| Hotline: 0983.970.780

Nơi dân đóng góp hơn hai nghìn tỷ

Thứ Hai 11/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Huyện Phước Long nằm mạn hẻo lánh của tỉnh nghèo Bạc Liêu đang được xem xét để công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của ĐBSCL. 

Chỉ tính 4 năm từ 2011 đến 2014, tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 5.047 tỷ đồng, trong đó, dân đóng góp nhiều nhất với 2.192 tỷ đồng, chiếm 43,4%.

Tiếp theo là vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất chiếm 43,3% với 2.188 tỷ, còn vốn xây dựng nông thôn mới từ Trung ương chỉ 0,4% với vỏn vẹn 23 tỷ đồng.

Của dân, do dân

Ông Dương Văn Sến ở ấp Huê 3, xã Vĩnh Phú Đông giải thích việc hăng hái góp đất và công làm con đường liên ấp vừa hoàn thành: “Có lợi nhiều mặt cho dân”.

Lợi ích thấy rõ trong vụ lúa đông xuân 2014-2015, xe tải chạy vô tận nhà nên bán lúa được giá cao. Gia đình ông làm 2,6 ha lúa IR50404, bán được giá 4.250 đồng/kg, “mà chưa thu hoạch, thương lái đã vô đặt cọc 7 triệu đồng”, ông nói.

Đường liên ấp bằng bê tông cốt thép dày non gang tay, rộng ba mét chưa tính lề, đảm bảo xe tải chở 3 tấn chạy được. Khi làm đường, huyện đưa về xi măng, sắt, đá, cát; dân hiến đất và góp công.

Cứ đường qua đất nhà ai thì nhà đó làm và ấp có thành lập tổ làm lộ để vần đổi công cho nhau, giúp hộ neo đơn, đặng làm nhanh. Trước khi làm, Phòng Kinh tế Hạ tầng của huyện đưa thiết kế mẫu xuống để dân tính toán công sá và diện tích đất hiến, tổ chức việc thi công.

Bí thư Chi bộ ấp Huê 3 Nguyễn Minh Tấn cho biết, con đường liên ấp dài 5,4 km, chạy qua đất của 204 hộ dân, hộ nào cũng vui vẻ hiến đất.

Hộ hiến nhiều đất nhất là ông Trần Văn Mười vì con đường chạy ngang qua đất của ông dài đến 66 m, kế đến hộ bà Lê Thị Sen dài 64 m. Gia đình ông Dương Văn Sến cũng hiến đất dài 30 m. Còn ông Dương Văn Xìa hiến đất dài 32 m và còn đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ làm lộ của ấp.

Ông Xìa kể con đường liên ấp chạy theo bờ kinh Xáng Cụt này trải qua nhiều thời kỳ làm đi làm lại, cho đến nay mới thấy “chắc chắn nhất”.

Chục năm về trước, con đường chỉ là lối mòn giữa cỏ cây, rất lầy lội mỗi khi mưa xuống. Vận động làm đường giao thông nông thôn lúc ban đầu, mở rộng ra chừng hai mét và trải đất hầm.

Khi đất hầm nát, dân hùn nhau trải đá rồi từ đá lại hùn nhau tráng lớp nhựa mỏng. Nhưng lớp nhựa mỏng trải trên nền đất yếu, qua vài mùa mưa lại bể nát. Tổ trưởng Xìa cười tươi: “Bây giờ bê tông chắc chắn, xe tải chạy êm ru, chưa thấy rung rinh”.

Đường giao thông nông thôn ở huyện Phước Long có ba loại: ngõ xóm, liên ấp, liên xã. Đường ngõ xóm đi vào tận từng hộ gia đình, rộng hai mét và chỉ đổ bê tông, không có cốt sắt; được huyện cấp xi măng, còn lại dân lo toàn bộ từ đá, cát đến công sá.

Cả huyện đã hoàn chỉnh 213 km đường ngõ xóm. Đường liên ấp rộng ba mét bằng bê tông cốt thép; huyện đưa xuống vật tư, dân hiến đất và góp công, cả huyện có gần 250 km.

Còn đường liên xã cũng đã hoàn chỉnh bằng bê tông cốt thép hoặc nhựa nóng, đảm bảo xe trọng tải 6 tấn chạy được.

Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng Dương Tử Nam cho biết: “Các công trình của dân và do dân làm rẻ hơn 30-40% so với nhà nước làm”. Vì không tốn tiền thiết kế, chi phí quản lý, thẩm định, giám sát, cũng không bị rơi rớt lỗ hà lỗ hổng như nhà nước làm.

Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lâm Thành Sáo nói thêm: Dân làm nên nhanh. Ông kể, từ khi có chủ trương, đưa thiết kế mẫu xuống cho dân họp bàn và làm, đến khi hoàn thành một con đường chỉ mất vài tháng. Còn nhà nước làm, có khi mất hai năm chưa xong thủ tục.

Chất lượng đảm bảo bởi có thiết kế mẫu, cộng đồng dân cư bàn bạc, tính toán và giám sát suốt quá trình làm, “gian dối không qua được mắt dân”. Trong làm đường bê tông, trộn vật liệu đúng tỷ lệ và trộn đều là rất quan trọng, thì đã được trộn bằng cối chạy máy nổ chứ không còn thủ công.

Cán bộ "vô tư"

Nhưng làm sao để dân tin tưởng và hăng hái đóng góp công sức, tiền của? Mới bảy năm trước chứ chưa lâu lắc gì, huyện Phước Long mở rộng và nâng cấp hai cây số cửa ngõ huyện lỵ để thông thoáng lối độc đạo ra Quốc lộ 1A mà làm mãi không xong, dân khiếu kiện gay gắt.

Nhiều tháng trời, đoạn đường dang dở chật hẹp và đầy bụi bặm, người dân phản đối chính quyền rất căng thẳng. Chủ yếu do không thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ đó đến kết quả hôm nay, quả là sự thay đổi ngoạn mục, vậy do đâu?

11-59-37_1204152
Cá sấu trong trại của Bí thư Huyện ủy Trần Hoàng Duyên

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó, sự “vô tư” của lãnh đạo huyện chắc chắn là một trong những yếu tố quyết định. Lãnh đạo “vô tư” cũng bởi hầu hết đã giàu, nhiều người có trang trại thu tiền tỷ mỗi năm, không còn phải trục lợi lặt vặt của dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thành Sáo kể, nhiều cán bộ huyện mở được trang trại nhờ mua đất những năm đầu 90 của thế kỷ trước, đất ở vùng sâu còn rất rẻ.

Khi đó, gia đình ông Sáo mua một ha đất phèn mặn trồng tràm giá chỉ có 500.000 đồng, mua dần, nay có gần 10 ha trồng tràm, làm lúa và nuôi cá sấu do vợ ông quản lý, một năm thu hơn 1 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Trương Công Thích có trang trại xung quanh trồng cau vua đẹp như một khu du lịch sinh thái. Bên trong ông trồng kiểng, cây ăn trái, nuôi cá sấu, cá lóc, ba ba, vịt, ngỗng.

Mấy năm nay, vợ ông mở thêm quán ăn, các sản vật nuôi và trồng ở trang trại đưa ra phục vụ vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa tăng lợi nhuận. “Một năm lời lãi các khoản cũng hơn tỷ đồng”, ông vui vẻ cho biết.

Gần với trang trại của ông Thích là trang trại của Chủ tịch UBND huyện Phan Thành Đông, xấp xỉ 10 ha luân canh tôm - lúa. Nuôi tôm quảng canh không phải cho ăn, không dùng điện quạt nước, chỉ cải tạo ruộng rồi đón ấu trùng tôm tự nhiên vô, chờ lớn lên đặt nò hớt bán.

Ông nhờ người cháu ở gần trông coi, bán. Lúa cũng vậy, sạ giống rồi nhờ cháu trông coi, đến vụ vô thu hoạch. Một năm thu gần tỷ. Hiện nay, ông đang phát triển thêm cơ sở nuôi cá sấu.

Bí thư Huyện ủy Trần Hoàng Duyên có trại nuôi cá sấu nổi tiếng chục năm nay ở ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, do con trai quản lý. Trại nuôi nhiều cỡ cá sấu đan xen nhau để bán quanh năm, khi nhiều nhất có khoảng 2.000 con, mỗi năm thu lời mấy tỷ đồng.

Kế trại nuôi cá sấu còn có gần 20 ha nuôi tôm quảng canh, một năm thu tiền tỷ nữa. Trại cá sấu đã ổn định, nay ông đang phát triển thêm một vụ lúa luân canh trên ruộng tôm.

Hầu hết các vị trong Ban Thường vụ Huyện ủy có trang trại khá giả. Nỗ lực sản xuất kinh doanh của lãnh đạo huyện Phước Long còn được thúc đẩy bởi một chủ trương đúng.

Đó là ngày 27/1/2006, Ban Thường vụ Huyện ủy ra chỉ thị yêu cầu đảng viên phải sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Tổng kết đầu năm 2015 cho biết, nay huyện có 2.308 đảng viên nhưng “không còn diện hộ nghèo và cận nghèo”, nhiều gia đình đảng viên “trước đây nghèo khó, nay trở nên khá giả”.

Còn người dân thành lập hàng trăm hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất để nâng cao hiệu quả làm ăn, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo dăm năm trước trên 10%, nay chỉ còn 4,58%.

Vấn đề ở đây, giàu có do kiên trì và sáng tạo sản xuất kinh doanh, giúp lãnh đạo huyện biết quý trọng công sức lao động, tính toán chu đáo từng đồng vốn đầu tư của gia đình và của dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thành Sáo cho biết, thời gian qua, tỉnh cử năm đoàn về kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng nông thôn mới, “tất cả kết luận tốt”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất