| Hotline: 0983.970.780

Nỗi đau "xã góa phụ"

Thứ Năm 07/11/2013 , 10:12 (GMT+7)

Cơn “bão ết” tàn khốc quét qua xã nghèo Luân Giói (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã cuốn theo hàng trăm người đàn ông xuống mồ sâu.

Cơn “bão ết” tàn khốc quét qua xã nghèo Luân Giói (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã cuốn theo hàng trăm người đàn ông xuống mồ sâu. Hiện tại, Luân Giới đang giữ một kỷ lục buồn, đó là có 147 goá phụ và 109 người đang dương tính với HIV/AIDS.

>> Tục lạ người Xinh Mun
>> Run rẩy rừng ma người Khơ Mú

Riêng mình em vò võ

Khởi nguồn của dòng Mã giang, hoá ra lại là con suối Nậm Giói (thuộc địa phận xã Luân Giói) chảy ra từ những vách núi đá vôi cao và nhọn sắc như những mũi gươm khổng lồ dựng ngược trên đất Điện Biên Đông. Người Thái từ muôn đời nay vẫn sống ở đầu nguồn con nước. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi 100% dân số ở xã là người dân tộc này.

Tôi chỉ bất ngờ vì một nơi sơn thuỷ hữu tình, đẹp đến thuần khiết lại bị đầu độc bởi làn khói trắng gớm ghiếc của ma tuý. Khi nhìn vào cuốn sổ ghi danh tính những người nhiễm HIV/AIDS của Trạm Y tế xã Luân Giói, tôi đã nổi da gà.

Từ năm 2007 đến nay, 158 người được phát hiện nhiễm HIV/AIDS. Tính đến quý I/2013, có 109 người đang bị phơi nhiễm, trong đó 48 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Các đối tượng mắc nghiện đa phần trong đội tuổi thanh niên.

Đó chỉ là những con số trên giấy tờ. Còn trên thực tế, cái xã nghèo ấy đang tồn tại bao nhiêu nô lệ thuốc phiện? Theo lời của Trưởng công an xã Lò Văn Diện thì: “Những người tập hút, nghi hút nhiều nhiều lắm”.

Ông Tòng Văn San, Phó Bí thư Đảng ủy xã Luân Giói, nói về thực trạng tệ nạn ma tuý của địa phương mình mà mặt cứ nhăn nhó: Chẳng trách người ta gọi cái chất gây nghiện độc ác kia là ma tuý. Nó mạnh như ma như quỷ, nên toàn chọn những thanh niên trẻ sức vóc hừng hực, khoẻ như cây lim cây táu trên rừng để quật ngã thôi.


Ông Tòng Văn San buồn khi nhắc đến tệ nạn ma tuý nhức nhối tại địa phương

Trong số 95 người đã chết vì HIV/AIDS, chủ yếu từ 35 tuổi trở xuống. Có khi cộng tuổi đời của 3 nạn nhân bỏ mạng vì ma tuý vẫn không bằng một cụ già. Đau xót quá.

Những người dính cái chết tức tưởi ấy đều đã có vợ có con cả rồi. Toàn xã bây giờ có 147 goá phụ đang nhận bảo trợ xã hội phụ nữ đơn thân nuôi con 160.000 đồng/tháng. Trong đó chỉ một phần rất nhỏ chồng chết do tai nạn lao động và các bệnh thông thường, còn đa phần là chết do sốc thuốc, đói thuốc, và bị HIV phá huỷ hệ miễn dịch.

Tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi đôi mắt đen láy và sâu thẳm của chị Lò Thị Dim (SN 1985, ở bản Giói A), người phụ nữ goá chồng đang phải nuôi 3 đứa con thơ dại. Dim đẹp! Cả bản đều công nhận như thế. Không đẹp thì làm sao hút được hồn anh giáo viên tiểu học Lò Văn Hoà.

Năm 2000 (khi ấy Dim mới 15 tuổi), họ cưới nhau rồi cứ thế đẻ liên tục 3 cô con gái. Nhưng rồi không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà Hoà lại đâm đầu vào con đường tiêm chích ma túy. Nhà có cái gì đổi được 1 liều thuốc, Hoà đem đi bán sạch. Đến cái trâm bạc cài tóc là vật đính hôn thiêng liêng nhất cũng bán phăng. Khi tỉnh táo, Hoà hối hận lắm, khóc lóc xin lỗi vợ, tạ lỗi con, nhưng rồi đâu lại vào đấy.


Goá phụ Lò Thị Dim một mình nuôi 3 đứa con thơ dại

Năm 2008 anh Hoà mất. Dim khi ấy 23 tuổi, một nách nuôi 3 đứa con. Bố mẹ đẻ cắt cho chị 200 m2 ruộng bậc thang và một ít nương ngô trên đồi cao, cách nhà 7 km. Vào thời điểm chọc lỗ tra hạt ngô và lúc thu hoạch, chị xách theo cơi đựng cơm lên nương làm thông trưa đến tối mịt mới về. Cái Phượng mới 8 tuổi đã biết lo cơm nước, chăm em.

Dim than thở: Khổ lắm nhà báo ạ! Mỗi năm chỉ được gần tấn ngô nhưng phải gánh trẹo xương vai trong vòng 10 ngày mới tha hết về nhà. Ngoài ra còn thêm nửa tạ thóc, đói ăn mất 5 tháng. Cả 3 đứa (con) lại bước sang năm học mới. Cái út phải nộp 530.000 đồng; Mai nộp 582.000 đồng; Phượng gần 700.000 đồng mà trong nhà chưa có đồng nào.

