| Hotline: 0983.970.780

Nơi người sống chen lấn người chết

Thứ Năm 27/03/2014 , 13:46 (GMT+7)

Tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam), người dân đang phải sống chung với người chết, sử dụng nguồn nước ô nhiễm,...

Xã đảo Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) có hơn 80% dân số sống bằng nghề biển. Nơi đây đang xảy ra thực trạng người dân phải sống chung với người chết, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, bệnh ung thư hoành hành...

XÂY NHÀ TRÊN MỒ MẢ 

Làng Đông Tuần tọa lạc trên đồi cát. Một bên là cửa sông Trường Giang, một bên là biển Đông. Tổng diện tích chỉ vỏn vẹn 1 km2 nhưng có hơn 700 hộ dân với 2.600 nhân khẩu. Hiện có hơn 200 hộ dân sống cách mồ mả từ 2 - 10 m; 500 hộ dân ở xa hơn.

Ông Trần Quốc Khôi, Trưởng thôn Đông Tuần, bảo: Trước đây, Đông Tuần là một đồi cát, cây dương mọc xanh um tùm. Trong chiến tranh chống Mỹ, khu vực này là nghĩa địa chôn cất binh lính tử trận. Đông Tuần nằm ở cuối sông Trường Giang nên cứ sau mỗi trận đánh thi thể binh lính trôi dạt về nhiều vô kể, sau đó được đưa lên đây chôn cất.

Khi đất nước thống nhất, người dân đến đây dựng nhà lập làng, ban đầu chỉ vài hộ ở, nhưng sau số dân nhiều lên. Người đông đồng nghĩa với người chết cũng nhiều, do đó mỗi năm mồ mả được chôn cất dày đặc.

“Nhiều hộ dân trong làng khi đào móng làm nhà phát hiện hài cốt, nhưng họ cất bốc hài cốt đi nơi khác rồi tiếp tục xây nhà trên đó để ở. Không làm cách này thì chẳng biết lấy đâu ra đất để làm nhà cửa sinh sống”, ông Khôi cho hay.

Trưởng thôn Khôi buồn rầu: “Chú thử tính đi, cả làng được có 1 km2 đem chia cho 700 hộ dân, mỗi hộ được 150 m2, đất thì không đẻ được, còn người thì đẻ thêm. Do vậy, để có chỗ làm nhà, buộc người dân phải lấn đất của người chết. Còn người chết thì không biết chôn ở đâu, phải chen lấn đất của người sống.

Những gia đình ở trước thì cách xa mồ mả hơn, những hộ mới làm nhà thì sống gần hơn. Thậm chí có những vợ chồng trẻ phải chấp nhận làm nhà trên những ngôi mộ vừa được cải táng”.

Ngôi nhà của vợ chồng anh Phạm Minh Huy nằm lọt giữa thôn, để vào nhà anh phải đi qua hàng loạt ngôi mộ. Phía trước, phía sau, hai bên nhà anh Huy mồ mả bao quanh dày đặc. Mồ mả đắp đất, cát có; mồ mả xây bằng xi măng có. Thế mà, vợ chồng anh Huy đã sống ở đây hơn 10 năm nay.

00-29-11_anh-2
Nguồn nước giếng bị ô nhiễm nhưng gia đình anh Huy vẫn phải sử dụng hằng ngày

Anh Huy cho biết, cưới vợ xong, anh ra khu nghĩa địa chiếm được mảnh đất để dựng nhà. Ban đầu thì mồ mả còn ít nhưng dần dần phủ kín xung quanh ngôi nhà anh.

Sao anh không ngăn cản việc người ta mái táng gần nhà? Anh Huy cười: “Đất nhà mình đang ở thuộc đất nghĩa địa. Ở đây, có tục bao đất cho người chết,  khu đất này được họ chọn từ lâu rồi. Mình làm nhà sau khi người ta đã bao đất, giờ có nói họ cũng chẳng nghe, thậm chí họ còn đuổi mình đi nữa ấy chứ!”.

Tôi hỏi tiếp: Sao anh không chuyển nhà đi nơi khác mà ở? “Biết ở đâu nữa chú, đất ở thôn thì ít ỏi, muốn sống chỉ có cách làm thuyền, bè ở trên mặt nước thôi! Ở lâu cũng thành quen, chứ ở trong làng này, mình có tiền cũng không mua được đất cách xa mồ mả đâu”, anh Huy đáp.

Cách nhà anh Huy mấy bước chân, ngôi nhà của chị Phùng Thị Văn (42 tuổi) phía trước là những ngôi mộ cũ có từ trước khi gia đình chị cất nhà để sinh sống, phía sau là cả khu nghĩa địa với nhiều ngôi mộ còn khá mới chỉ cách ngôi nhà chị vài 2 m. Hồi vợ chồng chị Văn đến làm nhà, khi đào móng phát hiện hàng chục bộ hài cốt. Sau đó, hai vợ chồng mua tiểu về chuyển đi nơi khác, rồi làm nhà trên đó ở.

Chị Văn chia sẻ: “Ban đầu thì mình sợ lắm, nhất là thời gian chưa có điện thắp sáng. Mỗi khi gió biển thổi vào, rừng dương phát ra tiếng vi vu chẳng thể nào ngủ được. Nhưng sống lâu thành quen, bây giờ chẳng sợ nữa. Con cái sinh ra đã sống chung cảnh này nên cũng không sợ, hằng ngày bọn chúng vẫn leo lên mồ mả chơi đùa mà”.

UNG THƯ BỦA VÂY

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Tam Hải, từ năm 2009 đến cuối năm 2013, trên địa bàn xã có đến 68 người chết vì ung thư dạ dày, gan… Trong đó, thôn Đông Tuần có hơn 20 người.

Hỏi về nguyên nhân người dân bị bệnh ung thư, bà Phạm Thị Thiện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tam Hải, cho hay: “Chú coi đó, cả xã Tam Hải không có một khu công nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm nào. Nguyên nhân người dân bị bệnh ung thư là do sử dụng nguồn nước mà ra thôi.

00-29-11_anh-5
Nhà người dân chen lấn mồ mả

Người dân thôn Đông Tuần ăn nước “người chết” là chính. Họ đào giếng cạnh mồ mả, khi nước múc lên thì trong veo nhưng để chừng 15 phút thì chuyển qua màu vàng, vậy mà người dân cũng phải sử dụng hằng ngày”.

“Đáng lo ngại nhất là gần đây những người chết vì bệnh ung thư rơi vào những người trẻ tuổi. Ngoài chuyện ô nhiễm nguồn nước nghĩa địa thì nay người dân nơi đây đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm từ các ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Nếu cứ đà này thì nguy cơ người dân bị ung thư ngày càng trầm trọng hơn nữa”, bà Phạm Thị Thiện, Trạm trưởng Trạm Y tế
xã Tam Hải.

Anh Phạm Minh Huy dẫn chúng tôi ra giếng và dùng gầu múc nước lên xem. “Mấy cái thau, nồi đựng nước bị ôxi hóa, riêng ấm nấu nước thì 2 tháng phải thay một cái. Cách đây 1 năm, những người bán máy lọc nước đem theo máy móc và trang thiết bị đo mức độ ô nhiễm thì kết quả cho thấy nguồn nước ở đây ô nhiễm nặng lắm”.

Mặc dù nguồn nước ô nhiễm như vậy nhưng hằng ngày gia đình anh Huy vẫn phải sử dụng. Anh chẳng lọc mà cứ múc lên là dùng ngay. Mới đây, bố của anh Huy bị ung thư cướp đi mạng sống. Thấy cái chết của cha mình có thể do nguồn nước gây ra nhưng anh vẫn phải tiếp tục sử dụng nước giếng.

“Một cái máy lọc nước giá 5 triệu đồng, trong khi gia đình nghèo khó lấy đâu ra tiền mà mua? Ở làng này có phải chỉ riêng gia đình tôi đâu mà nhiều hộ dân vẫn phải sử dụng nước nhiễm độc”, anh Huy cho hay.

Trước việc nhiều người chết do ung thư, một số người dân ở Đông Tuần bỏ tiền mua máy lọc nước hoặc mua nước đóng bình loại 20 lít về sử dụng. Tuy nhiên số này chỉ đếm được đầu ngón tay, bởi hầu hết người dân nơi đầy nghèo khó, lấy đâu ra một khoản tiền lớn để mua máy lọc nước.

Ông Phan Như Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, cho biết, theo quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam, xã Tam Hải có dự án biến toàn xã thành khu du lịch sinh thái. Như vậy, nghĩa địa xã Tam Hải sẽ được quy hoạch tại xã Tam Anh. Khi triển khai dự án, xã rất mừng, vậy mà đến nay dự án đã dừng lại nên việc quy hoạch nghĩa địa cũng không thực hiện được.

Ngoài ra, từ năm 2010, xã Tam Hải đã có phương án thay thế, mở khu nghĩa địa ở thôn Thuận An, song đất không được rộng, lại thêm người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng đã chiếm đi một phần diện tích đất nghĩa địa.

“Riêng vấn đề nước sạch, năm 2006, xã Tam Hải được tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ bắc hệ thống nước ngọt từ xã Tam Giang qua. Đến năm 2010, cảng Tam Hiệp được mở nên phải dỡ đường ống và từ đó chẳng ai sửa chữa, nâng cấp nên mất nước. Hiện chính quyền và người dân xã Tam Hải đang trông ngóng việc nối lại hệ thống đường ống dẫn nước ngọt từ xã Tam Giang qua Tam Hải”, ông Thường cho biết.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất