| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lòng người bảo vệ rừng Chư Yang Sin

Thứ Ba 05/11/2019 , 08:50 (GMT+7)

Vườn quốc gia Chư Yang Sin nằm trên địa bàn xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk, trực thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk.

767715169944605609180683881166850800746496-n-1572504328718130532794
Cán bộ kiểm lâm VQG Chư Yang Sin thả động vật hoang dã về rừng tự nhiên.

Hiện nay vườn đang có 34 lao động không thuộc đối tượng quản lý của Sở Nội vụ, mặc dù họ đã được tuyển dụng vào làm công việc bảo vệ rừng từ năm 1999 đến năm 2005. Mười mấy năm qua, họ chưa một lần đặt bút ký vào bản Hợp đồng lao động.
 

Làm việc đã 15 năm, giờ bơ vơ

Năm 2003, UBND tỉnh Đăk Lăk ra quyết định thành lập Hạt Kiểm lâm Chư Yang Sin. Năm 2007, những người này được chuyển đổi mã ngạch công chức Kiểm lâm theo Quyết định của Giám đốc Sở NN- PTNT ký. Năm 2011, tại một văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ do ông Nguyễn Văn Sự ký về việc thỏa thuận hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề thuộc ngành kiểm lâm, đồng ý cho 34 người này hưởng chế độ thâm niên nghề và ưu đãi nghề kiểm lâm cho đến nay.

Ngày 28/11/2011, Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk đã ký Quyết định phê duyệt 81 thí sinh trúng tuyển kỳ xét tuyển viên chức do VQG Chư Yang Sin tổ chức (được Sở ủy quyền). Những thí sinh là những lao động được tuyển dụng từ năm 2006, do ông Lương Vĩnh Linh (nguyên giám đốc Ban quản lý Dự án khu bảo tồn thiên nhiên/Vườn quốc gia Chư Yang Sin, giai đoạn 1998 - 2011), ký quyết định tuyển dụng. Còn 34 người đã vào làm việc trước đó lại không thuộc đối tượng xét tuyển viên chức trong dịp này.

Ngày 09/11/2016, Sở NN-PTNT ban hành quyết định do ông Nguyễn Hoài Dương ký, về việc giao số lượng viên chức cho VQG Chư Yang Sin về việc chi trả ưu đãi ngành kiểm lâm 34 lao động này nằm trong số 101 người thuộc Hạt Kiểm lâm Chư Yang Sin được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 25%, 30% - phụ cấp ưu đãi nghề ngành kiểm lâm theo quy định tại Thông tư số 64/2006/TTLT-BTC-BNV-BNN, ngày 25/8/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Bộ NN-PTNT.

Ngày 10/10/2018, Sở Nội vụ có công văn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Theo công văn này thì 34 lao động nằm trong danh sách được hưởng chế độ theo thỏa thuận tại Công văn số 158/SNV-CBCC&VC do Sở Nội vụ ban hành trước đây sẽ không được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Thế là tháng 10/2018, tại cuộc họp giao ban Vườn quốc gia Chư Yang Sin, Phòng Kế hoạch - Tài vụ thông báo sẽ dừng chi trả các chế độ đang hưởng theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ từ tháng 11/2018 đối với 34 lao động trên, với lý do họ không phải là viên chức. Trong khi đó, tại các quyết định về việc nâng bậc lương cho công chức, viên chức do Giám đốc Sở NN- PTNT ký cho 34 lao động trên đều ghi thuộc ngạch Viên chức loại A1 (mã 10.226) hoặc Viên chức loại B (mã 10.228). Thực tế trong số 34 lao động này, đều đang đảm nhiệm những vị trí công tác chủ chốt như Giám đốc, Kế toán trưởng, 9 trạm trưởng, đội trưởng đội kiểm lâm.

Ngày 15/7/2019, Sở Nội vụ có công văn tuyển dụng viên chức đối với các Ban quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trong tỉnh. Trong công văn này Sở Nội vụ lại căn cứ vào Nghị định 01/2019/NĐ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thì lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng người làm việc tại các ban quản lý rừng phong hộ, rừng đặc dụng được quy định là viên chức.

Do chưa có mã ngạch Bảo vệ rừng Chuyên trách, nên Sở Nội vụ đề nghị Sở NN-PTNT làm Tờ trình gửi Bộ NN-PTNT, khi nào Bộ có mã ngạch cho lực lượng này thì Sở Nội vụ mới tiến hành xét tuyển.
 

Quý Sở làm ngơ?

Liệu đây có phải là việc làm vô cảm và thiếu thực tế của Sở Nội vụ tỉnh Đăk Lăk? Công văn do ông Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đăk Lăk ký ban hành có trái quy định của pháp luật? Hơn nữa, việc Sở Nội vụ áp dụng Nghị định 01/2019/NĐ-CP vào những đối tượng có thời gian công tác từ 14 - 19 năm tại VQG Chư Yang Sin với lý do chưa có mã ngạch để tuyển dụng là không hợp lý.

Tại sao khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng và Nghị định 117/2010/NĐ-CP, ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng có hiệu lực lại không áp dụng để tuyển dụng 34 lao động này, mà phải đợi đến khi Nghị định 01/2019/NĐ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ chính thức có hiệu lực mới ban hành Công văn số 1110/SNV-CCVC?

Ngày 20/9/2019, Giám đốc VQG Chư Yang Sin và Kế toán trưởng đã tham gia cuộc họp ở Sở Tài chính để bảo vệ ngân sách cho năm 2020. Tại đây, Sở Tài chính đã thông báo không cấp tài chính cho 34 lao động chưa phải là viên chức các khoản thâm niên nghề kiểm lâm, ưu đãi nghề kiểm lâm, phụ cấp thâm niên quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP.

Việc cắt ngay một số khoản phụ cấp vào năm 2020 đối với 34 người công tác lâu năm mà đến nay không được tuyển dụng viên chức cần được xem xét thấu đáo trên quy định của pháp luật và lương tâm con người. Thu nhập của người trực tiếp bảo vệ rừng luôn thấp hơn so với các ngành nghề khác trong xã hội, bởi các khoản chi phí thực tế. Áp lực với bảo vệ rừng là quá lớn, luôn đối mặt với hiểm nguy, những bất trắc nguy hiểm, khó lường luôn rình rập trong rừng sâu.

Việc nhanh chóng cắt giảm các chế độ và chậm trễ trong xét tuyển đối với 34 lao động làm công tác bảo vệ rừng tận gốc có thời gian làm việc từ 15 - 20 năm tại VQG Chư Yang Sin là việc làm vô cảm và thiếu tính nhân văn của Sở Nội vụ và Sở NN- PTNT tỉnh Đăk Lăk. Người có thời gian cống hiến nhiều hơn sẽ được hưởng chế độ, chính sách ngang bằng thậm chí thấp hơn những người có thời gian cống hiến ít hơn, đã và đang tạo ra những nghịch lý và sự bất bình đẳng. Liệu họ có đủ tự tin để tiếp tục gắn bó với công việc bảo vệ rừng vốn dĩ luôn tiềm ẩn những hiểm nguy, phức tạp, sự manh động, liều lĩnh của những kẻ phá rừng.

Để họ thực sự yên tâm với nghề, đủ bản lĩnh chiến đấu và không bắt tay với lâm tặc thì mức thu nhập từ đồng lương phải được ổn định. Vị trí việc làm phải được đảm bảo bởi những văn bản có giá trị pháp lý do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành. Đảm bảo mức thu nhập ổn định cho những người bảo vệ rừng, nhất là những người bảo vệ rừng tận gốc lâu năm cũng chính là một giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả. Một khi mà thu nhập không đủ chi phí sinh hoạt, không đủ để nuôi con thì họ biết làm gì để có thể tồn tại giữa cuộc sống luôn dư thừa những áp lực, khi tuổi đời đã quá ngưỡng 40.

Hơn ai hết, 34 lao động ngoài biên chế này, họ chắc chắn biết được những giá trị về đa dạng sinh học, sự phân bố của những loài động, thực vật có giá trị khoa học cao của VQG Chư Yang Sin, phương thức, thủ đoạn của lâm tặc ra sao? Họ không phải là những người yếu kém về bản lĩnh chính trị hay chuyên môn nghiệp vụ.

Thực tế họ đã được giao những nhiệm vụ chủ chốt tại đơn vị suốt thời gian dài, họ đã được xét nâng lương trước thời hạn, không ít người được UBND tỉnh Đăk Lăk tặng bằng khen vì có thành tích tốt trong công tác bảo vệ rừng. Liệu cách ứng xử của Sở Nội vụ và Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk đối với họ đã thực sự nhân văn hay chưa. Có đi ngược lại xu thế hiện nay, khi mà diện tích rừng, nhất là rừng tự nhiên đang bị tàn phá đến mức cạn kiệt.

Việc trì hoãn và kéo dài trong công tác tuyển dụng không chỉ đối với 34 lao động tại VQG Chư Yang Sin, mà tình trạng này còn xảy ra tại 6 Ban quản lý rừng khác trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Rất nhiều người lao động lâu năm không được tuyển dụng. Rất nhiều người không phải là viên chức nhưng vẫn được Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk ra quyết định bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các Ban Quản lý rừng, như Giám đốc, Kế toán trưởng, trưởng phòng Tổ chức - Hành chính....

Không ai dám chắc những diện tích rừng tự nhiên còn sót lại của Đăk Lăk trong tương lai sẽ được bảo vệ tốt, khi 2 Sở chưa có sự giải quyết thấu tình đạt lý với những người bảo vệ rừng trong gần suốt 15 - 20 năm qua. Hơn ai hết, những người bảo vệ rừng ở VQG Chư Yang Sin rất cần sự vào cuộc của các cơ quan, giải quyết vấn đề cho thấu tình đạt lý.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất