| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khổ người chồng không giữ lại tiền lương

Thứ Bảy 03/08/2019 , 09:01 (GMT+7)

Chuyện chồng đi làm hàng tháng trao hết tiền lương cho vợ không hiếm, nhưng đầu tháng đưa tiền cho vợ rồi sau đó lấy lại tất cả, chưa kể còn kèm theo hệ lụy đáng trách khác, mới là chuyện ít có.

Ảnh mang tính minh họa.

Linh lấy Phúc vợ chồng ăn ở với nhau đã được gần mười năm, nhìn bên ngoài gia đình họ cũng có vẻ cơm lành canh ngọt. Nhưng chỉ có người trong cuộc mới hay đắp chăn biết chăn có rệp. Phúc là nhân viên bảo trì cho một công ty, Linh là lao động phục vụ ở trường học. Trong khi tiền lương của Phúc là 10 triệu, thì thu nhập của Linh chỉ 5 triệu.

Khi hai người cưới nhau, Phúc vẫn chủ trương “tiền ai nấy xài”, anh ta vẫn quen như thế. Hôm nào dẫn vợ đi chơi hay đi ăn thì anh ta bỏ tiền ra. Nhưng bù lại, mọi chuyện cơm nước chợ búa ở nhà, Phúc “mặc định” đó là bổn phận nội trợ của vợ. Cũng không cần biết cơm ngày hai bữa, món nọ món kia từ đâu mà có.

Linh rất buồn vì điều này. Tuy nhiên, cô cho rằng yêu phải biết hy sinh, số lương của cô tuy không nhiều, nhưng cũng có thể thêm bát thêm đũa, hai người cùng ăn cho vui. Linh cố gắng tằn tiện tự bao biện hết các chi tiêu trong gia đình, đồng thời nhận thêm việc phụ rửa chén bát cho nhà hàng để có thêm chút tiền phụ vào chi tiêu gia đình.

Những tưởng như thế cũng tạm ổn. Nhưng cho đến khi Linh có bầu và sinh con trai đầu lòng thì cô buộc lòng phải nhờ đến Phúc góp tiền chi dụng và nuôi con mọn. Nghe vợ than thở, kể lể nỗi niềm, cực chẳng đã anh chồng mới bắt đầu chi viện cho vợ nhỏ giọt. Nhưng không phải lúc nào anh ta cũng chi tiền, hễ vợ không nhắc là Phúc lờ luôn. Linh buộc lòng phải nói rát, Phúc mới nhả ra ít tiền kèm theo những lời chì chiết kể lể. Linh nghỉ hộ sản, chỉ còn cách vừa khóc vừa nuốt cơm.

Cuối cùng vì con, Linh quyết định đặt thẳng vấn đề chi tiêu với Phúc. Rốt cuộc hai vợ chồng đi đến thỏa thuận, với đề nghị của Phúc là sẽ “đưa hết lương tháng cho vợ”. Linh cứ ngỡ mình nghe lầm. Nhưng Phúc giữ đúng lời hứa, đầu tháng lãnh lương, đưa hết cho vợ giữ. Nhưng với điều kiện, đó là vợ phải rót lại dần dần tiền cho anh ta chi tiêu.

Thôi thì đành phải vậy, Linh tự nhủ. Nhưng có lẽ trên đời chỉ có một đức lang quân như chồng cô. Đầu tháng lãnh lương ra đưa hết cho vợ giữ. Nhưng cái tay hòm chìa khóa này đã phải chi lại hàng ngày cho chồng. Đến cuối tháng, Linh tính lại, hóa ra Phúc đã lột lại sạch sẽ từ tay vợ số tiền anh đã ta đã đưa cho cô từ đầu tháng.

Tháng nào cũng như tháng nấy, vòng xoay này cứ tái diễn như thế. Xem như đưa tiền mà cũng như không đưa. Linh thấy vẫn chỉ có một thân cô gồng mình cáng đáng đủ thứ. Cũng nhờ trong thời gian gần đây bạn bè giới thiệu cho cô một chỗ làm mới với lương tháng cao gấp rưỡi chỗ cũ nên cũng đỡ khổ nhiều.

Phúc không biết chuyện đó, nếu anh ta biết, liệu Linh sẽ còn khổ đến đâu. Sở dĩ nói như vậy. Vì có lần đến đầu tháng, khi Linh ra cây ATM rút tiền lương, đến chừng đó cô mới tá hỏa vì số tiền lương của mình đã bay sạch bằng hết. Kẻ rút tiền chỉ để lại cho cô đúng 200.000 đồng. Vụ án “kẻ trộm” rút hết tiền lương đó Linh đã rêu rao khắp cơ quan và kiện tới ngân hàng. Đến khi ngân hàng trích xuất camera tại cây ATM mới thấy một gã đội mũ lưỡi trai che mất khuôn mặt đã rút tiền của cô. Không khó để Linh khoanh vùng và xác định đối tượng không ai xa lạ mà chính là Phúc.

Chồng cô cũng không phủ nhận khi vợ hỏi đến cớ sự. Sau một trận cãi vã to tiếng rồi Phúc cũng hứa trả lại cho vợ đầy đủ, viện cớ rằng anh ta chợt cần tiền nên tạm rút tiền tiêu đỡ. Phúc đi vay bạn bè số tiền về trả lại cho vợ, nên Linh cũng không tiếp tục làm dữ. Nhưng cũng kể từ đó cô phải thay đổi password và giấu kín cái thẻ ATM của mình đối với gã chồng hết thuốc chữa.

Thế rồi cái hoạt cảnh “đầu tháng đưa tiền cho vợ, đến cuối tháng lột lại cho bằng hết” đó vẫn cứ tiếp diễn. Linh tuy dở khóc dở cười, nhưng cô là người đầu óc giản đơn, cũng không nghĩ ra cách nào để đối phó với trò hề đó.

Cho đến một hôm, Phúc bị tai nạn giao thông gẫy luôn hai chân. Không bắt đền được ai vì chính anh ta chạy xe ẩu. Gặp lúc Linh đang nghỉ hộ sản đứa con thứ hai. Gia đình không có lấy một đồng dự trữ những lúc ốm đau trái gió. Kết quả không nói cũng rõ cả nhà lâm vào cảnh túng bấn chưa từng có.

Nhất là Phúc, anh ta không có tiền để chạy chữa tử tế cho đôi chân. Đến chừng đó Phúc có hối hận cũng đã muộn. Lận đận chán chê rồi hoạn nạn cũng qua, với một bên chân của Phúc thành tật khập khễnh.

Kể từ đó Linh thấy chồng hàng tháng lãnh lương về và đưa cho cô một phần ba số lương của mình, nhưng kèm theo dặn dò rằng, em giữ giùm anh số tiền này để phòng những lúc trái gió trở trời như vừa qua. Và trong suốt tháng, anh ta không còn dám đòi lại tiền từ vợ để tiêu xài như ngày trước nữa.

(Kiến thức gia đình số 31)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất