| Hotline: 0983.970.780

Nơi chiến tranh đi qua - nỗi đau còn lại

Chủ Nhật 01/08/2010 , 12:52 (GMT+7)

Sự hy sinh lớn lao của người dân Hà Tĩnh đã được Đảng, Nhà nước ghi công; nhưng hiện tại ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều nỗi đau vì cuộc chiến...

Các đồng chí thương, bệnh binh ôn lại quá khứ trong buổi lễ gặp mặt nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7.
Theo số liệu từ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh (BCHQS), trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hà Tĩnh có 28.417 liệt sỹ, 32.246 thương binh, 51 ngàn đối tượng chính sách, 19.200 nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, 535 mẹ Việt Nam Anh hùng; 32.681 người chết và bị thương, hàng vạn ngôi nhà ở được tháo dỡ lát đường chống lầy cho xe ra tiền tuyến. Sự hy sinh lớn lao của người dân Hà Tĩnh đã được Đảng, Nhà nước ghi công; nhưng hiện tại ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều nỗi đau vì cuộc chiến...

Năm 1968 là năm Hà Tĩnh phải gánh hậu quả nặng nề nhất bởi cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc. Thời bấy giờ Hà Tĩnh là điểm yết hầu quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh, huyết mạch giao thông chi viện cho tiền tuyến nên vùng đất này đã phải hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn giặc Mỹ đổ xuống, 100% làng xã bị đánh. Bình quân mỗi km2 có tới 60 quả bom; tính trung bình, mỗi người dân Hà Tĩnh phải gánh chịu hơn 100 kg bom đạn các loại..

Chiến tranh kết thúc đã hơn 30 năm qua, nhưng ở trên mảnh đất Hà Tĩnh nghèo khó này vẫn còn đó những nỗi đau mất mát dư âm chiến tranh để lại. Về Hà Tĩnh dễ bắt gặp những đứa trẻ hay những bậc trung niên, người già còn mang “chứng tích” tội ác trên mình của cuộc chiến. Họ là những người bị nhiễm chất độc da cam từ 3 thế hệ ông, cha - những người lăn lộn chiến đấu trên chiến trường.

Ngoài nạn nhân chất độc da cam ra còn có hàng ngàn trường hợp khác đã thực sự anh dũng hy sinh nhưng đến nay họ vẫn chưa hề được hưởng một chế độ gì, chưa hề được công nhận là thương binh, liệt sỹ, hay người có công với nước.

NNVN xin được dẫn chứng một số trong hàng ngàn trường hợp đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng chưa và không được công nhận. Ông Lê Hữu Chương ở Hương Sơn, Hà Tĩnh là chiến sỹ Công an Vũ trang đang trên đường phục vụ đơn vị, bị bom Mỹ giết hại; ông Lê Ngọc Lượng ở Thạch Hà, TNXP chuyển ngành sang lái xe phục vụ chiến trường, hy sinh trong lúc đang cùng đồng đội sửa chữa xe ô tô trên tuyến lửa đường 21 (đường HCM) vẫn không được công nhận liệt sỹ; vợ chồng ông Học bà Lý nhường vườn, nhường nhà cho bộ đội đóng quân cũng chưa có chế đội gì....

Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh tại xóm 7 xã Hương Đô - Hương Khê, nơi đóng quân của Sở chỉ huy tiền phương thời mở đường Trường Sơn huyền thoại.
Nỗi đau lớn hơn nữa là trường hợp mẹ Nguyễn Thị Nghiệm quê ở Cẩm Xuyên, mẹ Nghiệm có 3 người con trai thì cả 3 con của mẹ đều tham gia chiến đấu ở chiến trường. Anh Lê Văn Chiêm, con đầu của mẹ tham gia bộ đội chống Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ bị thương chuyển ngành rồi chết. Tiếp đó 2 người con trai của mẹ tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền nam cũng anh dũng hy sinh. Đứa cháu đích tôn, con của anh Chiêm, cha chết, mẹ bị thần kinh rồi cũng chết lúc đứa con đầu lòng của anh chị chưa đầy 2 tuổi, mẹ đã phải bươn chải nuôi cháu (con trai anh Chiêm từ lúc tấm bé), sau lớn lên cháu cũng tiếp bước cha, chú lên đường bảo vệ Tổ quốc rồi cũng anh dũng hy sinh. 3 người con và một đứa cháu đích tôn (do tay mẹ nuôi nấng) hy sinh, nhẽ ra mẹ Nghiệm phải xứng đáng được phong tặng là Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng ngược lại do chế độ chính sách ban hành chồng chéo, khắt khe nên mẹ Nghiệm không được công nhận là Mẹ Việt Nam Anh hùng! Mẹ Nghiệm chỉ được tính có 2 người con hy sinh còn anh Chiêm tuy có tham gia chiến đấu, bị thương nhưng chuyển ngành rồi chết, còn cháu đích tôn của mẹ hy sinh thì được cho là bà nuôi cháu thì không được tính là người có công nuôi liệt sỹ.

Tôi được chứng kiến những ngày cuối đời của mẹ, mặc dù người thân nhiều lần chở mẹ ra ngồi trước cửa công quyền để mẹ phân bua, hết năm này qua năm khác vẫn không được gì cuối cùng thì mẹ Nghiệm cũng đành nhắm mắt xuôi tay ra đi. Trước lúc tắt thở, các lão thành cách mạng đã đặt vào lòng bàn tay của mẹ một cuốn sổ màu hồng (sổ của Hội người cao tuổi) họ nói là thay vì tấm thẻ “Mẹ Việt Nam anh hùng”cho mẹ mãn nguyện trước lúc trút hơi thở cuối cùng!

Trong chuyến về thăm Hà Tĩnh, tại buổi nói chuyện của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với lãnh đạo cốt cán của tỉnh, Chủ tịch nước yêu cầu Hà Tĩnh phải làm tốt công tác chính sách với những người có công. Và cũng trong cuộc gặp gỡ này, Đại tá Phan Xuân Hệ, nguyên Chỉ huy Trưởng BCH quân sự tỉnh Hà Tĩnh, nay là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam trăn trở trước Chủ tịch nước: Hà Tĩnh có 19.200 người bị nhiễm chất độc da cam; theo tinh thần QĐ 26-CP của Thủ tướng CP, bước đầu Hà Tĩnh được công nhận 7.236 người là đối tượng được hưởng chế độ da cam. Nhưng sau đó Thủ tướng Chính phủ lại ban hành QĐ 120 thay cho QĐ 26-CP thì số người được hưởng xuống còn 4.763 người. Vấn đề trên đã gây bất bình đối với những hoàn cảnh đáng thương tâm vì hậu quả chiến tranh gây nên.

Được biết, hiện tại Hà Tĩnh còn có hơn 14.000 đối tượng chưa được hưởng chế độ là nạn nhân chất độc da cam. Ông Hệ cũng cho biết hầu hết hoàn cảnh họ đều thuộc đối tượng nghèo đói, bệnh tật triền miên và ông đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ cần sớm ban hành một chế tài sát thực, phù hợp nhất để giải quyết việc tồn đọng cho những người có công với nước, những nạn nhân chất độc da cam.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.