| Hotline: 0983.970.780

Nơi chương trình mua lúa tạm trữ không với tới

Thứ Ba 07/04/2015 , 14:05 (GMT+7)

Sắp kết thúc chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ. Trong đợt tạm trữ này, Cà Mau được giao chỉ tiêu thu mua 2.400 tấn. Tuy nhiên, nông dân Cà Mau "dài cổ" chờ mãi mà chẳng thấy triển khai.../ Đã thu mua tạm trữ hơn 882.000 tấn gạo

Trần Văn Thời và Thới Bình là hai huyện làm lúa tập trung của Cà Mau. Về địa phương những ngày này, người dân đang bán lúa khô trữ lại từ trước để trả chi phí, do không thể đợi giá tăng được nữa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện lúa khô tại các địa phương trên thấp hơn 800 - 1.000đ/kg so với cùng kỳ năm trước, chỉ ở mức trên dưới 5.000đ/kg. Theo bà con nơi đây, họ có biết đến việc thu mua tạm trữ lúa gạo trên tivi, nhưng thực tế thì không thấy triển khai ở địa phương, chính vì thế giá lúa cứ ở ngưỡng thấp.

Rất nhiều hộ dân trồng lúa tại các xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Trần Hợi của huyện Trần Văn Thời được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Cà Mau đang nhói lòng vì giá lúa cứ đứng ở mức thấp.

Ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Khánh Bình Tây cho biết: “Chúng tôi có nghe nói thu mua tạm trữ lúa gạo nên cố trữ lại mong được giá sẽ bán, nhưng chờ hoài không thấy gì, nên phải kêu thương lái đến bán lúa khô, lấy tiền chi trả phân, thuốc BVTV cho đại lý”.

“Bây giờ bán lúa, tính ra còn thấp hơn bán lúa tươi 4.400đ/kg lúc nhà tui thu hoạch dịp đông ken trước tết (thu hoạch rộ). Phơi vừa thất thoát, vừa tốn công, nay bán giá này thiệt đơn thiệt kép”, bà Phan Thị May, ngụ ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải nói.

Mang chuyện thu mua tạm trữ trao đổi với thương lái tại vùng vựa lúa Đất Mũi, anh Lâm Tấn Đạt, thương lái ở chợ Cơi Năm (xã Trần Hợi) cho biết, năm ngoái việc thu mua lúa tạm trữ lúa gạo, anh có tham gia đứng ra gom và chở thuê cho công ty trên Cà Mau.

Còn năm nay, anh không thấy ai liên hệ, mà cũng chẳng nghe bạn hàng nào đề cập đến việc này. Thương lái Út Thảo, ở xã Khánh Đông, đã mấy chục năm thu gom lúa tại huyện Trần Văn Thời và các huyện lân cận nói: “Có nghe trên tivi, chưa thấy triển khai ở đây”.

“Muốn lúa gạo ổn định giá, theo tôi nên thay đổi cả một hệ thống chính sách gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi song hành cùng việc chuyển giao, đầu tư tiến bộ khoa học - kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ...”, ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau nói.

Được biết, vụ đông xuân năm nay, Cà Mau xuống giống hơn 36.000 ha lúa. Đến nay, nông dân Cà Mau đã thu hoạch dứt các trà lúa đông xuân vào cuối tháng 3 vừa qua, năng suất trung bình 5,6 tấn/ha. Đây đã là thời điểm sắp kết thúc chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, đơn vị duy nhất ở Cà Mau là Cty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau, được giao thu mua tạm trữ 2.400 tấn lúa trên địa bàn vẫn chưa bố trí phương tiện, nhân lực… thực hiện việc thu mua tạm trữ nêu trên. Sự chậm trễ ấy khiến người trồng lúa thất vọng.

Ông Dương Việt Hùng, Tổng Giám đốc Cty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau cho biết, hơn một tháng qua đơn vị của ông không thể triển khai thu mua được, vì tình hình Cty khó khăn, thiếu vốn.

Ông Hùng giải thích: “Chúng tôi đã chủ động liên hệ với nhiều ngân hàng thương mại xin vay vốn thu mua lúa gạo tạm trữ, nhưng họ nói Cty không đáp ứng được điều kiện cho vay. Không có tiền nên không thể tổ chức thu mua tạm trữ được".

Còn ông Lý Nam Hải, Giám đốc Chi nhánh Argibank tỉnh Cà Mau lại thông tin rằng,  đã xem xét cho Cty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Cà Mau vay trong hạn mức cho phép. Trong đó có một phần để thu mua lúa tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ.

Song theo ông Hải, những năm trước cũng xét cho Cty vay mua tạm trữ, nhưng đa phần Cty đều thua lỗ, khó hoàn vốn. Do vậy, ông Hải buộc phải cân nhắc, chọn những đơn vị có đủ điều kiện, tiềm lực thực hiện việc thu mua tạm trữ.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết chính sách tạm trữ lúa gạo của Chính phủ chỉ là giải pháp tình thế. Do Cà Mau thu hoạch vụ đông xuân sớm hơn các tỉnh ÐBSCL nên chưa được hưởng lợi lớn từ chính sách này.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm