường giao thông, muốn về Truông Gia Vấn phải đi bộ men dưới chân núi Đá Trãi. Tuy chỉ cách khu dân cư gần nhất chưa đầy 8km nhưng phải mất đến nửa ngày mới đến được nơi đây. Những tưởng vùng đất này sẽ mãi mãi hoang vu, không người sinh sống nhưng không ngờ có ngày nó trở thành “miền đất hứa” của những người cùng khổ.

Thời ấy, người dân cùng đinh có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến chuyện được sở hữu 1 thửa ruộng để canh tác làm ăn. Ruộng là của địa chủ, phú nông, dân đen chỉ biết “ở trai”, cày thuê, cuốc mướn kiếm sống qua ngày. Những cư dân đầu tiên lên định cư ở Truông Gia Vấn là những người muốn có cuộc sống tự do dù biết phải đối mặt với muôn vàn cơ cực. Cụ Đỗ Ngọc Châu (80 tuổi) là một trong 2 người cao tuổi nhất hiện nay ở Truông Gia Vấn kể: “Gia đình tôi đã 3 đời là cư dân ở đây. Thưở ấy, ông bà tôi không cam khổ đời “ở trai” cho nhà địa chủ, vắt hết mồ hôi trong người mà cơm ăn không đủ no nên dắt díu nhau lên đây khai khẩn đất hoang, tạo lấy mảnh ruộng làm ăn. Người trước dắt người sau, lâu dần hình thành vùng dân cư".

Sau ngày giải phóng, ở Truông Gia Vấn chỉ có gần 20 hộ dân. Đến năm 1993, Truông Gia Vấn có thêm hàng chục hộ dân khác từ khắp nơi trong huyện Phù Mỹ về đây xây dựng vùng khu kinh tế mới. Đến nay, toàn thôn Truông Gia Vấn có 59 hộ dân với 232 nhân khẩu.

Vùng đất nhiều không

Trong khi ở những địa phương khác, cả những vùng miền núi heo hút đang phát triển vùn vụt thì ở Truông Gia Vấn này, người dân vẫn đang sống đời cơ cực bởi còn thiếu thốn trăm bề. Bà Nguyễn Thị Giáo (53 tuổi), người định cư ở Truông Gia Vấn đã hơn 30 năm, nhớ lại: “Khi vợ chồng tôi theo cha mẹ về đây làm ăn, lúc ấy chưa có đường giao thông, người dân ở đây muốn ra làng ngoài phải đi men theo chân núi. Năm 1985, Nhà nước xây dựng hồ chứa nước Đá Trãi thì chúng tôi đi lại bằng ghe qua hồ. Khi vùng đất này được hưởng hỗ trợ từ Chương trình 135 của Chính phủ thì ở đây mới có đường giao thông. Hồi ấy con đường còn thô sơ lắm nên chỉ phục vụ người đi bộ, đến cả xe đạp cũng không đi được vì quá gập gềnh”.

Đi lại quá khó khăn nên 5-10 ngày phụ nữ ở đây mới đi chợ 1 lần, thức ăn chủ yếu là mắm khô, năm thì mười họa mới được ăn 1 bữa cá tươi. Cơ cực nhất là khi có người đau bệnh. Phương tiện vận chuyển người bệnh duy nhất ở đây là võng. Người bị bệnh nhẹ còn “trụ” được với chặng đường gian nan để đến trạm y tế, người bị bệnh cấp cứu thường phải chịu tử vong. Chị Mai Thị Hồng (42 tuổi) xót xa kể: “Năm tôi sinh đứa con đầu lòng, lúc bị giằng xóc trên võng để xuống trạm xá xã, tôi cứ ngỡ đứa con trong bụng sẽ chịu không nổi, may mà tai qua nạn khỏi. Cùng cảnh ngộ như tôi, chị Liên đã không trụ được, chết cả mẹ lẫn con ngay trên đường đi”.

Bây giờ, con đường đã được mở rộng rãi hơn nhưng vẫn còn rất gập ghềnh, có một đoạn dài đang bị xói lở rất sâu. Giao thông bất thuận còn mang đến cho người dân ở đây nhiều thiệt thòi khác. Bất cứ món hàng nào về đến Truông Gia Vấn đều có giá cao hơn nơi khác rất nhiều, nhất là vật tư xây dựng. Chi phí xây dựng 1 căn nhà ở đây cao gấp 3-4 lần so với vùng đồng bằng. Trong khi đó, nông sản, gia súc ở đây luôn bán với giá bèo bởi khi lên đây thu mua, tư thương luôn lấy chi phí vận chuyển làm lý do để ép giá.

Ở Truông Gia Vấn hiện đang trồng được 70 ha rừng sản xuất, giá gỗ rừng trồng đang tăng cao nhưng bà con không dám mừng vì không biết có ai dám lên đây thu mua không? Điều oái ăm nhất của nông dân ở Truông Gia Vấn là dù nằm sát cạnh 2 hồ chứa nước Đá Trãi (Mỹ Hòa, Phù Mỹ) và hồ Hội Sơn (Cát Sơn, Phù Cát) nhưng đồng ruộng ở đây không có nước sản xuất. Hơn 55 ha đất nông nghiệp ở đây đều chịu cảnh ăn nước trời, năng suất bấp bênh. Năm nào được mùa nhất cây lúa ở đây cũng chỉ cho năng suất 170kg/sào/vụ.

Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng thôn Truông Gia Vấn, cho biết: “Năm nay, nhiều diện tích lúa đông xuân đang bị thiếu nước, nhiều đám ruộng đã chết khô. Vùng nào tận dụng được nguồn nước ngầm thì bà con đào ao bơm tưới. Có nơi cột nước cao đến hàng trăm mét đường ống nhưng cũng phải cứu lúa để có gạo ăn”. Rồi ông thôn trưởng mơ ước: “Nếu không có giải pháp xây dựng hệ thống thủy lợi, bà con ở đây mong sao Nhà nước đầu tư đào cho chúng tôi 10 cái ao với kinh phí khoảng 10 triệu đồng/ao thì sản xuất nông nghiệp ở đây mới được bền vững”.

Chuyện làm ăn khó khăn là vậy, chuyện điện đóm còn thê thảm hơn. Từ năm 2000 trở về trước, người dân Truông Gia Vấn chưa biết đến điện là gì. Năm 2001 Nhà nước cấp cho máy phát điện, người dân tự đóng góp tiền mua nhiên liệu. Đến năm 2006 tiền mua nhiên liệu được Nhà nước hỗ trợ. Quãng thời gian này gọi là có điện nhưng mỗi đêm chỉ được thắp sáng vài giờ, chủ yếu để các cháu học bài.

Ở trọ để học mẫu giáo

Có lẽ bức tranh giáo dục ở Truông Gia Vấn là có sắc màu u ám nhất. Ở đây có một ngôi trường tiểu học, thế nhưng số lượng học sinh toàn cấp chỉ có 30 cháu nên rất khó cho ngành chức năng bố trí thầy cô về đây dạy, học sinh phải học lớp ghép. Cháu nào trụ được qua hết cấp 1, lên đến cấp 2, cấp 3 phải khăn gói xuống xã, huyện ở trọ để theo học. Chuyện học của con em đã khó, chi phí cho con em đi học đối với nhiều gia đình còn khó hơn. Đi học xa nhà, tiền học phí, tiền trọ của học sinh đối với nhiều phụ huynh là một gánh nặng khó kham nên thế hệ “rường cột” của địa phương này hầu hết đều bị dang dở trên chặng đường kiếm chữ lập thân.

"Ngành chức năng đã có kế hoạch đưa nước từ hồ Hội Sơn (Phù Cát) về tưới cho đất nông nghiệp ở Truông Gia Vấn và các xã lân cận với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, tuy nhiên chưa biết kế hoạch này có khả thi hay không. Về giao thông, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án gần 8km đường bê tông với kinh phí 14 tỷ đồng sẽ triển khai trong nay mai và trong năm 2011 này người dân Truông Gia Vấn sẽ được dùng điện lưới quốc gia", ông Lê Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa

Chị Nguyễn Thị Giáo, một người dân ở đây, than thở: “Gia đình nào có người thân ở gần trường thì đỡ tốn tiền ở trọ, gạo mắm thì các cháu mang từ nhà theo để nấu ăn. Tuy nhiên, mức học phí ngày mỗi tăng mà hầu hết dân ở đây đều nghèo, thu nhập của mỗi gia đình chỉ biết dựa vào vài ba sào ruộng năng suất thấp, lại không có nghề phụ nên cuộc sống luôn trong cảnh giật gấu vá vai, chẳng mấy gia đình có khả năng cho con học đến nơi đến chốn”.

Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng thôn Truông Gia Vấn công nhận: “Từ ngày giải phóng đến nay tại thôn Truông Gia Vấn này chưa có cháu nào bước vào giảng đường đại học”. Thế nhưng câu chuyện tiếp nối của ông thôn trưởng về sự học của thế hệ mầm non ở địa phương này mới cho chúng tôi thấy hết sự nhọc nhằn kiếm con chữ ở Truông Gia Vấn.

“Thời gian trước đây, khi chuyện sinh con ngoài kế hoạch ở đây chưa được khống chế, Truông Gia Vấn có nhiều trẻ em nên được chính quyền xã bố trí thầy cô dạy mẫu giáo về thôn dạy học. Từ năm 2009 đến nay, khi chúng tôi thực hiện tốt công tác sinh đẻ có kế hoạch, trẻ sơ sinh hạn chế, học sinh mẫu giáo cũng giảm theo, mỗi năm chỉ có 1-2 cháu vào tuổi đi học, do không đủ lớp nên giáo viên mẫu giáo cũng bị cắt. Học sinh mẫu giáo muốn kiếm chữ cũng phải xuống xã, ở trọ để được học. Ở độ tuổi này các cháu chưa thể rời mẹ nên nhiều trường hợp con đi học mẹ phải đi theo chăm sóc. Năm nay có 6 cháu đang độ tuổi vào mẫu giáo, chúng tôi đã kiến nghị chính quyền địa phương bố trí giáo viên và UBND xã Mỹ Hòa đã có lời hứa, hy vọng các cháu mẫu giáo không còn phải đi học xa nhà”, ông Phan Thanh Sơn tâm sự.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm