| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo tiêu chí “chọi” nhau

Thứ Năm 16/08/2012 , 10:51 (GMT+7)

Khảo sát ở một số địa bàn thuộc tỉnh Bắc Giang, chúng tôi thấy lãnh đạo và người dân đều có những băn khoăn về tiêu chí thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động.

Chăn nuôi có thể giúp tăng thu nhập nhưng vấp phải tiêu chí môi trường

Khảo sát ở một số địa bàn thuộc tỉnh Bắc Giang, chúng tôi thấy lãnh đạo và người dân đều có những băn khoăn về tiêu chí thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động.

>> Một số bất cập trong xây dựng NTM

Đạt thu nhập lại hỏng môi trường

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, tâm sự: Tiêu chí bình quân thu nhập đầu người ở xã xây dựng NTM tăng 1,2 lần so với mức bình quân cấp tỉnh, theo tôi điều này không nên quy định cứng. Chẳng hạn những tỉnh có công nghiệp phát triển như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... thì quy định đó là không phù hợp. Thu nhập bình quân đầu người không thể phản ánh toàn diện được đời sống của nhân dân. Mà ở xã NTM thì vấn đề cơ bản vẫn phải là cái ăn, cái mặc, sinh hoạt của mỗi người dân. Do đó nên giao cách tính mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm cho các tỉnh quyết định.

Để có cái nhìn thực tế hơn về vấn đề này, chúng tôi đã tìm về xã Tân Thịnh (Lạng Giang). Tân Thịnh là 1 trong 11 xã của cả nước được Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn thí điểm xây dựng mô hình NTM.

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, đã trao đổi rất thẳng thắn về sự mâu thuẫn giữa các tiêu chí xây dựng NTM. Ông Trung nói: Muốn tăng thu nhập lên ắt hẳn phải tăng gia sản xuất, nghĩa là đẩy mạnh phát triển kinh tế trong các hộ gia đình với những khả năng có thể, miễn là có nguồn thu để trang trải cuộc sống vươn lên làm giàu là được. Song như thế sẽ vướng vào một vài tiêu chí khác.

Thấy chúng tôi băn khoăn, ông Trung lý giải: Ở xã chúng tôi có một CLB chăn nuôi gồm nhiều hộ dân tham gia và nhờ đó đời sống của các gia đình này khá lên rất nhiều. Hầu như gia đình nào cũng xây dựng được nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, con cái có điều kiện ăn học tiến bộ là nhờ vào các khoản thu nhập từ chăn nuôi. Khổ nỗi là họ cũng đã rất cố gắng nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Điều này chiếu vào tiêu chí môi trường là coi như không đạt NTM rồi. Và nữa, thu nhập tăng đấy, đời sống gia đình khá lên đấy, cái bao tử ai cũng ấm áp nhưng lại chịu cái tiếng là lao động trong nông nghiệp. Thế là lại bị tiêu chí cơ cấu lao động trong nông nghiệp áp vào, dẫn đến khó mà đạt cái đích NTM sớm được.

Để minh chứng điều mình nói, ông Trung dẫn chúng tôi đến một số hộ trong CLB chăn nuôi của xã. Anh Nguyễn Thành Bắc ở thôn Tân, thành viên của CLB chăn nuôi xã Tân Thịnh, chỉ tay vào căn nhà 3 tầng khang trang với tiện nghi sinh hoạt đủ đầy, nói: "Thành quả đó là nhờ vào lao động của hai vợ chồng. Cảnh quê nghèo, ruộng đất ít nên vợ chồng tôi tính chuyện làm ăn bằng việc phát triển chăn nuôi kết hợp với nấu rượu. Nhờ đó, mỗi năm doanh thu cũng đạt khá. Ngoài việc có đủ cái ăn, cái mặc, nhà cửa khang trang, thứ mà để lại niềm vui lớn nhất cho vợ chồng tôi chính là sự hiếu học của các con”.

Con gái lớn của gia đình anh Bắc vừa tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, con gái thứ hai đang học Đại học Kinh tế Quốc dân và cậu con trai đang học lớp 7.

Đi xem chuồng trại chăn nuôi của anh Bắc được xây dựng kiên cố, hệ thống hầm Biogas được đầu tư bài bản nhưng với đàn lợn hàng trăm con thế này thì bài toán xử lý triệt để ô nhiễm là rất khó. Chúng tôi hỏi ông Trung rằng: Ở nhiều nơi họ xây dựng các khu trang trại tập trung, tại sao ở xã mình lại không quy hoạch như thế?

Ông Phó chủ tịch UBND xã Tân Thịnh đáp: “Khó lắm anh ơi. Chúng tôi cũng đã bắt tay vào làm nhưng gặp phải cái quỹ đất hiện nay là rất ít. Nếu tìm được quỹ đất để làm thì không có tiền để giải phóng mặt bằng bởi theo quy định không được lấy tiền ngân sách ra để đền bù. Rõ ràng như thế tiêu chí chưa tính đến tận cùng của vấn đề này”.

"Không nên quy định cứng tiêu chí cơ cấu lao động"

Một bất cập nữa được cán bộ địa phương tỉnh Bắc Giang nêu ra, đó là tiêu chí cơ cấu lao động nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho rằng, đã là nông thôn thì không thể quy định cứng có một tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 45%. Ông Nghĩa đề xuất: Với xã trung du miền núi quy định đó nên ở mức 60% là hợp lý.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đến huyện Sơn Động, một huyện “vùng sâu vùng xa” của tỉnh Bắc Giang. Khi tiến hành xây dựng NTM, lãnh đạo xã Tuấn Đạo (Sơn Động) hết sức chật vật với tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ cơ cấu lao động nông nghiệp trong nông thôn.

Đi nhiều phương ở Bắc Giang, chúng tôi nhận thấy, không phải nơi nào cũng có điều kiện thuận lợi như Tân Thịnh, do đó những kiến nghị của ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, về việc không thể quy định cứng có một tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 45%, cũng rất đáng xem xét.

Ông Nguyễn Văn Cộng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã minh chứng một điều mà thấy xót xa.

Ông bảo: “Vấn đề là đào tạo ra rồi ai sử dụng? Thầy thì có học sinh mà học sinh ra trường mấy năm rồi nhưng chẳng có việc để làm. Ở nước ngoài, người ta muốn làm cái gì là mọi người góp tiền lại để thuê thầy đến dạy cho cách làm nhưng ở mình thì lại khác. Chúng tôi tổ chức dạy nghề thú y, chăn nuôi cho đồng bào ở đây, theo quy định mỗi người đi học sẽ được hỗ trợ 15.000đ/ngày song người ta vẫn không mấy mặn mà với lớp học vì theo họ một ngày đi xách vữa cũng được 150.000đ”.

Ngay như Tân Thịnh (Lạng Giang), một điểm sáng về chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng vẫn còn 50% số lao động làm nông nghiệp. Một trong những thuận lợi của Tân Thịnh, theo ông Nguyễn Hữu Trung, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, đó là xã nằm sát nách thị trấn Kép nên có được một hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh. Cả xã có 630 hộ kinh doanh.

Ngay sau khi bắt tay vào xây dựng NTM, Cty may Bắc Giang đã vào đầu tư xây dựng nhà máy giải quyết được một lượng lớn lao động cho địa phương. Tân Thịnh đã mở được 16 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm chăn nuôi, thú y, may công nghiệp, trồng hoa, trồng cây ăn quả, rau sạch và trồng thuốc lá. Hiện 4 lớp may công nghiệp với 160 người và 1 lớp đào tạo công nhân đá mỹ nghệ  gồm 30 người đều đã có việc làm và thu nhập ổn định ngay trên địa bàn xã.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất