| Hotline: 0983.970.780

Nỗi đau không của riêng ai

Thứ Năm 01/05/2014 , 21:53 (GMT+7)

Thế hệ thứ ba của những cựu binh chống Mỹ cứu nước đã vào tuổi trưởng thành. Nhưng rất nhiều người và con cháu họ vẫn đang quằn quại trong nỗi đau khôn cùng bởi hậu quả của chiến tranh.

39 năm đã trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). 

Cựu đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Bình, cho biết: Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, 40 vạn lượt con em của tỉnh lúa đã lên đường cầm súng. Trong số đó, 51.000 người đã hy sinh, 32.000 người bị thương, trên 6.000 người bị giặc tù đày và 34.000 người phải mang trong mình “những vết thương không mảnh đạn”, đó là những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có 26.000 người là nạn nhân trực tiếp và 8.000 người là con, cháu họ bị di chứng.

Một tỉnh Thái Bình với diện tích chỉ chưa đầy 1.500 km2, với dân số chưa đầy 2 triệu người, mà đã có chừng ấy nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Còn trên cả nước, con số đó là bao nhiêu?

Trong phiên điều trần ngày 15/5/2008 tại “Tiểu ban đặc trách Á châu - Thái Bình Dương và môi sinh thế giới” của Hạ viện Hoa Kỳ với đề tài “Một trách nhiệm bị bỏ quên - Chúng ta cần phải làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin?”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, TGĐ Bệnh viện Ngọc Tâm, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam, diễn giả và nhân chứng, đã dẫn tài liệu của GS. Catharin Dalpino của Colombia University ở NewYork, cho biết số người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin trên cả nước Việt Nam là 4,8 triệu, trong đó có 3 triệu nạn nhân.

Những công trình nghiên cứu rất nghiêm túc, công phu của nhiều nhà khoa hoạc đã chỉ rõ: Những người bị phơi nhiễm và nạn nhân đó là hậu quả trực tiếp của 80 triệu lít chất độc, trong đó 61% là chất độc da cam/dioxin, chứa tới 300 kg dioxin, được rải từ máy bay của quân đội Mỹ xuống miền Nam Việt Nam trong suốt 10 năm (1961-1971) với mục đích tàn phá những cánh rừng, để các lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không còn nơi ẩn nấp. Mong giành chiến thắng, họ đã không từ một thủ đoạn tàn ác nào. Nhưng thực tế đã ngược hẳn với điều họ muốn.

tro-qu-tet-gip-ngo-cho-nguoi-ngheo-v-nn-nhn-cddc-o-tp-thi-binh095151390
Trao quà Tết Giáp Ngọ cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam ở TP Thái Bình

Không bút nào giấy nào có thể viết hết, tả hết được nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Những cây cầu, những ngôi nhà, thậm chí cả những công trình quốc gia… bị tàn phá vì chiến tranh còn có khả năng khôi phục được. Nhưng với những nạn nhân này thì vô phương cứu chữa.

Họ bị dày vò bởi hàng trăm căn bệnh quái đản do bị loại chất độc này phát tác, bị rút kiệt sức lực. Họ sống nghèo khổ trong sự tuyệt vọng khôn cùng và chết bởi nỗi đau khôn cùng. Những thương binh bị thương vì bom đạn chỉ phải chịu nỗi đau một đời. Nhưng chất độc da cam/ dioxin một khi đã ngấm vào người thì “truyền tử lưu tôn”. Vì thế nên rất nhiều cựu binh là nạn nhân của nó khi chết đi còn ôm hận vì con, cháu mình vẫn đang phải kéo dài sự đau khổ trên thế gian do di chứng.

Từng đến thăm nhiều gia đình cựu binh là nạn nhân của loại chất độc quái ác này, chúng tôi đã không thể cầm được nước mắt trước những đứa trẻ vô năng, bất thành nhân dạng… là con, cháu của họ.

Hầu hết các cháu từ khi sinh ra đến nay chỉ sống đời thực vật và chỉ duy nhất một thế nằm. Một thế nằm gập người, co quắp như một dấu hỏi đằng sau những câu hỏi: Ai đã biến chúng tôi thành những hình nhân dị dạng? Tuổi thơ của chúng tôi đâu? Nụ cười của chúng tôi đâu? Hạnh phúc của chúng tôi đâu? Ai đã cướp đi của chúng tôi quyền được sống khỏe mạnh, vui tươi, quyền được sống no đủ, hạnh phúc, quyền được sống trọn đời mãn kiếp? Ai? Ai phải chịu trách nhiệm về thảm trạng này? Câu trả lời đã rõ ràng, thôi không cần nhắc lại.

Nỗi đau này không của riêng ai, mà là nỗi đau chung của xã hội và của cả những người có lương tri trên toàn thế giới. Để chia sẻ nỗi đau khôn cùng với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (gọi tắt là Hội) đã ra đời tại Hà Nội, đồng thời Thủ tướng Chính phủ có quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm làm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Và Hội địa phương đầu tiên được ra đời ngay sau đó chỉ non 7 tháng (6/8/2004), là Hội tỉnh Thái Bình.

2-nn-nhn-vu-tu-phong-xong-hoi-cu-trung-tm-ty-doc-thi-binh-buoc-r095151141
Nạn nhân chất độc da cam bước ra từ phòng xông hơi tẩy độc

Đến nay, trên toàn tỉnh Thái Bình đã có tổng số 21.000 người được Nhà nước xét cho hưởng chế độ trợ cấp đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Về phần mình, cho đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình đã quyên góp, huy động được trên 40 tỷ đồng từ các nguồn lực của xã hội.

Bằng số tiền đó, Hội đã xây dựng được Trung tâm dạy nghề trị giá 10 tỷ đồng, và đã dạy nghề cho 228 đối tượng là bản thân và con, cháu nạn nhân... Được sự vận động của Hội, lương y Nguyễn Văn Thiệu ở xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã tặng 25.000 thang thuốc, trị giá gần 2 tỷ đồng,
cho các nạn nhân.

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh thì để Hội được thành lập và đi vào hoạt động, những người trong Ban vận động thành lập đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng đến nay, sau 10 năm hoạt động, các Hội địa phương đã được thành lập trên tất cả các huyện, thành phố và 280 xã, phường của tỉnh, với tổng số 1.893 chi hội ở các thôn, tổ dân phố và trên 20 ngàn hội viên.

Đặc biệt là năm 2010, khi Hội được tiếp nhận Dự án tẩy độc cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin do Hiệp hội quốc tế “Vì cuộc sống và nền giáo dục tốt đẹp hơn” (A.B.L.E), một tổ chức phi chính phủ của nước ngoài, tài trợ, thì hàng ngàn nạn nhân đã được tẩy độc, được nâng cao sức khỏe một cách rõ rệt.

Trung tâm tẩy độc được xây dựng ngay tại trụ sở Hội, do cựu đại tá, nguyên Chánh văn phòng quân khu 3, Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Kim Nhật làm giám đốc. Trung tâm có 3 bác sĩ quân y nghỉ hưu, tình nguyện đến phục vụ không lương.

Bác sĩ Phạm Huy Kha, người phụ trách chuyên môn của trung tâm, cho chúng tôi biết quy trình tẩy độc như sau:

Buổi sáng, nạn nhân đến trung tâm tẩy độc được bác sĩ kiểm tra sức khỏe.

Sau khi kiểm tra, nạn nhân được uống vitamin (loại vitamin này phải nhập từ Hoa Kỳ, có sức thải độc rất mạnh) và chạy bộ 30 phút; sau khi chạy thì vào phòng xông hơi khô, có nhiệt độ từ 60 - 80 độ C, xông từ 4 tiếng đến 4 tiếng rưỡi.

Dưới tác động của vitamin, chất độc sẽ được đào thải qua đường mồ hôi. Do vậy các nạn nhân sẽ được uống bổ sung nước, các khoáng chất và muối…

Thời gian tẩy độc cho mỗi nạn nhân kéo dài 3 tuần, tổng chi phí cho mỗi người hết khoảng 6 triệu đồng, được miễn phí toàn bộ.

Hiện tại, trung tâm thường xuyên có 30 nạn nhân đến điều trị. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt của Trung tâm đối với sức khỏe của các nạn nhân, nên nhiều địa phương như Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị… đã chính thức đề nghị trung tâm giúp đỡ, đào tạo và chuyển giao công nghệ tẩy độc.

Được sự giúp đỡ của Hội  Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thái Bình, TP Đà Nẵng đã khánh thành một trung tâm tẩy độc và đi vào hoạt động.

Những việc làm trên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxinThái Bình thật đáng ghi nhận và trân trọng.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.