| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khổ nấm móng

Thứ Sáu 08/10/2010 , 10:54 (GMT+7)

Thật khó diễn tả nỗi thống khổ của người mắc bệnh ngoài da như chàm hay nấm móng chân, tay.

Thật khó diễn tả nỗi thống khổ của người mắc bệnh ngoài da như chàm hay nấm móng chân, tay.

Chưa nói đến cảm giác rân ran ngứa ngay, thậm chí đau nhức người bệnh phải chịu, mà ánh mắt mọi người nhìn mình khi giao tiếp cũng làm cho người bệnh mất hết tự tin. Rất nhiều bạn than thở: “Mình chả hiểu móng tay mình sao nữa? Móng tay gì mà tự nhiên xù xì lên, trông giống như là thay móng nhưng không phải”. Lại có bạn than trên mạng rằng: “Em bị nấm móng tay nửa năm nay mà chưa khỏi. Chả hiểu sao các anh trong nhà em cũng bị. Em đã điều trị bằng uống thuốc kháng sinh kháng nấm và bôi thuốc (do bác sĩ viện da liễu kê) nhưng không thấy đỡ”.

Nấm móng là một bệnh ngoài da thường gặp. Tác nhân gây bệnh thường là do vi nấm sợi tơ và nấm men. Những người dễ bị nấm móng nhất là người thường tiếp xúc với nước, những người ra mồ hôi nhiều, tiền căn có bệnh nấm, bệnh lý nội khoa tiểu đường…Nấm móng có thể lây từ người này sang người khác. Nấm móng thường xuất hiện trên những móng bị chấn thương trước đó.

Vi khuẩn nấm móng có thể sống được trong không khí ẩm và trong đất nên người đi chân đất dễ bị nhiễm. Nấm móng còn có thể lây nhiễm trong bồn tắm, phòng thay đồ hoặc khi làm móng tay, chân, cắt móng chung với người đã bị nấm móng. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời dễ đưa đến những biến chứng tại chỗ, cũng như toàn thân, đặc biệt là trên người bị suy giảm miễn dịch, tiểu đường, lớn tuổi.

Muốn phòng bệnh, theo Ths.BS Phạm Thị Tiến (Khoa Da liễu-Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), trước hết phải giữ tay chân khô và sạch, tránh sát thương, mang găng khi làm việc nhà hay làm tại nơi ẩm ướt kéo dài, thay tất mỗi ngày. Không sử dụng chung các dụng cụ cắt tỉa móng. Mang giày và tất vừa với cỡ chân, không đi tất hay giày quá chật, vì rất dễ gây chấn thương móng, tạo điều kiện cho nấm móng phát triển.

Mỗi tuần cắt móng tay một lần. Móng chân nên cắt mỗi tháng một lần, vì móng nơi đây mọc chậm hơn móng tay. Khi móng quá cứng và giòn, nên cắt sau khi tắm hoặc ngâm móng trong nước, vì lúc này móng tương đối mềm hơn. Tránh dùng nhiều dung dịch tẩy sơn móng, nếu muốn tẩy thì chỉ nên dùng một đến hai lần trong một tháng; tuyệt đối không sử dụng loại tẩy sơn móng có chứa acetone, chúng sẽ gây khô và hư hại cho móng. Tránh để móng tiếp xúc trực tiếp và quá lâu với các chất tẩy rửa, dung dịch hòa tan, xăng dầu hay nhớt... Các chất này rất dễ dàng làm thay đổi cấu trúc, hình dạng và màu sắc của móng.

Về dinh dưỡng, cần ăn nhiều trái cây và rau tươi để cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và enzyme, các thực phẩm giàu lưu huỳnh, silic từ sữa ong chúa, bông cải xanh, cá và các loại hành, các thực phẩm giàu biotin từ đậu nành, bia tươi cùng các loại ngũ cốc, giúp cho móng khỏe và ít gẫy hơn. Cần uống nhiều nước, đặc biệt từ nước ép cà rốt tươi mỗi ngày để bổ sung canxi và phốt pho cho móng.

Khi mắc bệnh nấm móng, cần phải điều trị bệnh lâu dài, phối hợp nhiều phương pháp như: Thuốc chống nấm, loại bỏ các yếu tố thuận lợi và có chế độ sinh hoạt riêng cho người bị nấm móng.

* Để hiểu rõ thêm về bệnh nấm móng, vào lúc 08giờ chủ nhật ngày 10/10/2010, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM tổ chức buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân chàm, nấm móng. Trong buổi nói chuyện, các bác sĩ chuyên khoa da liễu như Bs CK I Hoàng Văn Minh và Ths. BS Phạm Thị Tiến sẽ tư vấn và giải đáp các thắc mắc của quý bệnh nhân về các bệnh lý trên. Ngoài ra, từ ngày 11 - 16/10/2010, Bệnh viện sẽ khám miễn phí (không bao gồm các chi phí xét ngiệm và cận lâm sàng) 100 bệnh nhân đăng ký sớm nhất. Những ai có nhu cầu tham gia chương trình, xin vui lòng đăng ký tại: Bộ phận Chăm sóc Khách hàng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5; Điện thoại: (08) 5405 1010 – 3952 5353 – 3952 5355.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.