| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo siêu bão

Thứ Tư 08/10/2014 , 09:43 (GMT+7)

Làm gì để có thể đối phó với thảm họa khi có bão mạnh tương tự siêu bão Haiyan đã tàn phá Philippines năm 2013? 

Hôm qua (7/10), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các Bộ, ngành và 63 tỉnh thành trên cả nước đã có cuộc họp trực tuyến bàn phương án trước mối đe dọa này.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tuyên truyền nâng cao năng lực tự đối phó với bão cho người dân

Theo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn (KTTV) và Biến đổi khí hậu, mặc dù tần số các cơn bão không tăng, tuy nhiên càng ngày sự bất thường và mức độ nguy hiểm của các cơn bão nhiệt đới càng hung hãn và gây ra nhiều thảm họa trên thế giới.

Tiêu biểu có thể kể tới cơn bão Nargis tháng 5/2008 tại Myanmar kèm nước biển dâng làm hơn 100.000 người chết; bão Katrina năm 2005 tại New Orleans, Mỹ khiến nước biển dâng 6m, làm 1.000 người chết, thiệt hại tới hơn 80 tỷ USD. Mới đây nhất, tháng 11/2013, siêu bão Haiyan tấn công Philippines đã gây ra thảm họa kinh hoàng khiến 6.200 người chết, trong đó phần lớn là do nước biển dâng.

Việt Nam may mắn khi siêu bão Haiyan không đổ bộ trực tiếp, tuy nhiên những gì mà cơn bão này tàn phá đất nước Philippines hồi năm 2013 đã đặt ra cho Việt Nam câu hỏi lớn: Làm gì để đối phó khi siêu bão như Haiyan đổ bộ vào nước ta? Trước câu hỏi này, ngay sau khi kết thúc mùa mưa bão 2013, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức chỉ đạo các Bộ, ngành phải gấp rút xây dựng các kịch bản đối phó với siêu bão năm 2014.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tại cuộc họp hôm qua, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết đã hoàn thành việc nghiên cứu phân vùng và xác định nguy cơ bão và nước biển dâng cho các vùng ven biển của Việt Nam.

Theo đó, việc phân vùng bão của nước ta từ nay sẽ được chia làm 5 vùng gồm: Vùng I từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; Vùng II từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế; Vùng III từ Đà Nẵng đến Bình Định; Vùng IV từ Phú Yên đến Khánh Hòa và Vùng V từ Ninh Thuận tới Cà Mau.

Theo các phân vùng bão, các dữ liệu cho thấy: Vùng I trong lịch sử đã từng ghi nhận bão mạnh cấp 15, kèm theo tổng lượng mưa 470mm, với mực nước biển dâng cao 3,5m; các Vùng II, III, IV đều đã từng xảy ra bão mạnh cấp 13, kèm theo lượng mưa lớn lần lượt là 790mm, 590mm và 470mm, mực nước biển dâng lần lượt là 3m, 1,5m và 2m. Đối với Vùng V, mặc dù tần suất có bão không cao, tuy nhiên trong lịch sử cũng đã từng ghi nhận bão mạnh cấp 10, với tổng lượng mưa tới 180mm, nước biển dâng cao 2m.

Căn cứ vào các phân tích về nguy cơ bão và nước biển dâng, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết: Toàn bộ các Vùng I đến Vùng IV (từ Quảng Ninh tới Ninh Thuận) đều sẽ có nguy cơ xảy ra bão mạnh cấp 15, cấp 16, với mực nước biển có thể dâng cao 3m đến 6m; Vùng V vẫn sẽ có có nguy cơ xảy ra bão mạnh cấp 12, cấp 13, với mực nước biển dâng cao 4m đến 5m.

Tại cuộc họp hôm qua, báo cáo của nhiều cơ quan của Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT cho thấy, với xác suất bão mạnh cấp 12, cấp 13 có thể đổ bộ, vùng Nam Trung Bộ tới ĐBSCL là vùng có nhiều nguy cơ thiệt hại nặng nề, đặc biệt là nước biển dâng.

Nghiên cứu của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho thấy, nếu bão cấp 12 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, xuyên qua vùng ĐBSCL (tương tự đường đi cơn bão Linda năm 1997) sẽ khiến nước biển dâng cao ít nhất 2m tại các tỉnh từ Bạc Liêu - Cà Mau, dải ven biển từ TP. HCM đến Cà Mau sẽ có nguy cơ bị ngập lụt nghiêm trọng.

Trong khi đó theo tính toán của Viện Khoa học Xây dựng (Bộ Xây dựng), nếu bão cấp 12, cấp 13 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là ĐBSCL thì gần như phần lớn nhà cửa và nhiều công trình sẽ bị phá hủy do hầu hết nhà cửa ở các vùng này được xây dựng rất sơ sài, tạm bợ. Thực tế những năm qua cho thấy, chỉ cần bão cấp 10 đổ bộ vào Nam Trung bộ thì thiệt hại về nhà cửa đã rất nghiêm trọng.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, lo lắng: Với trên 20% dân số sống ven biển, trong đó ¾ số nhà dân là nhà cấp bốn, thiếu kiên cố nên nếu có siêu bão thì toàn bộ công trình nhà cửa, công trình dân sinh xem như bị hoàn toàn san phẳng...


Người dân huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đào hầm tránh siêu bão Haiyan năm 2013

Liên quan tới vấn đề này, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho rằng, hiện nay hầu hết các công trình xây dựng, nhất là công trình đã xây dựng lâu năm thường chỉ thiết kế với mức chống chịu bão mạnh cấp 12, vì vậy ngành xây dựng cần phải sớm có quy chuẩn, tiêu chuẩn mới áp dụng cho công trình, nhất là các công trình ven biển có thể chống chịu với các kịch bản siêu bão. Đồng thời, các tỉnh, nhất là 29 tỉnh ven biển cần phải có một cuộc tổng rà soát toàn bộ nhà ở, qua đó xác định các vùng nhà ở có nguy cơ cao khi gặp bão lớn nhằm có phương án cho việc sơ tán dân khỏi các nhà ở có nguy cơ khi có bão lớn.

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì cho rằng, cần phải gấp rút hoàn thành việc điều tra, xây dựng bản đồ ngập lụt ngập lụt cho toàn bộ các tỉnh ven biển ứng với các mức nước biển dâng khi có siêu bão để các địa phương có căn cứ sơ tán dân.

Được biết, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam hiện cũng đã xây dựng được các kịch bản cho các tình huống ngập lụt, nước biển dâng tại các tỉnh ĐBSCL.

Bổ sung các phương án đối phó với siêu bão

Để giảm thiệt hại về tài sản do bão thì chưa thể làm được trong ngày một ngày hai, nhưng giảm thiệt hại về người thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được ngay. Mặc dù chúng ta đã giảm được thiệt hại về người rất lớn do bão, nhưng yêu cầu các địa phương cần phải bổ sung thêm các phương án rà soát, sơ tán dân trong các tình huống gặp bão mạnh, siêu bão. 

Đồng thời, các địa phương phải rà soát và phân loại kỹ thực trạng nhà ở, công trình để xác định các vùng nguy hiểm nhằm có phương án cho việc sơ tán dân. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền để người dân tự ý thức được việc phòng chống bão. 

Trong đó, đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với các tỉnh triển khai quyết liệt các chương trình, dự án nhằm tăng cường cho hệ thống truyền thanh cơ sở. Bởi chỉ có hệ thống truyền thanh cơ sở mới giúp công tác tuyên truyền, thông báo chỉ đạo phòng chống bão tốt nhất, hiệu quả nhất, đặc biệt là lúc có bão.

Đối với hạ tầng, nhiều địa phương hiện nay chưa tính hết được thiệt hại về cơ sở hạ tầng do bão, đặc biệt là trường hợp gặp bão lớn. Mỗi năm, thiệt hại về thiên tai bão lụt chiếm tới 1-2% GDP của nhiều địa phương, có nơi 10 năm sau vẫn khắc phục thiệt hại. 

Vì vậy, đề nghị tất cả các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại toàn bộ các quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành mình theo hướng bổ sung các phương án đối phó với bão mạnh, siêu bão, muộn nhất đến tháng 6/2015, các bộ ngành và địa phương phải hoàn thành các phương án bổ sung này.

(Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải)

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất