| Hotline: 0983.970.780

Nơi dịch tả lợn Châu Phi... chừa ra!

Thứ Năm 22/08/2019 , 08:56 (GMT+7)

Dù cả xã Xuân Thủy (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) xảy ra dịch tả lợn Châu Phi nhưng kỳ diệu là dịch lại “chừa ra” Khu 3 ở xã này, dù đây là khu vực nuôi lợn tập trung, lớn nhất xã.

Thấy xe lạ là báo động!

Đó là những đàn lợn của các hộ dân tại khu 3, xã Xuân Thủy (huyện Yên Lập) sau dịch, chuồng trại người dân vẫn đầy lợn nái, lợn thịt, lợn con… sống khỏe mạnh, hồng hào.

Điển hình gia đình ông Lương Đắc Thực, ở khu 3 (xã Xuân Thủy). Gia đình ông Thực đang nuôi 300 con lợn, trong đó có 30 con lợn nái đến thời điểm này chưa bị chết một con nào vì dịch tả.

16-49-43_nh_1
Đàn lợn hàng trăm con của ông Thực tại khu 3 (xã Xuân Thủy) an toàn giữa vùng dịch. Ảnh: Trần Hồ.

Ông Thực kể, khi chính quyền thông báo dịch xảy ra trên địa bàn, các hộ nuôi lợn lo tới mất ăn mất ngủ. Ông và các hộ nuôi trong khu đã thực hiện chính sách “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không giao lưu với những người dân trong làng, không ai qua nhà ai, chỉ nói chuyện qua điện thoại, mục đích cũng giữ tài sản cho nhau.

Bên cạnh đó, từ đường vào ngõ, đến chuồng trại ông thường xuyên rắc vôi bột, hàng ngày dọn dẹp chuồng trại 2 lần, cấm người lạ ra vào khu vực chăn nuôi... Nhờ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, vệ sinh chuồng trại, chuồng lợn không còn mùi hôi như trước, đồng thời ông thực hiện một số biện pháp phòng tránh ngay từ khi lợn còn nhỏ, tiêm đẩy đủ các vắc-xin truyền thống để tăng sức đề kháng.

Tuy kinh phí bỏ ra gấp nhiều lần, ngày thường khoảng 50.000 đồng/ngày/con, hiện giờ lên đến 200.000 đồng/ngày/con, song đàn lợn của ông Thực sống sót, khỏe mạnh là thành công ngoài mong đợi. Hiện ông xuất bán 60 con với giá 44-45 nghìn đồng/kg.

Cũng giống hộ ông Thực, gia đình anh Võ Văn Huy, khu 3 (xã Xuân Thủy) có tổng đàn lợn gần 200 con vẫn an toàn. Anh chia sẻ, ngoài thực hiện đầy đủ tiêm vắc-xin, phun thuốc khử trùng tiêu độc, anh còn quy định chặt chẽ khâu ra vào chuồng trại. Mỗi lần vệ sinh chuồng trại chỉ có một người vào, vệ sinh xong phải thay quần áo, dày dép, các trang thiết bị... Mỗi lần vào chuồng trại đều có quần áo riêng, cứ một lần vào chuồng thì phải thay quần áo một lần.

16-49-43_nh_2
Đàn lợn được vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày. Ảnh: Trần Hồ.

Đàn lợn sống được qua dịch, anh Huy bảo có sự may mắn, nhưng để cả làng nuôi lợn đều sống sót thì phải có sự thực hiện phòng chống dịch nghiêm ngặt của đồng thời từng người dân, người chăn nuôi, thương lái…

“Chúng tôi có lệ của làng, khi có người lạ, xe lạ người đầu làng phát giác là báo ngay cho người trong làng. Trong thời gian cao điểm chống dịch, không cho thương lái, xe chở lợn vào ra làng; không xuất không bán trong đợt cao điểm dịch” - anh Huy hào hứng cho biết.
 

Mua bán lợn “online”

Theo bà Nguyễn Thị Ngọ, Trưởng khu 3 (xã Xuân Thủy), trong khu có gần 80 hộ dân thì hơn 40 hộ nuôi lợn với số lượng mỗi hộ lên tới hàng trăm con. Khu 3 là nơi chăn nuôi tập trung quy mô lớn nhất, số hộ nuôi nhiều nhất trong xã, may mắn đến thời điểm này cả làng không có hộ nào có lợn xảy ra dịch.

Lý giải về việc đàn lợn trong khu rất lớn, nhưng vẫn thoát dịch, bà Ngọ cho biết trong khu chỉ tuân thủ 3 “bí quyết: Một là hàng ngày, người dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng, tiêu độc thường xuyên. Hai là trong thời gian có dịch, các xe chở lợn không cho ra vào trong làng, và ba là hạn chế người dân qua lại với nhau ở mức tối đa…

Sau dịch, nếu người dân có nhu cầu bán lợn phải có giấy kiểm dịch, lấy mẫu xét nghiệm, có sự giám sát của cơ quan thú y mới bắt lợn cho bán. Xe chở lợn chỉ được ở đầu ngõ, phun khử trùng mới được cho chở lợn đi. Đặc biệt không cho thương lái vào chuồng trại, chỉ cho xem “online” qua hình ảnh qua điện thoại. Thời gian qua, các thương lái trong làng cũng tạm nghỉ ở nhà, không đi buôn nữa.

16-49-43_nh_3_1
Thời gian này, người chăn nuôi “cấm cửa” người lạ vào chuồng trại. Ảnh: Trần Hồ.

Bà Ngọ cho biết thêm: Chúng tôi tuyên truyền các hộ chăn nuôi không được đi mua thịt lợn ngoài chợ. Nếu muốn ăn thịt lợn, thì chỉ mổ lợn trong làng, đảm bảo an toàn thì mổ lợn ăn chung với nhau. Đặc biệt là hầu như không một hộ chăn nuôi lợn nào bước chân đi chợ, nếu đi cũng tránh hàng thịt lợn.

Ông Phùng Xuân Tỵ, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho rằng, ý thức người dân quyết định sự sống sót của đàn lợn. Hơn nữa, còn có sự chung tay, tinh thần tự giác cao của các đại lý cám. Theo đó trước khi đi giao cám, phun khử trùng xe, đến nơi giao thì tập trung ở một khu vực đầu làng tiếp tục phun thuốc khử trùng và nghiêm cấm xe chở cám đi vào trong làng. Điều này đã góp phần hạn chế tối đa nguy cơ “rắc dịch” do các xe chở cám từ trại này sang trại khác.

Ông Nguyễn Văn Huy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Lập cũng cho rằng, việc các hộ dân chăn nuôi lợn, cũng như cộng đồng dân cư trong thôn cùng nhau đưa ra được biện pháp phòng chống dịch, và đồng lòng thực hiện nghiêm chính là yếu tố giúp đàn lợn tránh được dịch.

“Ý thức người chăn nuôi là yếu tố quyết định đến hiệu quả chống dịch. Các hộ dân ở đây tuyệt đối không có tinh thần ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, hay coi việc chống dịch là của riêng chính quyền. Các hộ đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện cách ly và tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt” - ông Nguyễn Văn Huy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Lập.

Xem thêm
Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.