Tôi ngồi nhìn mấy mẹ con chị Dim ăn bữa trưa mà cay sống mũi. Cả mâm ngoài đĩa rau má dại đắng ngắt hái bên vệ đường chỉ còn bát nước mắm.

Rồi chị cũng phải tái hôn để các cháu có chỗ dựa chứ? Chị Dim có vẻ chạnh lòng: Nói gì chuyện ấy hở nhà báo? Rồi chị bông đùa: Cả cái bản này còn mấy người là đàn ông lành lặn đâu? Người lành không đến lượt mình. Có người đã từng nói: “Tột cùng của cái bi là tiếng cười, còn tột cùng của cái hài là nước mắt”. Chị có thể cười trước số phận, có nghĩa là nỗi đau ấy đã quá lớn.

Em gái của chị Dim - Lò Thị Thương (SN 1988) cũng đã trở thành goá bụa được 4 năm rồi. Trước khi chồng Thương (anh Tòng Văn Nghiên) mất vì chích thuốc quá liều, anh đã “kịp” để lại cho chị một đứa con gái.

Cấy lúa, trồng ngô không đủ nuôi con, Thương đành thân gái dặm trường lên huyện Điện Biên làm công nhân cầu đường kiếm sống. Mỗi tháng được 3 triệu đồng, trừ tiền ăn, tiền chăm con, chỉ còn mỗi... 0 đồng.

Rời bản Giói A, tôi hành trình qua cây cầu gỗ vắt ngang suối Nậm Giói đang chảy xiết thăm 4 mẹ con goá bụa Lò Thị Thoan (SN 1986) ở bản Giói B. Nơi chị Thoan sống là một gian nhà tranh vách nứa nằm chơ vơ dưới sườn đồi heo hút, diện tích chỉ đủ rộng để kê cái đệm ngủ và đặt mâm cơm.


Căn nhà như căn lều của chị Lò Thị Thoan không có gì đáng giá ngoài chiếc chăn cáu bẩn

Nó tuềnh toàng và yếu đến mức trưởng bản Quàng Văn Thương phải thốt lên rằng: “Thế này thì một cơn gió mạnh cũng đủ thổi bay”. Năm 15 tuổi, Thoan lấy chồng xa ở bản Pá Pao, xã Mường Luân. Sinh được 3 đứa con thì chồng chết vì nhiễm HIV.

Theo tục lệ ở đây, khi người chồng qua đời thì người vợ phải về nhà bố mẹ đẻ của mình sống và nuôi con. Thế nên, bố mẹ Thoan phải lợp vội cho chị gian nhà như căn lều này ở. Cái ăn trông chờ vào thửa ruộng bé con con và vạt nương ngô trên lưng đồi. Một năm cũng thiếu ăn 6 tháng như chị Dim. Trong nhà, ngoài cái chăn bẩn đắp cho đỡ lạnh thì không còn thứ gì đáng giá.

Trưởng bản Quàng Văn Thương bảo: Hiện tại ở bản này có đến 8 “chị Thoan” cơ. Đã có 12 thanh niên theo làn khói trắng về trời rồi.



Một góc bản ghèo Giói B, xã Luân Giói

Có đẩy lùi ma túy được không?

Ở Luân Giói, từ chính quyền đến công an, trưởng bản đều biết rất rõ và rất căm phẫn với ma tuý, nhưng chưa làm gì được để quét sạch nó ra khỏi địa bàn. Nguyên nhân, theo ông Lò Văn Diện là vì: Các đối tượng mua bán quá nhỏ lẻ, theo lối vừa sử dụng vừa kinh doanh, dùng đến đâu lấy đến đấy.

Mỗi lần giao dịch hay sử dụng, chúng thường lựa chọn địa điểm ở khe suối hoặc cạnh ao. Khi lực lượng công an ập vào, chúng phi ngay tang chứng cứ xuống nước. Mặc dù áp dụng đủ mọi chiến thuật nhưng giỏi lắm cũng chỉ bắt được những đối tượng sử dụng, mua bán nhỏ lẻ, vận chuyển, tàng trữ, chứa chấp với số lượng và mức độ hành vi vừa đủ để cấu thành tội phạm.

Từ năm 2004 đến nay đã có 25 đối tượng sa lưới lực lượng công an và ngồi nhà đá. Nhưng, cùng lắm cũng chỉ vài năm là mãn hạn tù.

Tôi rời Luân Giói trong khung cảnh vắng lặng đến ớn lạnh. Nắng quái chiều của miền rừng xiên xói khó chịu. Ánh mắt thẳm sâu chất chứa nỗi cô đơn, tủi hổ của những goá phụ cô đơn cũng theo tâm trí tôi về tới tận Hà thành hoa lệ.

Ông Tòng Văn San chi sẻ: “Bây giờ, lớp thanh thiếu niên đang tập hút hít ma tuý nhiều lắm, chỉ vài năm sau là biết liền. Các đối tượng nghiện cứ thấy cái gì đổi được 10.000 đồng là nảy sinh ý định trộm cắp”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sụt lún nghiêm trọng tại kho một công ty lương thực thiệt hại 10 tỷ đồng

CẦN THƠ Vụ sụt lún xảy ra tại kho Bến Thủy của một công ty lương thực, ước tính thiệt hại 10 tỷ đồng, ngành chuyên môn đang tìm hiểu nguyên nhân.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm