| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo ATTP từ việc không kiểm soát hết được các cơ sở giết mổ động vật ở Thái Nguyên

Thứ Tư 19/12/2018 , 08:01 (GMT+7)

Tìm hiểu thực trạng GMĐV trên địa bàn của tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi giật mình khi biết hằng ngày, từ các cơ sở GMĐV nhỏ lẻ tự phát đang cung cấp ra thị trường một số lượng khá lớn thịt động vật tươi sống, nhưng chưa được cơ quan chức năng kiểm soát từ khâu giết mổ.

Theo đó, toàn bộ số lượng thịt động vật tươi sống này sẽ được đưa về một số bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn, hộ gia đình.

Toàn bộ thịt động vật tươi sống tại các cơ sở GMĐV có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng Nhà nước đều được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

Ông Phạm Quang Phúc, Phó Trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện trên toàn tỉnh mới có 9 cơ sở GMĐV được thực hiện kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Bao gồm 2 cơ sở GMĐV tập trung là Công ty cổ phần Hương Nguyên Thịnh, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên); Công ty thực phẩm Cầu Mây, xã Xuân Phương (Phú Bình); 7 cơ sở GMĐV nhỏ lẻ, tạm thời theo Quy định số 2075/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ban hành ngày 7-7-2017, trong đó T.X Phổ Yên 1 cơ sở; T.P Thái Nguyên 4 cơ sở; huyện Đại Từ 2 cơ sở. Theo “nhật ký” của 9 cơ sở GMĐV này, trung bình có 637 con lợn, gia cầm và thỏ được làm thịt/ngày, trong đó có 90 con lợn, 325 con gia cầm và 22 con thỏ.

Số cơ sở GMĐV được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động là quá thấp so với con số 1.167 hộ kinh doanh GMĐV tự phát đang đứng ngoài sự quản lý của Nhà nước, chiếm 99,23%. Riêng địa bàn T.P Thái Nguyên có tổng số 180 cơ sở, hộ kinh doanh GMĐV đang hoạt động trên địa bàn, thì có 175 cơ sở đứng ngoài sự quản lý của Nhà nước, chiếm 97,2%. Thực tế thì đã từ rất lâu, việc quản lý GMĐV đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Điều đó thể hiện bằng việc Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và tỉnh đã ban hành nhiều những quyết định, quy định, chỉ thị, văn bản hướng dẫn về công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, nhưng chưa thu được hiệu quả như mong muốn. Vì các ngành liên quan chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ thường xuyên; chính quyền cơ sở cấp xã, phường còn… chưa vào cuộc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chủ cơ sở GMĐV ở tổ 15, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) phàn nàn: Cơ sở GMĐV của gia đình tôi được cơ quan chức năng Nhà nước cấp phép hoạt động. Nhưng chúng tôi phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi hằng ngày cạnh tranh thị phần với các cơ sở GMĐV nhỏ lẻ tự phát, không có giấy phép đăng ký hoạt động với Nhà nước. Còn bà Hoàng Trung Thu, Giám đốc Công ty cổ phần Hương Nguyên Thịnh phàn nàn: Được cơ quan chức năng Nhà nước cấp phép hoạt động, năm 2017 Công ty đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GMĐV, với năng lực giết mổ bình quân 500 con lợn/ngày. Năm 2018 Công ty chính thức hoạt động, nhưng chỉ thực hiện giết mổ được từ 20 đến 30 con lợn/ngày (đạt 5% công suất thiết kế). Theo đà này Công ty sẽ vỡ nợ, phá sản để dành đất sống cho cơ sở GMĐV tự phát.

Ảnh chụp tại cơ sở GMĐV của hộ Nguyễn Đăng Khang, tổ 15, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên), lúc 2 giờ sáng, ngày 17-11-2018. Đây là cơ sở được Nhà nước cấp phép hoạt động

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi Cục Chăn nuôi và Thú y) nói băn khoăn: Ngoài các phản bán thịt động vật trong chợ, trên địa bàn của tỉnh còn có 955 điểm bán thịt gia súc, gia cầm bên lề đường, hè phố, khu dân cư. Tất cả các điểm này, thịt được bày bán đều không được bảo quản đúng quy định. Với thực trạng giết mổ, kinh doanh thịt gia súc gia cầm như hiện nay, chúng tôi lo lắng đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm; dịch bệnh động vật có thể bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; đồng thời kìm hãm phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Liên quan đến công tác quản lý GMĐV, ông Nguyễn Xuân Thạo, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y T.P Thái Nguyên cho biết: Theo các quy định quản lý của Nhà nước, cơ quan thú y chỉ được phép quản lý kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở GMĐV được cấp phép hoạt động. Còn đối với các cơ sở GMĐV tự phát, chúng tôi không được quyền làm nhiệm vụ. Ngay tại các chợ cũng có khu vực bán động vật sống, chủ yếu là gia cầm. Chủ cơ sở thường kiêm luôn việc giết mổ tại chỗ, gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Việc quản lý kinh doanh và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (thịt động vật tươi sống) được bày bán trên thị trường thuộc trách nhiệm của Sở Công Thương và Sở Y tế… Trong khi đó, ngày 17-9-2015, UBND tỉnh có Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc xử lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tại mục 1 nêu rõ: Ban chỉ đạo 389 tỉnh (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tỉnh Thái Nguyên): Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động GMĐV nhỏ lẻ, không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các trường hợp vận chuyển, buôn bán giá súc, gia cầm, các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch”… Nhưng hằng ngày, tại các chợ vẫn có rất nhiều hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tươi sống không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.

Từ sáng sớm, toàn bộ số thịt động vật tươi sống được chuyển đến các chợ tỉnh, huyện

Ông Ngô Danh Thùy, Phó phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên chia sẻ: Việc kiểm soát GMĐV khó thực hiện vì chính quyền cấp xã chưa thực sự vào cuộc. Còn với cấp huyện, thành, thị khi thực hiện kiểm tra, phải thành lập đoàn liên ngành. Việc này có liên quan đến rất nhiều thứ khác, nên làm không dễ. Một điểm khó nữa là hầu hết các cơ sở GMĐV đều được thực hiện ngoài giờ làm việc, và họ thực hiện vào lúc nửa đêm về sáng. Còn ông Phúc cho biết thêm: Khó khăn nhất hiện nay là giữa các ngành của tỉnh chưa có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ theo quy định của Luật An toàn thực phẩm; Luật Thú y, nên việc kiểm tra, kiểm soát GMĐV còn nhiều bất cập. Giản đơn như việc cấp huyện chưa kiểm tra kế hoạch và tổ chức thực hiện, thì Đội Kiểm tra liên ngành cũng sẽ rất khó khăn trong việc xử lý vi phạm.

Động đâu cũng thấy khó, những người có trách nhiệm đành… coi như không nhìn thấy. Vì tất cả mọi hoạt động GMĐV chưa được cơ quan chức năng Nhà nước kiểm định, cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động mỗi ngày. Và mỗi ngày có nhiều người, trong đó có tôi và bạn đang được ăn thịt, nhưng không biết miếng thịt mình ăn có an toàn hay không?

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.