| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khổ trên vùng mặn nhất Việt Nam

Thứ Năm 05/08/2010 , 10:05 (GMT+7)

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, đến giữa năm 2009 một phần dự án muối Quán Thẻ đã đưa vào SX. Cũng bắt đầu từ đây, người dân xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm nặng nề do SX muối gây ra.

* Dự án muối Quán Thẻ "bao vây" người dân

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, đến giữa năm 2009 một phần dự án muối Quán Thẻ đã đưa vào SX. Cũng bắt đầu từ đây, người dân xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm nặng nề do SX muối gây ra.

Vườn cây ăn quả nhà bác Tiến nay thành ao tù nước đọng.

Dự án muối Quán Thẻ được triển khai từ năm 2000, do TCty Muối VN (cũ) làm chủ đầu tư có quy mô 2.500ha, gồm hai hợp phần phía Đông và phía Tây đường sắt. Công suất 300.000 tấn muối công nghiệp/năm, 20.000 tấn thạch cao, gần 20.000 tấn nước ót. Do triển khi bê bết đến tháng 2/2008, dự án được "pát- xê" cho Cty Đầu tư phát triển SX Hạ Long và dự án mở rộng thêm 800ha.

Đã bước sang tháng 8, Ninh Thuận vẫn nóng hầm hập, thế nhưng cái nóng cũng chẳng nhằm nhò gì so với không khí ngột ngạt của người dân thôn Quán Thẻ 1. Ngay đầu thôn, đập vào mũi chúng tôi là mùi tanh nồng nặc của nước biển, những hàng cây 2 bên đường, những vườn cây ăn quả bị chết khô nằm chôn chân dưới nắng. Tìm tới nhà trưởng thôn Đinh Công Dư thì ông đi vắng. Trong lúc đợi ông Dư về, chúng tôi thấy trong vườn những cây ổi, cây na, táo đã chết khô, còn cây doi thì những chùm quả teo tóp như ngón tay, tôi vặt xuống ăn thử vị chát đắng. Ngó ra phía sau, chiếc máy bơm nước từ giếng lên đã gỉ hoen gì hoét nằm chỏng chơ. Còn cái bể đựng nước, từng tảng xi măng bị nước mặn “đánh” bung ra...

Đang mải quan sát thì ông Dư về, ông bảo nhà ông chưa ăn thua gì, rồi kéo tôi sang nhà ông Vũ Hồng Tiến gần đó để tôi xem tận mắt “thảm cảnh” nước biển tàn phá. Ông Tiến thở dài chỉ ra vườn cây ăn quả gồm: Hồng xiêm, na, ổi rộng 1.000m2 những năm trước đây tốt bời bời, mỗi năm thu được trên chục triệu, nay chỉ còn trơ lại vài gốc cây đã chết khô. Không chết sao được khi dưới đất duềnh lên những vũng nước biển sau khi bốc hơi để lại những hạt muối rõ mồn một. Ông Tiến than thở: Giữa năm 2009, khi Cty Đầu tư phát triển SX Hạ Long (chủ đầu tư dự án muối Quán Thẻ) bơm nước biển lên khu phía đông QL1A, thì bên phía tây chúng tôi lãnh hậu quả khi nước biểm thẩm thấu qua lòng đất khiến cây cối chết hết, bức tường gạch bao quanh khu vườn cũng bị nước biển ăn mòn có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào.

Kết quả phân tích nước tại thôn Quán Thẻ 1 mới đây của Phòng TN- MT Thuận Nam phối hợp với Chi cục BVMT Ninh Thuận cho thấy: 2 mẫu nước tại ao có hàm lượng clorua cao gấp 12 – 30 lần cho phép, nước giếng của người dân hàm lượng Clorua cao gấp 24 – 30 lần cho phép.
Ông Dư giải thích thêm: Thôn Quán Thẻ 1 có 246 hộ sinh sống, do thôn trũng như cái lòng chảo nên khi bơm nước biển lên làm muối mà mương ngăn nước biển chưa hoàn chỉnh nên ô nhiễm là hiển nhiên. Ông Tiến kể thảm: Trước đây nhà tôi có 0,5ha đất trồng lúa ở xứ đồng hạ lưu hồ số 8, nhưng khi dự án triển khai, tỉnh thu hồi đất SX, do vậy từ năm 2002 nhà tôi đã không có đất làm nông nghiệp, tuy nhiên không hiểu sao đến nay chúng tôi vẫn chưa được nhận tiền đền bù. Ruộng mất, vườn cây ăn trái cũng bị “khai tử”, rồi đây chúng tôi không biết sống bằng gì.

Dẫn chúng tôi vòng quanh thôn, chỉ xuống ao nước xanh biếc như nước biển rộng khoảng 3ha, ông Dư cho hay, giờ chỉ còn vài con rô phi là sống được, còn không một loài cá nào chịu nổi cái vị mặn của muối. Con mương dọc bên đường để thoát nước mưa, nay làm nhiệm vụ thoát nước biển, trong vườn toàn bộ khu dân cư đều duềnh lên các vũng nước biển, những đàn gà của người dân uống phải thứ nước này cũng lăn đùng ra chết. Không chỉ cây ăn quả bị chết mà ngay cả cây xoan chịu hạn cũng không thoát.

Giếng nhà anh Trình đã bị nước biển ăn mòn.
Đến nhà anh Nguyễn Đăng Trình, thấy có người lạ, các hộ dân xung quanh kéo đến rất đông để tố khổ. Đưa tôi ra cái giếng đào nước trong xanh, anh Trình bảo: Cứ thử nước đi rồi anh biết. Nhấp một ngụm, đầu lưỡi tôi săn lại khi đụng phải vị mặn chát, còn cái thành giếng đã bị nước biển “ăn” thủng lỗ chỗ, mùi tanh nồng bốc lên. Anh Trình cho biết: Do nước biển bị nhiễm mặn nên tôi phải đi mua nước về sinh hoạt với giá “cắt cổ”. Nhà tôi cứ 1 tuần dùng hết một xe bồn 2m3 giá 80.000 đồng. Do phải mua nước sinh hoạt nên dùng cái gì cũng phải dè xẻn, thật không có cái khổ nào bằng thiếu nước. Không chỉ vậy ngôi nhà anh cũng đã bong hết lớp vữa gần đất, nhà vệ sinh cũng đã bị nước mặn phá huỷ.

Anh Trần Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho hay, hiện toàn bộ nguồn nước ngầm trên địa bàn xã đã bị nhiễm mặn nặng, tuy nhiên khó khăn nhất là thôn Quán Thẻ 1 và Quán Thẻ 2 do chưa có nguồn nước máy nên người dân phải sống chung với nước mặn. Hiện người dân địa phương sống bằng buôn bán nhỏ và trồng trọt, chăn nuôi nhưng với mức độ nhiễm mặn khiến cho đồng cỏ bị thu hẹp nên 7.000 con gia súc của người dân đang bị thiếu thức ăn nghiêm trọng, còn SXNN thì hầu như đình trệ. Tuy nhiên, theo anh Quyết, đây mới là giai đoạn đầu, mức độ ô nhiễm vẫn còn nhẹ, nếu vài năm nữa không có các giải pháp ngăn chặn ô nhiễm hữu hiệu thì tình hình còn tồi tệ hơn.

 

 

 

 

Ông Đinh Công Dư: Người dân thống kê thiệt hại và làm đơn đưa cho tôi, tôi mang lên UBND nhưng xã không nhận vì họ bảo không có chức năng giải quyết rồi bảo dân gửi lên toà án. Hiện đã có 2 gia đình là bà Lâm Thị Hệt và ông Nguyễn Văn Kỳ phải bỏ đi nơi khác làm ăn vì không chịu được ô nhiễm.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất