| Hotline: 0983.970.780

Nơi không có người còng lưng cấy

Thứ Ba 28/02/2012 , 14:32 (GMT+7)

Chuyện gieo sạ bằng công cụ kéo tay ở Hà Nội có từ vài năm nay nhưng cũng chỉ chiếm vài phần trăm diện tích.

Những người nông dân lầm lũi còng lưng, cắm mặt xuống bùn cấy trong giá rét, trong nắng lửa đã thành biểu tượng cho nền văn minh lúa nước, cho lao động nông nghiệp nặng nhọc, lạc hậu ở Việt Nam. Nay, lần đầu tiên có một xã ở Thủ đô gần như không còn xuất hiện hình ảnh xa xót ấy mỗi khi vào thời vụ.

>> Những độc chiêu của nông nghiệp Hà Nội

Chuyện gieo sạ bằng công cụ kéo tay ở Hà Nội có từ vài năm nay nhưng cũng chỉ chiếm vài phần trăm diện tích. Vì sao gieo sạ bằng công cụ có nhiều ưu thế như tiết kiệm nhân công, tăng năng suất cây trồng, linh hoạt trong thời vụ nhưng mở rộng ra thực tiễn thì gặp khó? Có rất, rất nhiều lý do được đưa ra để biện giải như sợ lúa bị chết rét, sợ khó làm, sợ thói quen ngàn đời của nông dân vốn đã chỉ biết cấy, sợ nông dân dày công dặm tỉa dẫn đến tốn công lao động trong khi quy trình không yêu cầu như vậy.

Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ nhiệm HTX An Mỹ (Mỹ Đức), tiết lộ: Điều đầu tiên, gieo sạ phải làm đồng bộ trên một diện tích lớn chứ lắt nhắt, để dân tự phát làm là hỏng. Gieo sạ có lợi thế làm nhanh, tiết kiệm thóc giống nhưng để mỗi hộ tự làm giống rồi gieo riêng giống mắc vào máng đã hao hụt gần hết lại rất chậm. Muốn mở rộng diện tích, vai trò điều hành của HTX có tính chất quyết định. HTX phải thành lập được các tổ dịch vụ để làm đầy đủ các khâu từ làm đất, ngâm ủ, gieo sạ, mới có nhiều tiện ích để thuyết phục nông dân thải loại thói quen cấy hái… Lúa gieo sạ cần đặc biệt chú ý chủ động tưới tiêu, xử lý thuốc trừ cỏ cũng như tổ chức diệt chuột vào thời kỳ đổ ải. Có thể ví các công đoạn của gieo sạ như một ván bài domino, ảnh hưởng dây chuyền lẫn nhau, mắc một công đoạn này là vướng cả quy trình sản xuất.

Có ông lãnh đạo HTX hô hào cổ vũ gieo sạ trong xã mình rất kinh nhưng ở thửa ruộng của nhà đã gieo theo phương pháp mới, bà vợ vẫn lẻn ra phá để cấy tay vì trời lạnh, cây lúa mọc chậm khiến chị sốt ruột. Sự việc bị lộ, bị đàm tiếu thành một giai thoại hài hước về gieo sạ ở Mỹ Đức đủ để nói lên rằng gieo sạ nói thì dễ, thực hiện thắng lợi không dễ chút nào.

Trên bàn làm việc của ông Tài tôi thấy nào bảng biểu, nào nông lịch được bày hàng loạt. An Mỹ không chỉ đã xây dựng kế hoạch, lịch điều hành sản xuất chung của HTX mà còn của từng đội sản xuất. Dự báo thời tiết cho 10 ngày được in ra để làm căn cứ lập lịch làm việc ngày nào ngâm ủ, làm đất, dẫn nước, bừa, gieo sạ… Ông Tài bảo: “Khi trước còn cấy Chủ nhiệm HTX rất nhàn, chỉ việc mỗi sáng bốc điện thoại gọi cho các đội sản xuất rồi chỉ đạo này nọ thế là xong. Nay gieo sạ hoàn toàn khác. Bước vào thời vụ, ban lãnh đạo HTX không thể ngồi ở văn phòng nữa mà họp sản xuất ngay trên ruộng đồng mỗi sáng để nắm bắt tình hình, ốp công việc cho từng người, từng đội, giám sát họ làm tỉ mỉ. Sai một công đoạn là ảnh hưởng đến các công đoạn tiếp theo ngay”.

Năm 2011 vụ đông lịch sử với đợt rét đậm 37 ngày đã là một trận thử thách khủng khiếp cho 190 ha lúa mới gieo sạ ở An Mỹ. Dầm thân lạnh ngắt trong bùn mà đội ngũ cán bộ HTX đầu nóng bừng như trong chảo lửa, ruột gan cồn cào bồn chồn không yên. Họ chỉ được thở phào khi đến hết rét mà lúa vẫn phát triển bình thường, khi mà nụ cười đã trở lại trên những gương mặt sạm sương gió củ nông dân. Theo đà thắng lợi đó, An Mỹ vụ này quyết tâm gieo sạ bằng công cụ kéo tay ở 280/314 ha. Chỉ những diện tích ruộng rất sâu trũng, manh mún nhỏ lẻ là chưa kịp áp dụng phương pháp gieo trồng mới.

Mỗi kỳ gieo sạ như một kỳ tổng tiến công, bài binh bố trận, lớp lang, thứ tự sao cho không để thiếu, không để thừa, không bị dẫm chân lên nhau cũng không phải chờ đợi, ngắt quãng. Nào tổ chức hội nghị hộ xã viên ở cơ sở đội sản xuất để thông qua việc áp dụng kỹ thuật gieo sạ. Nào tổ chức đăng ký giống phục vụ đủ theo cơ số và hộ xã viên, HTX ứng trước giống không tính lãi đến tận khi thu hoạch. Nào là tập huấn cho 70 lao động ngâm ủ và chạy sạ do đội trưởng đội sản xuất trực tiếp quản lý và điều hành (thù lao cho công chạy sạ và ngâm ủ giống chỉ 28.000 đ/sào chỉ bằng 1/10 so với cấy kiểu truyền thống). Nào biên chế 14 lao động chuyên được sắp xếp thành 4 tổ tưới tiêu theo từng vùng sản xuất luôn đáp ứng cho đồng ruộng sẵn sàng. Nào bố trí 19 máy làm đất chia làm 3 tổ luôn được đôn đốc điều hành. Tất cả đều được ràng buộc trách nhiệm bằng hợp đồng giao việc cụ thể cho các tổ đội song song với đãi ngộ bằng thù lao một cách thỏa đáng cho lực lượng này. Chủ nhiệm HTX như vị tổng chỉ huy, phất cờ lệnh cho từng đạo quân vào ra nhịp nhàng, hiệu quả.

+ Lợi ích của việc gieo sạ bằng công cụ là giảm lao động nặng nhọc, giảm lượng giống, giải quyết được công thời vụ, thuận lợi cho tưới tiêu, thâm canh chăm sóc, hạn chế được sâu bệnh.

+ Các điều kiện cần và đủ để gieo sạ: Cần HTX thực sự vào cuộc chỉ đạo đồng bộ và làm trên quy mô lớn. Cần chủ động được tưới tiêu. Cần chú ý phun thuốc trừ cỏ và diệt chuột đúng kỹ thuật…

Ông Tài làm một phép tính so sánh hiệu quả kinh tế giữa HTX tổ chức điều hành dịch vụ với hộ xã viên tự sản xuất: Cày ải, bừa, ngâm ủ và gieo sạ hết 98.000 đ/sào còn hộ tự lo từ cày, bừa, ngâm ủ, nylon, công nhổ mạ, vận chuyển, cấy tổng cộng hết 346.000 đ/sào. Riêng về chuyện giảm nhân công, cũng cùng diện tích 280 ha ấy nếu cấy theo kiểu truyền thống phải huy động trên 2.000 lao động làm trong 10 ngày còn nếu gieo sạ bằng công cụ kéo tay chỉ cần 70 lao động làm trong 7 ngày, bà con rất nhàn nhã, thảnh thơi không còn tất bật những ngày ra Tết nữa. Trong khi chi phí vật tư vẫn thế, hiệu quả cuối cùng giữa gieo sạ với cấy lúa truyền thống là vừa nhàn (giảm được gần 100.000 đ tiền công) vừa tăng năng suất thêm được 21 kg/sào (tổng cộng sẽ tăng được 6 triệu đồng/ha).

Dự tính thời gian tới 100% diện tích lúa ở An Mỹ sẽ được thực hiện theo phương pháp này. Một đốm lửa nhỏ đang nhen lên hi vọng mới cho cuộc cách mạng giải phóng lao động nặng nhọc của Hà Nội. 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm