| Hotline: 0983.970.780

Nói chung, đừng chỉ vun đắp cho mình

Thứ Năm 05/03/2020 , 11:02 (GMT+7)

Theo cô, người già mà đã thốt ra lời, tức là đã không nén nổi nữa. Vậy nên cháu nên bàn với chồng, bắt đầu báo hiếu đi.

Cô Dạ Hương kính mến!

Hai vợ chồng cháu làm công chức nhà nước, chồng cháu công tác xa nhà nên thường xuyên vắng mặt. Công việc của cháu cũng bận rộn nên chuyện con cái, đành phải nhờ đến ông bà nghỉ hưu chăm sóc. Cháu nghĩ, đó cũng là chuyện thường tình như mọi gia đình khác phải không cô?

Lúc sống cùng, nhà ông bà ở trên đồi cao, chia làm nhà chính và có thêm nhà ngang, xây theo kiểu miền Bắc ngày xưa. Nên vợ chồng cô em gái mỗi lần về chơi, sinh hoạt chật chội, bố mẹ cháu tỏ vẻ khó chịu lắm. Tuy không nói thẳng ra, nhưng lại bóng gió muốn vợ chồng cháu ra ngoài ở. Rồi mỗi tối cháu đi làm về, ông bà cứ kêu con cháu nghịch ngợm, trông mệt, vất vả...

Cũng may, qua bạn bè giúp đỡ, cháu tìm được căn nhà khá đẹp và ưng ý để mua. Tuy cũng còn “đồng nợ, đồng nần”, nhưng cháu không cảm thấy đó là khó khăn, vì vợ chồng “chung lưng đấu cật” thì “tát biển Đông cũng cạn” cô nhỉ?

Đêm đầu tiên được ở nhà mới, cháu như người nằm mơ cô ạ. Cảm giác đó đến giờ cháu vẫn không thể quên được. Vì sáng cháu phải đi làm sớm, nên ông bà nội ngoại đều thay nhau ra đưa con cháu đi học giúp. Nhưng cũng từ căn nhà đẹp này mâu thuẫn lại nảy sinh cô ạ.

Sau khi mua nhà, ai qua lại cũng khen ngôi nhà cháu đẹp, lại ở vị trí trung tâm. Được thể, bố chồng cháu lại khoe: “Nhà tôi mua cho cháu nó đấy”.

Mọi người lời ra tiếng vào: “Sao ông bà không dọn xuống đây ở cùng con cháu cho sum vầy, chứ ở trên kia đồi núi, lại chỉ có hai ông bà, đêm hôm ốm đau biết gọi ai?”. Có lẽ, nghe nhiều thành quen, nên ông bà đang có ý định chuyển chỗ ở thật.

Trong bữa cơm gia đình, ông bà nói với vợ chồng cháu rằng: Cũng muốn tìm một căn nhà ở dưới mua để ở cho thuận tiện. Nhưng vấn đề là ông bà hiện nay chỉ có vài chục triệu đồng tiền tiết kiệm, thì sao mua nổi căn nhà tiền tỉ dưới này cơ chứ? Hay ông bà muốn xuống ở cùng vợ chồng cháu?

Cô có thể giúp cháu “nắm bắt tâm lí” của ông bà và giúp cháu lời khuyên được không ạ?

----------------------

Cháu thân mến!

Hôn nhân mới 6 năm mà các cháu đã mua được nhà tiền tỷ, giỏi quá, cô khen. Nhưng sự đời ở cái xứ lạc hậu của mình, hơn thì bị ghét, sống mà cứ bị mọi người dèm pha, bình luận, quá mệt. Trước hết, phải chuẩn bị tinh thần ấy là chuyện không tránh được, ở phố thị còn bị dòm ngó phán xét nữa là ở vùng đồi như cháu.

Phải thừa nhận một điều là cha mẹ của mình hay giúp con cháu. Ông bà nội ngoại của những đứa trẻ xem là niềm vui mà bố mẹ của chúng cũng coi là chuyện đương nhiên.

Nhưng sâu xa, phải hiểu, dù là đương nhiên thì đó cũng là cái công, là cái ơn mà vợ chồng cháu và những đứa con của cháu phải ghi nhớ. Đến bây giờ, cháu có nhà mới rồi mà không nội thì cũng ngoại phải đến giúp cháu đưa đón con của cháu đi học, đúng không?

Dĩ nhiên khi vợ chồng cháu có nhà đẹp thì ông bà dù không bị tác động vẫn thòm thèm một chỗ đẹp như vậy. Theo cô, người già mà đã thốt ra lời, tức là đã không nén nổi nữa.

Vậy nên cháu nên bàn với chồng đi. Rằng bao giờ thì các cháu hết nợ. Rằng không để sinh nợ nữa nhé. Rằng phải chú ý đến chỗ nơi của bố mẹ, nghĩa là bắt đầu báo hiếu đi.

Sửa chữa chỗ trên đồi chẳng hạn, người già cần cái bếp khang trang, cần cái giường ngủ ấm áp, cần cái toa-lét sạch đẹp, cần cái phòng tắm có bình nước nóng… Nói chung, đừng chỉ vun đắp cho mình rồi nữa ông bà qua đời thì khóc, kể, tiếc thương.

Hoặc là có cách nào biến nhà trên đồi thành nhà bên cạnh chúng cháu không? Có thể bán trên đó và mua hay làm nhà ở dưới này? Cô không ủng hộ việc bố mẹ còn nguyên đôi mà đem về sống với con cái, mất tự do, rất mất tự do cho hai bên.

Nhưng nhà mình ngon mà nhà bố mẹ vẫn cũ kỹ, xập xệ thì khó an lòng, ấy là chưa nói chuyện thiên hạ kêu rêu mãi, mình mặc cảm hoặc mình bứt rứt sẽ không tốt cho cái vía, không tốt cho vận hội, không tốt cho việc làm ăn, nhé.

Tiền bạc sẽ kiếm được, bố mẹ chỉ có một đoạn đời nữa bên con cháu. Cố gắng làm cho hài hòa và lắng nghe nguyện vọng của họ với nhé.

Nhưng không nghe tất cả. Vợ chồng đối thoại nhau, chồng cháu nói chuyện với cha mẹ cậu ấy và tham khảo cháu. Hy vọng các cháu vẫn vui và rồi, tùy cách tính của hai vợ chồng mà bố mẹ cũng sẽ vui.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất