| Hotline: 0983.970.780

Nỗi đau khai phá vùng đất phèn: Người mất đất, kẻ vướng vòng lao lý

Thứ Sáu 10/11/2017 , 14:30 (GMT+7)

Quá trình tìm hiểu vụ việc, tất cả những vị nguyên là lãnh đạo địa phương và Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim đều khẳng định, mức bồi thường như vậy là quá thấp nên khó tránh việc người dân bức xúc, khiếu nại.

Và có 2 người bị bắt bỏ tù vì dám lái máy cày vào trảng cỏ trong VQG. Không chỉ khiếu nại về mức bồi thường, người dân còn tố cáo chính quyền xã tự ý “ém” lại 25% đất lúa của dân làm “của riêng” cho xã.
 

Mất tất cả

Sau những ngày đi thực tế ở Tam Nông (Đồng Tháp) trở về, một buổi trưa, có cặp vợ chồng dáng vẻ khắc khổ, rụt rè gõ cửa phòng tôi. Người vợ bước đi tập tễnh, khó nhọc. Đó là vợ chồng anh Đào Thiện Chí, 52 tuổi, và vợ tên Hồ Thị Nga Út, 53 tuổi, đang tạm trú ở Bình Chánh, TP.HCM. Anh là một trong 2 người phải chịu hậu quả nặng nề nhất liên quan đến vụ đất rừng VQG Tràm Chim.

15-54-26_nh_1
Vợ chồng anh Đào Thiện Chí

Hơn chục năm trước, anh Chí cùng một số hộ dân ở ấp K11, xã Phú Hiệp góp tiền mua chiếc máy cày trị giá 25 triệu đồng. Do biết lái nên anh và người hàng xóm tên Trần Văn Khoẻ, 66 tuổi, được giao làm tài xế. Khi rừng tràm bị thu hồi, như như nhiều hộ có đất bị thu hồi khác, anh Chí bức xúc, nên đã cùng anh Khoẻ điều khiển máy cày vào VQG cày trên phần đất bán ngập, cỏ lác. Sau đó, cả 2 anh bị bắt giam vì tội “Huỷ hoại rừng”. Chiếc máy cày cũng bị tịch thu.

Đầu năm 2009, anh Chí bị TAND huyện Tam Nông tuyên phạt 8 năm tù, anh Khoẻ 7 năm. Tuy nhiên, cả 2 anh thụ án mới 3 năm thì được đặc xá. Anh Chí bảo: “Mấy anh giám thị trại thấy hoàn cảnh và lý do phạm tội của tụi tôi, thương lắm, cứ động viên hoài. Mấy ảnh nói, nhà cũng có bà con bị thu hồi đất, nên hiểu và thông cảm. Mới 2 năm là mấy ảnh đề nghị đặc xá cho tụi tôi. Đến năm sau thì được chấp thuận”.

Trở về nhà, anh Chí chẳng còn gì ngoài 2 bàn tay trắng và khoản nợ hơn chục triệu, chưa tính lãi cùng người vợ bệnh tật và đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. “Nếu không thương vợ con thì có khi lúc đó tôi làm liều rồi, vì thấy cuộc sống bế tắc quá, không thiết tha gì nữa. Anh Khoẻ sau khi được tha về chẳng bao lâu thì mất, vì bệnh tật, và tinh thần sa sút. Nói gì thì mình cũng là thằng ở tù ra. Thương con lắm, vì nó còn nhỏ mà vừa phải chứng kiến những nỗi đau quá lớn của cha mẹ, lại vừa phải gánh tai tiếng từ cha”, anh Chí kể.

Trong khi đó, người vợ ngồi bên cạnh chồng, liên tục vỗ về để anh nén cảm xúc. “Từ ngày ảnh bị bắt, tôi buồn khổ, bệnh tiểu đường, khớp, huyết áp nặng thêm, nên chẳng làm được gì, con cũng bỏ học đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Sau khi anh Chí được tha, vợ chồng tôi dắt díu nhau lên Sài Gòn. Anh Chí hàng ngày đi làm, còn tôi chỉ ở nhà phụ giúp mấy việc lặt vặt, vì bị tiểu đường, chân tay đau nhức, đi lại còn khó nói gì làm”.

15-54-26_nh_6
Cánh đồng này là nơi năm xưa anh Chí, Khoẻ vào cày

“Giờ anh chị mong ước điều gì nhất?”, tôi hỏi. “Tôi mong bây giờ được tỉnh Đồng Tháp tính toán lại, trả công xứng đáng cho những gì chúng tôi bỏ ra. Rồi có thể sắm miếng ruộng, về quê làm đủ ăn hàng ngày”, chị đáp. Còn anh Chí thì ngập ngừng: “Tôi bây giờ chỉ mong ước những trái ngang ở quê nhà không còn”. Tôi hỏi: “Cụ thể là gì?”. Anh đáp: “Anh về quê tôi lần nữa đi, nhiều chuyện lắm”.
 

Xã qua mặt tỉnh

Năm 1990, trong quá trình đo vẽ, quy hoạch để thành lập VQG Tràm Chim, bộ phận thực hiện công việc này không biết do vô tình hay “tham lam”, mà “quy về một mối” toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất ở của dân và chính quyền vào VQG. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã điều chỉnh, ra quyết định trả lại phần diện tích không thuộc VQG này. Trong đó có hàng chục ha đất lúa đang canh tác của 20 hộ dân trên địa bàn xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu ngày 5/5/2007, chính quyền xã Phú Hiệp không tổ chức họp 20 hộ dân. Buổi họp do Bí thư Đảng uỷ xã khi đó là ông Phùng Minh Đức chủ trì, nội dung cuộc họp là đất của hộ nào trước kia có bao nhiêu thì nay sẽ được nhận lại, nhưng xã sẽ trích ra 25% diện tích để làm các công trình công ích gồm sân bóng, nghĩa địa, khu hành chính, công viên cây xanh. Theo thông báo miệng của Bí thư xã thì đây là chủ trương của tỉnh. Vì thế, người dân chấp hành. Tổng diện tích xã Phú Hiệp “xén” của dân là 7,1ha.

Tuy nhiên, sau đó chỉ hơn 2 tháng, tức ngày 25/7/2005, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, phần đất nói trên sau khi trừ 10 mét ngang sát tỉnh lộ 843 để mở rộng giao thông, làm tuyến dân cư, còn lại trả hết cho dân canh tác. Lúc này người dân mới biết, chính quyền xã Phú Hiệp không chỉ “qua mặt” dân, mà còn “cầm đèn chạy trước ô tô”.

15-54-26_nh_5
Đoạn đường qua các ấp K10, K11, K12, xã Phú Hiệp, nơi có đất của dân được trả lại, nhưng trả không đủ theo văn bản của tỉnh

“Nếu tỉnh lấy đất làm đường giao thông, làm khu dân cư thì chúng tôi chấp hành, chẳng nói gì. Đằng này xã tự ý cắt đất sản xuất của chúng tôi, nói để làm công trình công cộng, nhưng từ năm 2008 đến nay, toàn bộ 7,1ha đất ruộng này được ông Quách Văn Thu ở bên Hồng Ngự thuê trồng lúa. Bây giờ không biết giá thuê bao nhiêu, nhưng hồi trước, mỗi vụ ông Thu phải trả 13 triệu đồng/ha. Mà 1 năm 2 vụ”, ông Nguyễn Hữu Hiền, ở ấp K11, xã Phú Hiệp, người phải trích gần 1ha đất ruộng đang canh tác cho xã, nói.

“Người mất ít nhất hơn 2 công, nhiều nhất cũng hơn 1ha. Nếu tính giá trị từ 10 năm nay thì không ít đâu. Từ đó đến nay, chúng tôi thiệt hại không ít”, ông Nguyễn Văn Út, người mất hơn nửa ha đất, nói.

Ông Lê Phương Thảo (Ba Thảo), người có mặt, đóng góp và xây dựng VQG Tràm Chim từ những ngày đầu tiên, đến khi về hưu kể rành mạch: “Tôi là một trong số ít người nắm rõ quá trình hình thành và phát triển của VQG Tràm Chim “như lòng bào tay”. Hồi còn là Nông lâm trường, khi bàn giao để chuyển thành lập VQG, ranh giới Nông lâm trường được bao quanh bằng một con đê lớn, cách lộ 843 hiện nay hơn 200 mét. Phần đất từ đê đến lộ 843 là đất nông nghiệp, dân canh tác, sinh hoạt bình thường.

Ông Lê Phương Thảo, nguyên PGĐ VQG Tràm Chim, đang vẽ sơ đồ phần đất trả lại cho dân, và bị UBND xã Phú Hiệp giữ lại 25%

Đến năm 1990, mấy ổng vào quy lập hoạch VQG, vẽ bản đồ “ôm” hết cả phần đất ở, đất nông nghiệp của dân, kể cả diện tích 2 trụ sở UBND xã Phú Đức, Phú Hiệp, đường lộ cũng thuộc sở hữu của VQG luôn. Tổng diện tích lên đến 7-8 ngàn ha. Chẳng ai còn đất ở, đất sản xuất. Đến khi mấy ổng trình trung ương, tỉnh, huyện ký xong hết, mấy năm sau mới phát hiện ra là bản vẽ quy hoạch mới không theo sơ đồ cũ của nông trường. Lúc này tỉnh mới đi làm thuyết minh lại, trình Bộ, xin chỉ đạo. Sau đó ra quyết định điều chỉnh lại quy hoạch theo sơ đồ cũ của Nông trường, tức phần diện tích đất từ TL843 đến đê bao VQG trả lại cho dân”. 

"Xét về tình, hồi đó, tôi cũng băn khoăn trong việc tuyên mức án 8 và 7 năm tù cho 2 anh Chí, Khoẻ, vì thực tế thì 2 anh chưa gây thiệt hại gì, không huỷ hoại gì đến rừng cây, chỉ dùng máy cày cày xới trên đồng cỏ lác. Tôi cũng đã trao đổi với các bậc đàn anh trong ngành luật về băn khoăn này. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất quan điểm xử lý theo Điều 3, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Nghĩa là, cho dù nơi họ cày không có cây rừng, nhưng nó vẫn là rừng. Dù sao thì cả 2 anh cũng đã được xem xét cho đặc xá sớm”, ông Lê Minh Hiếu (ảnh), nguyên Thẩm phán TAND huyện Tam Nông, Chủ toạ phiên toà xét xử vụ “Huỷ hoại rừng” đối với 2 anh Chí, Khoẻ ngày 5/3/2009.

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất