| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn tuổi già

Thứ Sáu 11/10/2019 , 09:54 (GMT+7)

Tôi có một nỗi buồn tuổi già mà không biết thổ lộ cùng ai. Vợ chồng tôi cũng như nhiều bạn bè trang lứa khác, hồi trẻ hy sinh cho con, khi về hưu chưa được thong dong đi đây đi đó thì bệnh tật kéo đến.

Chị Dạ Hương kính mến!

Già nữa, bỗng nhiên mình làm phiền con cái mà thật ra mình có muốn như vậy đâu chị.

Chị ạ, tôi là con gái rượu của mẹ tôi. Mẹ rất giỏi giang tháo vát mà tôi thì đau bệnh rề rề, có lẽ cơ địa của tôi giống ba và bên nội, ốm yếu, không thọ. Ba mất sớm lúc tôi mới 10 tuổi, mẹ ở vậy nuôi tôi ăn học, hồi đó còn chiến tranh, cũng không học được tới đâu thì mẹ gả tôi cho một anh cán bộ kháng chiến, mẹ sợ tôi tự chọn thì sẽ lấy sĩ quan phía bên kia hay viên chức gì đó mà mẹ không thích.

Vợ chồng ở hai nơi, mẹ tôi đưa tôi vô thăm chồng tôi, gặp là dính bầu, mẹ đưa ra thành nuôi con nuôi cháu. Ba lần như vậy đó chị. Nhưng tôi giữ được hai lần sinh, một lần cuối cùng bị sẩy. Cũng một tay bà ngoại. Chồng tôi coi mẹ vợ như mẹ đẻ, cho đến sau này, mẹ sống với chúng tôi, với con và cháu, không có trục trặc gì. Khi hai đứa con tôi lớn lên, dựng vợ gả chồng xong, có cháu cố ngoại mới ra đi.

Cùng cảnh hai đứa con nhưng phúc phần của tôi chắc không bằng mẹ. Đứa con trai đầu có vợ là con một, nó cũng phải sống bên nhà vợ, vì họ có gia sản lớn, cháu ngoại của mình là đích tôn của người ta, biết nói sao. Đứa con gái của tôi có chồng không giàu nhưng nó cũng giỏi giang, có nhà cửa riêng hẳn hoi. Vậy là nhất rồi, còn đòi gĩ nữa, đúng không chị?

Nhưng mấy năm nay chồng tôi bị gút, tôi bị tiểu đường chuyển sang tim, yếu hẳn. Con gái thấy ba mẹ vậy nó thuyết phục chồng nó về sống với chúng tôi, nhà riêng của nó cho thuê.

Cũng sống bên nhau được 1 năm rồi đó chị. Có sống chung tôi mới phát hiện cái câu tôi hay đọc ở chị “dâu là con, rể là khách”. Càng ngày tôi càng thấy rể như người xa lạ, nó ít giao tiếp lắm chị. Cháu ngoại nói, về đằng ba, ba nói nhiều cười nhiều, không như ở nhà ngoại đâu ngoại. Con gái tôi cũng bắt đầu hục hặc với tôi từ những chuyện như là vô cớ.

Tôi phải làm sao đây chị, nói con lấy nhà lại về nhà ở đi con thì liệu nó có nghe không? Mà cứ đà này thì bầu không khí sẽ rất khó khăn, do con rể phải đưa đón con nó đi học xa xôi hơn, mà vợ chồng nó đi làm cũng xa hơn.

-------------------

Chị thân mến!

Tôi hình dung được tuổi già của mẹ chị. Dù sao thời ấy, thế hệ của chị (gần với tôi đây), mọi người vừa chật vật mà cũng vừa giữ gìn ý thức gia phong, gia tộc, giấy rách phải giữ lấy lề. Với lại, cả cuộc đời góa bụa của mẹ chị là phi thường, chàng rể đối lại cũng như bát nước đầy, quá đúng. Rất mừng là sự vẹn toàn ấy đã đi hết con đường trần ai của bà, chị và chồng chị cũng cảm thấy mỹ mãn, không có gì phải băn khoăn bứt rứt, quá tuyệt đó chị.

Không thể ướm tuổi già của mẹ chị vào anh chị được. Thứ nhất, anh chị hạnh phúc, nghĩa là con cái của chị không có nguyên do để thương cảm, để phải hy sinh mà đền đáp. Thứ hai, thế hệ các con của bọn mình rất khác, cái tôi tự do, sự độc lập vốn dĩ, sự phai nhạt ý thức hệ Khổng giáo và chúng quan niệm con của chúng phải trong vòng tay của chúng, không giao phó, nhờ cậy ai cả. Chừng ấy lý do thôi thì đã phải tổ chức một cách sống khác.

Tôi e rằng cả anh và chị đã sai lầm. Còn nguyên đôi nếu có đau ốm thì ông bà chăm nhau, việc gì phải lụy đến con? Tôi đã thấy nhiều người già gan góc kiêu hãnh, sống một mình, nếu có tiền thì thuê người giúp việc, thậm chí vào viện dưỡng lão, không sờn không tủi không lăn tăn. Do quan niệm các thế hệ dựa vào nhau mà ngày nay bao nhiêu là mâu thuẫn phát sinh, có tiền bi kịch kiểu có tiền, chật vật thì hục hặc nhau suốt ngày.

Nếu đã thấy sai lầm thì phải sửa chị ạ. Anh chị bàn nhau đi rồi lên tiếng giải phóng cho con rể. Bước vào được thì bước ra được miễn hai bên đả thông, thấu hiểu, hài lòng. Vấn đề nằm ở anh chị, nếu muốn nhất định anh chị sẽ làm được. Tôi e rằng chị ươn yếu từ nhỏ, khí chất không mạnh, tinh thần lại không quyết đoán như mẹ chị.

Nếu là tôi, một khi đã thấy con rể nó ngán ngại, nó miễn cưỡng, nó khó sống, tôi chủ động ngay. Đúng, không nên quên rể là khách, đích tôn nhà người ta mà nó phải vị nhà vợ, với người Việt mình, vậy là nghịch, là chướng mà đã vậy, thì bình an suôn sẻ sao được?

Mong chị sáng suốt và đừng quên, bệnh tật gì cũng tập luyện là qua, kiên trì, mình đuổi bệnh chứ đừng để bệnh nó đuổi theo mình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.